Tư vấn về những điểm mới của Tội tham ô tài sản theo Bộ luật hình sự 2015

Tham ô (tham ô tài sản) là một trong những vấn nạn đang được Đảng và Nhà nước xác định như một dạng của "giặc nội xâm" và cần một giải pháp mạnh tay, toàn diện để phòng ngừa. BLHS 2015 đã có một số sửa đổi về loại tội phạm này so với BLHS 1999. Bài viết sau của ACC sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về chủ đề Tư vấn về những điểm mới của Tội tham ô tài sản theo Bộ luật hình sự 2015.

Tham O Tai San Bi Di Tu Bao Nhieu Nam 1
Tư vấn về những điểm mới của Tội tham ô tài sản theo Bộ luật hình sự 2015

1. Tội tham ô tài sản là gì?

Theo điều 353 Bộ luật hình sự 2015, thì:

Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Để có cái nhìn rõ ràng hơn về khái niệm của tham ô, bạn đọc tham khảo bài viết: Tham ô là gì?

2. Những điểm mới của Tội tham ô tài sản theo Bộ luật hình sự 2015

  • Thứ nhất: Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 278 BLHS 1999) lên 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (khoản 2 Điều 278 BLHS 1999) lên 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 2 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 3 Điều 278 BLHS 1999) lên từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 (khoản 3 Điều 353 BLHS 2015).

Tăng mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên (khoản 4 Điều 278 BLHS 1999) lên từ 1.000.000.000 đồng trở lên (khoản 4 Điều 353 BLHS 2015).

  • Thứ hai, khoản 1 Điều 353 BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc bỏ tình tiết này là phù hợp, tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình áp dụng điều luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
  • Thứ ba, khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 sửa đổi tình tiết “phạm tội nhiều lần” (điểm c khoản 2 điều 278 BLHS năm 1999) thành “Phạm tội từ 2 lần trở lên”. Việc sửa đổi giúp quy định pháp luật trở nên rõ ràng, dễ áp dụng.
  • Thứ tư, BLHS năm 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” (điểm đ khoản 2 Điều 278 BLHS 1999).

Tại khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 bổ sung các tình tiết: “Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn” (điểm đ khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015); “gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng” (điểm e khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015); “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức” (điểm g khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015). Tuy nhiên, trường hợp thế nào là ảnh hướng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức thì cần phải có hướng dẫn để thuận lợi cho việc áp dụng.

  • Thứ năm, BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” (điểm b khoản 3 Điều 278 BLHS 1999). Tại khoản 3 Điều 353 BLHS 2015 bổ sung các tình tiết “gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng” (điểm b khoản 3 Điều 353 BLHS 2015); “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm c khoản 3 Điều 353 BLHS 2015); “dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động” (điểm d khoản 3 Điều 353 BLHS 2015).
  • Thứ sáu, BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” (điểm b khoản 4 Điều 278 BLHS 1999). Tại khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 bổ sung tình tiết “gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên” (điểm b khoản 4 Điều 353 BLHS 2015).

Như vậy, Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ các tình tiết quy định chung chung khó áp dụng thay vào đó là các tình tiết cụ thể đối với từng khung hình phạt để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

  • Thứ bảy, tại khoản 5 Điều 353 BLHS 2015 tăng mức phạt tiền bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 5 Điều 278 BLHS 1999) lên 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
  • Thứ tám, bổ sung khoản 6 Điều 353 BLHS 2015 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, Bộ luật Hình sự đã mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống các cơ quan nhà nước, mà còn người có chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
  • Thứ chín, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Tham ô tài sản” thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 (khoản 3 Điều 28 BLHS 2015). Đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.
  • Thứ mười, để hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời thực thi chính sách nhằm tăng cường việc thu hồi tài sản tham nhũng do phạm tội, tại điểm c, khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Về những quy định của tội tham ô tài sản như khái niệm, cấu thành, hình phạt, quý bạn đọc xem bài viết: Tội tham ô tài sản bộ luật hình sự 2017.

3. Câu hỏi thường gặp

Chủ thể của tội tham ô tài sản là ai?

Chủ thể của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015).

Phân biệt tham ô và tham nhũng?

Tham ô tài sản là một trong những hành vi tham nhũng, là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận lợi ích để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Cấu thành của tội tham ô tài sản?

  • Chủ thể: Người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt.
  • Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức.
  • Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
  • Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn.

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (281 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo