Biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa là gì? [2024]

Chất lượng hàng hóa là toàn bộ những thuộc tính của hàng hóa nói lên bản chất cũng như đặc điểm, tính cách của hàng hóa có giá trị riêng, được xác định bằng những thông số có thể đo được hoặc so sánh được, phù hợp với những điều kiện kĩ thuật hiện có, quyết định khả năng thỏa mãn nhu cầu nhất định của con người. Cùng với sự phát triển của sản xuất xã hội, nhận thức về những thuộc tính của một vật ngày càng sâu sắc hơn, quan niệm về các vật được mở rộng, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao. Vậy Biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa là gì? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Biện Pháp đảm Bảo Chất Lượng Hàng Hóa Là Gì
Biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa là gì? [2023]

Các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa như sau:

1. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Các doanh nghiệp sản xuất ở nước ta có một điểm yếu cơ bản đó là trang thiết bị máy móc lạc hậu, hư hỏng nhiều, lao động thủ công vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều này đã hạn chế sự phát triển của sản xuất, làm giảm năng suất lao động cũng như chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì lẽ đó, các mặt hàng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Hơn nữa, nhờ những thành tựu khoa học kỹ thuật mà hàng hoá được sản xuất với hàm lượng kỹ thuật cao do các nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam có tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng nên nhu cầu của họ ngày càng theo hướng chất lượng cao và hiện đại hơn. Có thể nói, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay đã trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang tính quan trọng và cấp bách. Mặt khác, tiến bộ khoa học kỹ thuật còn là chất xúc tác quan trọng trong quá trình đổi mới vươn lên của doanh nghiệp về chất lượng. Đẩy mạnh việc áp dụng những thành tựu này vào sản xuất chính là quá trình đẩy lùi và triệt tiêu cách thức sản xuất cũ lạc hậu, tuỳ tiện buông thả tạo nên một phong trào và phong cách sản xuất mới có tư duy năng động, sáng tạo. Bên cạnh đó, phát huy được hết khả năng và năng lực của từng người trong sản xuất. Đây chính là giải pháp căn bản nhưng đặc biệt quan trọng và cần thiết có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm hàng hoá, quyết định sự cạnh tranh tồn tại, phát triển doanh nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc đổi mới toàn bộ nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.

“Sản phẩm hàng hoá là kết quả của sự tác động của con người vào đối tượng lao động thông qua các công cụ lao động”. Việc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý, vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ... trực tiếp tạo điều kiện cho quá trình sản xuất có được các sản phẩm có chất lượng cao, hiện đại phù hợp với xu thế tiêu dùng. Đây là một hướng đi hiệu quả nhất và cũng tạo được chỗ đứng vững nhất trong cuộc chiến cạnh tranh.

Để có thể ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả nhất, các doanh nghiệp có thể thực hiện theo những cách sau:

+ Thứ nhất: Doanh nghiệp cần tập trung huy động vốn tự có hoặc vốn vay để từng bước mua sắm và đổi mới cơ sở vật chất bao gồm : hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ, hệ thống đo lường và kiểm tra chất lượng.

Khi áp dụng cách này, doanh nghiệp cần phải xem xét cẩn thận khi chọn mua các loại máy móc công nghệ để tránh mua phải những máy móc cũ, tiêu tốn nhiều nhiên - nguyên liệu... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý mối quan hệ về vốn - công nghệ – tiêu thụ.

+ Thứ hai: Trong điều kiện hạn chế về vốn, các doanh nghiệp có thể tập trung cải tiến chất lượng theo hướng động viên, khuyến khích người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần để họ không ngừng tìm tòi, học hỏi phát huy nội lực đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, quản lý kỹ thuật để có thể sử dụng máy móc thiết bị được lâu dài.

+ Thứ ba: Doanh nghiệp cần có chính sách, quy chế tuyển chọn, bồi dưỡng trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài. Đảm bảo điều kiện cho cán bộ khoa học chuyên tâm vào việc nghiên cứu, tổ chức tốt thông tin khoa học để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin phục vụ cho sản xuất, tạo sự gắn kết giữa khoa học và đào tạo với quá trình sản xuất kinh doanh.

2. Phát huy ý thức, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân

Sản phẩm là kết quả của sự phối hợp sức lao động và tư liệu sản xuất. Lao động là chất xúc tác chủ yếu phân biệt thành công hay thất bại trong công tác chất lượng. Lao động được phân công cụ thể, có trách nhiệm và năng lực thì chất lượng sản phẩm được nâng cao và ngược lại.

Trong điều kiện ngày nay, khi nhiều doanh nghiệp đã thay đổi, cải tiến công nghệ sản xuất, hiện đại hoá trang thiết bị thì vấn đề đặt ra là người công nhân phải có trình độ, hiểu biết để thích nghi với trang thiết bị mới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, giúp họ hiểu được vai trò của mình đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Để tuyển chọn lực lượng công nhân đầu vào, ban lãnh đạo cần đề ra những tiêu chuẩn cụ thể. Các công nhân phải thoả mãn được những yêu cầu của công việc sau một thời gian thử việc và phải đảm bảo được sức khoẻ. Để không ngừng nâng cao về tri thức, trình độ nghề nghiệp doanh nghiệp nên tuyển chọn những cán bộ quản lý, công nhân sản xuất trực tiếp đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tại các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề... theo một phạm vi thời gian cho phép để không ảnh hưởng đến công tác, sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề để lựa chọn những người giỏi nhất làm gương sáng trong lao động và học tập từ đó phát động phong trào thi đua sản xuất trong toàn doanh nghiệp. Nếu thực hiện tốt điều này không những chất lượng sản phẩm được đảm bảo mà còn tạo ra năng suất lao động cao hơn giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và từng bước mở rộng thị trường.

3. Nâng cao trình độ quản lý, đặc biệt là quản lý kỹ thuật

Đội ngũ cán bộ quản lý là bộ phận cấp cao trong doanh nghiệp. Vì vậy, họ phải là những người đi đầu trong các hoạt động, các phong trào hướng dẫn người lao động hiểu rõ từng việc làm cụ thể. Ban giám đốc phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó đề ra đường lối chiến lược, từng bước dìu dắt doanh nghiệp vươn lên.

Bộ máy quản lý là yếu tố chủ yếu của quá trình kiểm tra, kiểm soát. Bộ máy quản lý tốt là bộ máy phải dựa vào lao động quản lý có kinh nghiệm, có năng lực và có trách nhiệm cao với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Cán bộ quản lý phải biết cách huy động khả năng của công nhân vào quá trình cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ quản lý và trình độ sản xuất. Hơn nữa, cán bộ quản lý cần đi sâu tìm hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của từng công nhân để cố gắng đáp ứng đầy đủ càng tốt nhưng cũng phải có chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Bộ máy quản lý phải làm cho mọi thành viên trong doanh nghiệp hiểu được vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ chung của mọi phòng ban cũng như của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp.

4. Nghiên cứu thị trường để định hướng chất lượng sản phẩm

Nhu cầu của con người là vô tận mà các doanh nghiệp dù có cố gắng đến đâu cũng khó có thể chiều lòng được hết đòi hỏi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên đi sâu giải quyết một cách hài hoà nhất giữa những mong muốn của khách hàng với khả năng sản xuất có thể đáp ứng được. Để thực hiện tốt nhất điều này, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường để phân khúc thị trường, phân biệt từng loại khách hàng có những yêu cầu đòi hỏi khác nhau từ đó doanh nghiệp có thể tiến hành phục vụ, cung cấp sản phẩm tận tình, chu đáo hơn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp nên thành lập một phòng Marketing đảm nhiệm vai trò nghiên cứu về khách hàng, nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh... để cung cấp các chính sách về sản phẩm, giá cả, phân phối. Công việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng cáo và khuyếch trương sản phẩm. Đây là một trong những phòng ban tuy chỉ mới được coi trọng trong những năm gần đây nhưng nó đã cho thấy hiệu quả to lớn qua việc giải quyết tốt vấn đề phù hợp giữa giá cả, chất lượng và thị trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

5. Các chính sách của Nhà nước

Nhà nước cần có các chương trình đào tạo và giáo dục cung cấp kiến thức kinh nghiệm cần thiết đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước nên có nhiều văn bản chỉ thị về phương hướng biện pháp, chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhà nước có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, các hội chợ, triển lãm các mặt hàng có chất lượng cao và trao giải thưởng cho các mặt hàng đạt chất lượng cao nhất, mẫu mã đẹp nhất. Nhà nước cũng có những chính sách cấm nhập lậu và có các biện pháp cứng rắn đối với những cơ sở sản xuất hàng giả. Nhờ đó thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phải sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Trên đây là Biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa là gì? mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (663 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo