Đạo đức nghề nghiệp là gì? Đây là một khái niệm được đề cao trong hầu hết các ngành nghề. Đạo đức không chỉ đơn thuần là việc làm đúng theo quy tắc và luật lệ mà còn là trách nhiệm, lòng tin và sự tôn trọng của mỗi người đối với công việc mình đang làm. Hãy cùng ACC khám phá vì sao đạo đức nghề nghiệp lại tồn tại và cần thiết trong nhiều lĩnh vực.

Đạo đức nghề nghiệp là gì? Vì sao tồn tại ở mọi ngành nghề?
1. Đạo đức nghề nghiệp là gì?
Đạo đức nghề nghiệp là nguyên tắc và giá trị đạo đức áp dụng vào lĩnh vực công việc. Khái niệm này bao gồm chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc hành xử mà những người làm việc cần tuân thủ dựa vào đặc thù của từng ngành nghề khác nhau. Đó không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ luật pháp và quy định của ngành, mà còn có sự tôn trọng, trách nhiệm, trung thực, đối với các bên liên quan như khách hàng, đồng nghiệp hay cả một cộng đồng.
>> Tìm hiểu về các hành vi trái đạo đức nghề để góp phần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp một cách đúng đắn
2. Vì sao đạo đức nghề nghiệp tồn tại ở hầu hết các ngành nghề?
Sự hiện diện của Đạo đức nghề nghiệp được xem như kim chỉ nam cho hành động của mỗi cá nhân trong quá trình hành nghề:
Tạo ra môi trường làm việc tích cực: Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một môi trường làm việc tích cực là sự tôn trọng, tin cậy và công bằng. Đạo đức nghề nghiệp không chỉ là sự tôn trọng đối với xã hội, mà còn khuyến khích hợp tác, điều kiện cho sự phát triển cá nhân và tổ chức.
Tôn trọng và uy tín: Đạo đức nghề nghiệp giúp xây dựng uy tín và niềm tin từ phía khách hàng, đối tác. Sự trung thực, tôn trọng trong giao dịch kinh doanh là nền tảng cho những mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững. Ví dụ như trong ngành y, bác sĩ tôn trọng quyền tự chủ của bệnh nhân, giải thích chi tiết về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị, tạo dựng niềm tin cho bệnh nhân. Hay trong ngành luật, luật sư trung thực trong việc tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ, tạo dựng uy tín trong ngành nghề.
Bảo vệ lợi ích của khách hàng và cộng đồng: Đây là trách nhiệm then chốt của loại khái niệm này. Doanh nghiệp có đạo đức nghề nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn và quyền lợi của khách hàng, đặc biệt ở ngành thực phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách có trách nhiệm, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
3. Quy định về đạo đức nghề nghiệp ở một số ngành nghề
3.1. Ngành giáo viên
Theo Thông tư liên tịch 2015/TTLT-BGDĐT-BNV, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT cần tích cực trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, uy tín nhà giáo yêu thương, đối xử công bằng, tôn trọng nhân cách học sinh, bảo vệ quyền lợi của học sinh, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp đồng thời thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức khác theo Luật Giáo dục và Luật Viên chức. Ngoài ra:
- Giáo viên mầm non cần chấp hành chủ trương, chính sách, quy định về giáo dục mầm non, có tính cách yêu trẻ, sự kiên nhẫn, có trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng và khả năng sư phạm tốt.
- Giáo viên tiểu học, THCS, THPT cần có sự làm gương nhất định đối với học sinh bởi đây là lứa tuổi chịu tác động lớn từ tính cách và đạo đức của nhưng người hướng dẫn chính.
3.2. Ngành y
Cán bộ y tế phải tôn trọng, tin tưởng người bệnh, quan tâm đến sự sống và sức khỏe của người bệnh, luôn luôn tìm tòi kiến thức trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Cùng theo đó, các y bác sĩ cần liên tục rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công tác y tế trong thời đại mới, trung thực và khách quan trong mọi việc, không thiên vị, không vụ lợi. Và quan trọng nhất là phải giữ gìn bí mật nghề nghiệp, không tiết lộ thông tin cá nhân của người bệnh hoặc đồng nghiệp.
