Ở mỗi nước, các quyền tự do cơ bản của công dân đều được ghi nhận trong Hiến pháp và trong các luật liên quan. Các quyền tự do cơ bản của công dân cần phải được quy định trong Hiến pháp - văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, vì đây là các quyền liên quan đến con người và để bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng.Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến các bạn Quyền bầu cử của công dân không được thực hiện khi nào?. Mời các bạn đọc bài viết sau đây của chúng tôi để biết thêm thông tin nhé.
1.Quy định của Hiến Pháp Việt Nam
Ở Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay, Nhà nước luôn luôn tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật của Nhà nước. Nhà nước ta đã ghi nhận các quyền tự do cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật. Mỗi công dân được quyền tự mình lựa chọn và thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình trong khuôn khổ của pháp luật mà không có sự ngăn cản, hạn chế nào. Các quyền con người, quyền tự do của công dân Việt Nam do pháp luật quy định gồm có: Quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền ,tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,tự do nghiên cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân…
Việc đề cao các quyền tự do cơ bản của công dân xuất phát từ mục đích hoạt động của Nhà nước ta luôn vì con người, đề cao nhân tố con người trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, hiện nay, nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà một trong những nội dung quan trọng của Nhà nước pháp quyền là khẳng định cội nguồn quyền lực nhà nước là ở nhân dân, trong đó nhà nước là của nhân dân:
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
“Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Trong nhà nước pháp quyền, một mặt, pháp luật bảo đảm cho sự phát triển tự do tối đa của nhân dân, mặt khác pháp luật xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, trong đó không chỉ mỗi công dân, mỗi cá nhân, mà bản thân nhà nước và những người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn trọng pháp luật. Hai mặt dân chủ và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của Nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”.
2. Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam
Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam được quy định từ Điều 19 đến Điều 43 Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể:
- Quyền được sống:
Điều 19 Hiến pháp 2013 đã quy định mọi người đều có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm:
Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 ghi nhận:
+ Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
+ Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
+ Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.
- Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, uy tín:
Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Đồng thời, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
- Quyền có nơi ở hợp pháp, bất khả xâm phạm về nơi ở:
+ Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
+ Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
+ Việc khám xét chỗ ở do luật định.
(Căn cứ Điều 22 Hiến pháp 2013)
- Quyền tự do đi lại, cư trú:
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo:
Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
+ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
+ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
+ Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
- Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
- Quyền được bình đẳng về giới tính:
Theo Hiến pháp 2013, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
- Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, biểu quyết khi trưng cầu dân ý:
+ Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
+ Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
+ Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
- Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
- Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
- Quyền được làm việc:
+ Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
+ Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
+ Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
- Một số quyền khác của công dân Việt Nam:
+ Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
+ Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
+ Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
+ Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
+ Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…
3.Quyền bầu cử là gì? Công dân bao nhiêu tuổi thì có quyền bầu cử?
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử.
4.Quyền bầu cử của công dân không được thực hiện khi nào?
4.1.Những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri
-Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Tuy nhiên, Người thuộc các trường hợp này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định.
4.2. Những trường hợp xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới
- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
4.3. Những người được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú
- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Nội dung bài viết:
Bình luận