Tài sản chung của vợ chồng không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn là biểu hiện của sự đoàn kết, chia sẻ trong hôn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đặc biệt là khi có nhu cầu chia tài sản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm tính thời kỳ hôn nhân, chế định tài sản chung của vợ chồng, quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, và trả lời một số câu hỏi thường gặp xoay quanh vấn đề này.
Chế định tài sản chung của vợ chồng theo quy định
1. Thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được tính khi nào?
Để giải thích thế nào là “thời kỳ hôn nhân”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Luật năm 2014 có quy định: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân” (khoản 7 Điều 8 Luật năm 2000, khoản 13 Điều 3 Luật năm 2014). Về thời điểm chấm dứt hôn nhân, chỉ có Luật năm 2014 có quy định một chương riêng (Chương IV). Theo đó, hôn nhân chấm dứt khi: Ly hôn, do vợ/chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết.
Từ các quy định trên, thời kỳ hôn nhân là giai đoạn tồn tại quan hệ hôn nhân (theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình) đến khi chấm dứt hôn nhân (do ly hôn hoặc một trong hai bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết)
Và cũng trong suốt thời kỳ hôn nhân, mọi tài sản phát sinh từ thu nhập, lợi tức, hoa lợi, và các nguồn khác (trừ các trường hợp tài sản riêng đã được quy định rõ ràng) đều được coi là tài sản chung của vợ chồng.( Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
2. Chế định tài sản chung của vợ chồng theo quy định
Theo quy định của pháp luật của pháp luật Việt Nam về chế định tài sản chung của vợ chồng ở các văn bản pháp luật như Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đất đai năm 2013 và một số văn bản pháp luật liên quan khác quy định thì chế định tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
2.1. Quy định về tài sản chung của vợ chồng
Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.( Quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân gia đình năm 2014)
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đối với tài sản là quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2.2. Phân chia tài sản chung của hai vợ chồng
Theo quy định tại Điều 213 Bộ Luật Dân sự 2015, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.Như vậy, vợ chồng có quyền lựa chọn phân chia tài sản chung bằng văn bản có công chứng hoặc do Tòa án phân chia bằng quyết định.
Thực tế có rất nhiều trường hợp trước hoặc sau khi ly hôn họ không muốn nhờ Tòa án giải quyết về vấn đề tài sản cho nên họ làm thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung tại tổ chức hành nghề công chứng. Đối với những trường hợp này thì có mặt thuận lợi là họ sẽ giảm được phần án phí cũng như sẽ phân chia theo đúng nguyện vọng của vợ/ chồng. Còn nếu trong trường hợp việc phân chia tài sản do Tòa án quyết định thì không phải công chứng cũng như công chứng viên không được thực hiện phân chia tài sản sau khi đã có quyết định của Tòa án.
Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “ Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận và được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được quy định từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64; Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các Điều 47,48,49,50 và 59).”
Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
3. Giá trị tài sản chung của hai vợ chồng được chia như thế nào?
Giá trị tài sản chung của hai vợ chồng được chia như thế nào?
Giá trị tài sản chung của vợ chồng được xác định dựa trên giá trị thị trường tại thời điểm giải quyết vấn đề tài sản, thường là khi ly hôn hoặc khi có yêu cầu chia tài sản chung.
Cụ thể tại khoản 5 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau: “Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.”
Bên cạnh đó, Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.
Như vậy, theo quy định trên thì giá trị tài sản chung của vợ chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án sẽ xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
4. Một số câu hỏi thường gặp
Thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được tính từ khi nào?
Thời kỳ hôn nhân được tính từ ngày đăng ký kết hôn và kéo dài cho đến khi có quyết định ly hôn hoặc một trong hai bên qua đời.
Tài sản nào được coi là tài sản chung của vợ chồng?
Tài sản được tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, và các tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung đều được coi là tài sản chung.
Có thể chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không?
Vợ chồng có quyền thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng việc này không làm chấm dứt chế độ tài sản chung.
Tài sản được thừa kế riêng của một bên vợ hoặc chồng có được coi là tài sản chung không?
Tài sản được thừa kế riêng sẽ không được coi là tài sản chung trừ khi bên nhận thừa kế tự nguyện nhập tài sản đó vào khối tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, tức là cả vợ và chồng đều có quyền bình đẳng trong việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt tài sản này. Để đảm bảo tài sản chung được quản lý và chia sẻ hợp lý, vợ chồng cần thỏa thuận rõ ràng và tuân thủ các quy định pháp luật. Nếu cần thiết, họ nên tìm đến sự tư vấn của luật sư để có những giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề tài sản trong hôn nhân.
Nội dung bài viết:
Bình luận