Trong cuộc sống hôn nhân, tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề pháp lý quan trọng, đặc biệt trong các tình huống như phân chia tài sản khi ly hôn hoặc sử dụng tài sản chung vào các mục đích kinh doanh. Một khái niệm quan trọng là "tài sản chung hợp nhất," phản ánh tính chất sở hữu không chia của vợ chồng đối với tài sản chung. Bài viết này sẽ giải thích rõ khái niệm tài sản chung hợp nhất của vợ chồng là gì và đưa ra ví dụ minh họa để cung cấp thông tin về các quy định pháp luật liên quan đến quyền định đoạt loại tài sản này.
Tài sản chung hợp nhất của vợ chồng là gì? Ví dụ
1. Tài sản chung hợp nhất của vợ chồng là gì?
Căn cứ theo Điều 210 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Nhưng riêng đối với trường hợp tài sản là sở hữu chung của vợ chồng thì đây là tài sản thuộc Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia theo quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thì Đây là loại tài sản đặc trưng trong quan hệ hôn nhân, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:
- Tài sản tạo ra từ thu nhập chung: Bao gồm tiền lương, tiền công, lợi nhuận từ kinh doanh, đầu tư, và các khoản thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản được tặng cho chung hoặc thừa kế chung: Khi vợ chồng được tặng cho hoặc thừa kế chung một tài sản, tài sản này cũng được coi là tài sản chung hợp nhất.
- Tài sản mua được trong thời kỳ hôn nhân: Các tài sản như nhà đất, xe cộ hoặc các tài sản có giá trị khác mua trong thời kỳ hôn nhân thường được coi là tài sản chung, trừ khi có thỏa thuận khác.
Đây là khối tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân như thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoặc những khoản thu nhập hợp pháp khác mà không phân biệt người đứng tên sở hữu. Quyền sở hữu chung này chỉ chấm dứt khi Tài sản chung đã được chia; Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung Tài sản chung không còn hoặc Trường hợp khác theo quy định của luật.( Điều 220 Bộ luật dân sự năm 2015)
2. Ví dụ minh họa
Anh A và chị B kết hôn năm 2015. Trong quá trình sống chung, hai vợ chồng đã mua một căn nhà và một chiếc ô tô. Căn nhà được mua từ tiền tiết kiệm của anh A trước khi kết hôn, còn chiếc ô tô được mua bằng tiền mà cả hai vợ chồng kiếm được trong thời kỳ hôn nhân.Vậy khi ly hôn thì việc chia tài sản trên như thế nào?
*Giải thích:
Để giải quyết tranh chấp tài sản chung của hai vợ chồng, trước hết ta phải xác định đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản chung của hai vợ chồng. Cụ thể:
+Căn nhà được mua từ tiền tiết kiệm của anh A trước khi kết hôn thì về bản chất, nó sẽ được xem là tài sản riêng của anh A theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.Tuy nhiên, để được xác định đây là tài sản riêng, anh A phải có giấy tờ kèm theo như Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn,Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng mua bán nhà,....Nhưng nếu trong quá trình sống chung, hai vợ chồng anh A có thỏa thuận đây là tài sản chung của hai vợ chồng và thực hiện sáp nhập căn nhà vào khối tài sản chung theo Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình thì đây được xem là tài sản chung của hai vợ chồng, và phải được chia theo nguyên tắc được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
+Xe ô tô là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, và được mua bằng tiền do hai vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nên đây được xem là tài sản chung của hai vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận khác.
Để hiểu hơn vấn đề chia tài sản chung liên quan đến quyền sử dụng đất này, mọi người có thể kham khảo bản án Bản án số 21/2023/HNGĐ-PT Ngày 21 tháng 4 năm 2023 Về việc chia tài sản chung sau khi ly hôn và yêu cầu vô hiệu hợp đồng tặng cho QSDĐ.
*Link tải bản án kham khảo: Bản án 212023.HNGĐ.PT.pdf
3. Quy định pháp luật về quyền định đoạt tài sản chung hợp nhất của vợ chồng
Quy định pháp luật về quyền định đoạt tài sản chung hợp nhất của vợ chồng
Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thì Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Đồng thời, tại Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.”
Việc quy định quyền bình đẳng trong định đoạt tài sản chung là nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai vợ chồng, tránh việc một bên tự ý sử dụng tài sản chung mà không có sự đồng thuận của bên kia.
4. Một số câu hỏi liên quan thường gặp
Tài sản chung hợp nhất có thể phân chia không?
Có.Tài sản chung hợp nhất có thể được phân chia theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc theo quyết định của tòa án trong trường hợp ly hôn. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân, tài sản chung thường không được phân chia trừ khi có thỏa thuận cụ thể giữa vợ chồng.
Người chồng/vợ có thể tự ý bán tài sản chung không?
Không, theo quy định của pháp luật, việc định đoạt tài sản chung, đặc biệt là bất động sản hoặc tài sản có giá trị lớn, phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nếu một bên tự ý bán mà không có sự đồng thuận của bên kia, giao dịch đó có thể bị coi là vô hiệu.
Tài sản chung có cần đăng ký không?
Một số tài sản chung cần phải đăng ký quyền sở hữu, chẳng hạn như nhà đất hoặc xe ô tô. Dù ai đứng tên trên giấy tờ sở hữu, tài sản này vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng. (Theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
Có thể thỏa thuận trước về tài sản chung không?
Được. Vợ chồng có thể thỏa thuận trước về việc phân chia tài sản chung trong hợp đồng tiền hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và có giá trị pháp lý.( Điều 35 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
Tài sản chung hợp nhất của vợ chồng là một khái niệm quan trọng trong hôn nhân, đặc biệt khi liên quan đến quyền lợi tài chính và sở hữu tài sản. Việc hiểu rõ về tài sản chung hợp nhất và quyền định đoạt tài sản không chỉ giúp vợ chồng quản lý tài sản hiệu quả mà còn tránh được những tranh chấp không đáng có trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về định đoạt tài sản chung cũng là một cách để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên trong hôn nhân.
Nội dung bài viết:
Bình luận