3.3. Ngành tài chính
Trước hết, trách nhiệm đạo đức của người làm việc trong lĩnh vực này là đảm bảo tính trung thực, minh bạch và đáng tin cậy góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó việc tuân thủ các quy định luật pháp liên quan đến an toàn tài chính là thiết yếu. Người làm nghề không lợi dụng thông tin nội bộ hoặc vị trí của mình để gây hại cho khách hàng là một nguyên tắc căn bản của đạo đức nghề nghiệp trong ngành tài chính. Điều này đảm bảo rằng mọi giao dịch diễn ra công bằng và minh bạch, giữ cho hệ thống tài chính ổn định và đáng tin cậy.
3.4. Ngành truyền thông
Xác minh thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi đưa tin, đảm bảo tính chính xác và khách quan, cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều. Nhà báo cần tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, không vi phạm các quy định về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân. Và khi phát hiện thông tin sai lệch, nhà báo cần có trách nhiệm đính chính thông tin kịp thời.
Ngoài ra, trong lĩnh vực môi giới bất động sản, ngành nhà hàng khách sạn cũng có những chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp. Hay nghề luật sư cũng được quy định các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ và một số hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012).
4. Đạo đức nghề nghiệp có mối liên hệ gì với đạo đức cá nhân?
Đạo đức nghề nghiệp có mối liên hệ gì với đạo đức cá nhân?
4.1. Mối liên hệ giữa hai khái niệm đạo đức
Để hiểu rõ mối quan hệ giữa hai khái niệm này. Cần tìm hiểu thêm về khái niệm của đạo đức cá nhân. Đây là hệ thống những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần rèn luyện, thể hiện qua phẩm chất đạo đức, lối sống, cách cư xử và hành động của họ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Như vậy, thông qua hai khái niệm cũng thấy được chúng có mối quan hệ tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đạo đức cá nhân sẽ là nền tảng cho đạo đức nghề nghiệp và ngược lại đạo đức nghề nghiệp sẽ hỗ trợ hoàn thiện đạo đức cá nhân.
4.2. Một số ví dụ
Ngành Y: một bác sĩ có đạo đức cá nhân tốt như lòng yêu thương và sự tận tâm sẽ dành thời gian để lắng nghe và chăm sóc bệnh nhân một cách tận tình. Điều này phản ánh vào việc chẩn đoán chính xác và kê đơn điều trị phù hợp, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ngành Giáo dục: Một giáo viên với đạo đức cá nhân tốt thể hiện qua sự yêu thương và trách nhiệm sẽ dạy học sinh một cách công bằng và tôn trọng, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh. Sự hỗ trợ này tạo ra một môi trường học tập tích cực và động viên học sinh phát triển tinh thần và kiến thức.
Ngành Báo chí: Trong lĩnh vực truyền thông, đạo đức cá nhân như sự trung thực và trách nhiệm có thể dẫn đến việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp. Một nhà báo với đạo đức cá nhân tốt sẽ làm việc để xác minh thông tin, tránh tin tức sai lệch và tôn trọng quyền lợi của người được phỏng vấn, thể hiện sự minh bạch và trung thực trong báo chí.
Ngành Luật: Đạo đức cá nhân tốt của một luật sư sẽ đảm bảo họ tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và không lợi dụng vị trí của mình. Chính đạo đức cá nhân góp phần tạo ra niềm tin và lòng tin cậy trong hệ thống pháp luật.
Ngành Cảnh sát: Trong lĩnh vực an ninh và trật tự công cộng, một cảnh sát công bằng và liêm chính sẽ giúp người dân yên tâm trong việc được bảo vệ quyền lợi cá nhân, tăng sự tin cậy, tín nhiệm và tôn trọng đối với lực lượng cảnh sát.
Tóm lại, trong mọi ngành nghề, Đạo đức nghề nghiệp không chỉ là một quy định hay yêu cầu, mà còn là cốt lõi, là thứ giúp định hình lòng tin và sự tôn trọng trong xã hội. Nó phản ánh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính chân thành, minh bạch và đáng tin cậy trong mối quan hệ giữa người làm nghề và đối tượng khách hàng, hay giữa các thành viên trong cùng một ngành.
Nội dung bài viết:
Bình luận