Chuyên gia nói gì về vấn đề một số bà mẹ cho con bú đến 9 tuổi.

Gần đây, một số bà mẹ ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ mặc dù đã học cấp 1. Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Không thể phủ nhận những điều kỳ diệu mà sữa mẹ có thể mang lại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ về cả thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, gần đây có những bà mẹ nghiêng về việc cho con uống sữa mẹ, thậm chí dẫn tới việc “thần thánh” hóa, cụ thể là không những cho con bú đến 2, 3 tuổi mà là càng lâu càng tốt, thậm chí ngay cả khi đứa trẻ 8 hay 9 tuổi. Đương nhiên, cho con bú đến bao nhiêu tuổi là quyền của người mẹ, tuy vậy, nếu sự "cuồng" quá mức này lại gây ảnh hưởng tới tâm lý, tính cách của trẻ và cả những người mẹ không có sữa... thì nó lại là một câu chuyện đáng để bàn tới.

Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương: "Cho trẻ cai sữa muộn đồng nghĩa với việc để lại quá nhiều hậu quả khi trưởng thành".

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời là một chuyên gia giáo dục cho biết: "Trẻ nhỏ, cũng như mọi sinh vật non mới sinh, đều cần sự trợ giúp của cha mẹ. Đó là bú mớm, đó là chăm bẵm. Loài người là động vật yếu ớt nhất sau khi ra đời. Con người mất ít nhất là 2 năm để có thể làm mọi việc như 1 người bình thường như ăn, uống, đi lại. Sự phụ thuộc này là chắc chắn. Tuy nhiên, để 1 đứa trẻ trưởng thành, các con không chỉ trở thành 1 con người sinh vật tự lo được mà cần học các nề nếp quy tắc của con người (khác xa các loài động vật).

Vì thế, để trưởng thành, các con cần học hỏi rất nhiều. Việc cho con ti mẹ sau 2 tuổi không đem lại nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ vì lúc này cơ thể con đã lớn, con cần nhiều hơn rất nhiều những gì sữa mẹ cung cấp. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chuyên khoa Nhi và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Mỹ, cho rằng trẻ tới 4 tuổi bắt đầu hình thành nhận thức về giới tính. Sự tò mò về giới tính sẽ tăng dần theo thời gian. Trẻ sau 2 tuổi ăn là chính, sữa là phụ. Vì vậy, việc cho trẻ bú thêm sữa mẹ cũng như uống sữa thông thường, không có gì khác biệt đáng kể.

"Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hợp lý nhất, có nhiều kháng thể và kháng viêm, giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng ngừa nhiều bệnh. Tuy nhiên, sữa mẹ cũng có khuyết điểm là lượng vitamin D và K rất thấp. Nó là chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhưng không phải thuốc tiên", bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ không ít người mẹ vì nhiều lý do ít sữa, mắc bệnh như lao, HIV, phải uống thuốc, có thể gây hại cho em bé qua sữa mẹ hay bị viêm tuyến vú nặng, công việc mưu sinh vất vả không thể cho bú tới 2 năm. Vì vậy, sữa công thức ra đời, nó không tốt bằng sữa mẹ nhưng đã cứu sống rất nhiều trẻ em.

Về khía cạnh nhi khoa, WHO khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ từ sau sinh cho đến ít nhất 1-2 tuổi. Trẻ không thực sự cần sữa mẹ ở giai đoạn ngoài 2 tuổi khi đã có thể ăn, nhai, nuốt các thức ăn khác để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (471 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!