Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

Kể từ ngày 01/7/2022 trở đi, theo quy định Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, các cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử mục đích đảm bảo công tác quản lý, lưu trữ. Vậy hóa đơn điện tử là gì? Đối tượng nào phải áp dụng hóa đơn điện tử? Bài viết này sẽ phân tích Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các quy định có liên quan để hỗ trợ quý bạn đọc chuyển đổi hóa đơn điện tử.

1. Hóa đơn điện tử là gì?

1.1 Khái niệm:

Theo khoản 1 Điều 89 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì "Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế."
Hoa Don Dien Tu

1.2 Hình thức hóa đơn điện tử

Có hai loại hóa đơn điện tử quy định tại khoản 3, 4 Điều 89 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

1.3 Các loại hóa đơn điện tử

Có rất đa dạng các loại hóa đơn điện tử theo quy định của Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

- Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
+ Hoạt động vận tải quốc tế;
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
- Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
+ Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động: Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trong nội địa; Hoạt động vận tải quốc tế; Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu; Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
+ Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
- Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:
+ Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);
+ Tài sản kết cấu hạ tầng;
+ Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;
+ Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
+ Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Các loại hóa đơn khác, gồm:
+ Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định này;
+ Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tài quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này có hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiểm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.

2. Các đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế năm 2019.
- Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
- Áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác
+ Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã đã lập đến cơ quan thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a.2 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Người bán sau khi lập đầy đủ các nội dung hóa đơn gửi hóa đơn điện tử cho người mua và đồng thời gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế, chậm nhất là trong cùng ngày gửi cho người mua.
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:
a) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử;
b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh;
c) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
+ Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ;
Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát dữ liệu giữa ngân hàng và các bên thứ ba có liên quan (tổ chức thanh toán, tổ chức thẻ quốc tế hoặc các tổ chức khác), thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh.
+ Trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán chuyển dữ liệu hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo quy định tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa hoặc tra cứu dữ liệu thì người bán sau khi lập hóa đơn điện tử đầy đủ các nội dung trên hóa đơn gửi người mua đồng thời gửi hóa đơn cho cơ quan thuế theo quy định tại điểm a.2 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

2. Có trường hợp nào không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử không?

Có những chủ thể không bị bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC: "Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, Thông tư số 68/2019/TT-BTC và Thông tư này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại  Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều này."

Từ quy định trên, có thể rút ra hai trường hợp không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử là:

  • Cơ sở kinh doanh thành lập trong thời gian từ ngày 17/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
  • Cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trong quá trình cần tìm hiểu và áp dụng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nếu như quý khách hàng còn có thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý thì vui lòng liên hệ với Công ty luật ACC qua các thông tin sau:

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (268 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo