Như thế nào là nguyên tắc xét xử độc lập của tòa án?

Nguyên tắc độc lập của Tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Chỉ có các Tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của Tòa án cấp dưới theo quy trình tố tụng.

original
Như thế nào là nguyên tắc xét xử độc lập của tòa án?

1. Khái niệm Độc lập, chỉ tuân theo pháp luật là gì?

– Theo Từ điển Tiếng Việt, “độc lập” có nghĩa là tự mình tồn tại, hoạt động không nương tựa hoặc phụ thuộc vào bất kì ai hay vào cái gì khác. Như vậy, có thể hiểu khái quát, nguyên tắc này đề cao tính tự chủ, tự quyết định của những người nằm trong hội đồng xét xử một phiên tòa khi họ đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên một người là có tội hay vô tội.

Độc lập xét xử được xuất hiện từ tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ông Montesquieu cho rằng “không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không được tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp”, độc lập xét xử được hiểu là một thuộc tính không thể thiếu trong bất kỳ quốc gia nào. Quyền tư pháp thực hiện sự phán quyết về những vấn đề mang tính tư pháp, thông thường và chủ yếu là do Tòa án thực hiện.

– Hiểu một cách cơ bản, “chỉ tuân theo pháp luật” có nghĩa là mọi hoạt động của hội đồng xét xử tại phiên tòa chỉ dựa trên một căn cứ duy nhất là những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến trình tự thủ tục, nội dung, cách thức giải quyết vụ án. Ngoài ra, hội đồng xét xử không được tự minh dựa vào các căn cứ nào khác mà chưa được luật ghi nhận, cho phép làm.

Xét xử là một trong những giai đoạn quan trọng, không thể thiếu trong toàn bộ quá trình tố tụng, giải quyết một vụ án hình sự trên thực tế. Sau khi hoàn tất các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng để Tòa án nghiên cứu, chuẩn bị mở phiên tòa. Kết thúc xét xử, tòa có thể tuyên một người là có tội hay vô tội, ảnh hưởng sâu sắc đến những quyền và nghĩa vụ pháp lý của người phạm tội cũng như các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Nguyên tắc “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được ghi nhận tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 23 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015:

“Điều 23. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

– Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

2. Nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc tổ chức, phân công quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây cũng chính là cơ sở lí luận của nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án. Tính độc lập của tòa án là một trong những biểu hiện rõ nét của cơ chế phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt nam. Về lí luận cũng như thực tiễn cho thấy, hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ mất đi những giá trị xã hội to lớn của nó nếu tính độc lập của thẩm phán không được đảm bảo. Sự vi phạm nguyên tắc này dẫn đến sự lạm dụng quyền lực, sự thoái hóa của quyền lực và xã hội dĩ nhiên sẽ gánh chịu những hậu quả to lớn của tình trạng này

Thứ hai, xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà tòa án thực hiện. Chính vì tòa án là cơ quan thực hiện hoạt động tư pháp- hoạt động nhân danh công lí và dựa vào công lí của tòa án phải xét xử như một người đứng giữa, trung lập, không phụ thuộc vào bên nào, chỉ xét xử độc lập và tuân theo pháp luật thì tòa án mới tồn tại đúng với bản chất của mình là một cơ quan bảo vệ công lí. Bản án quyết định của tòa án là văn bản kết thúc quá trình xét xử một vụ án dân sự. Do vậy, có thể nói bản án chính là tuyên ngôn công lí mà tòa án thay mặt nhà nước ban hành thông qua quá trình tố tụng tại tòa án. Hơn nữa, bản án đúng đắn sẽ mang lại sự công bằng trong xã hội, bảo vệ công lí và quyền con người. Chính vì lẽ đó mà bản án,  quyết định của tòa án cần phải đảm bảo chính xác tuyệt đối, đảm bảo đúng pháp luật. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân là những người nhân danh nhà nước ra bản án, quyết định, đòi hỏi ở họ bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao lương tâm nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức trong sáng để độc lập xét xử theo pháp luật

Thứ ba, xuất phát từ chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta. Việc xét xử của tòa án có hội thẩm nhân dân tham gia được hiến pháp và pháp luật quy định, đó là một trong những nguyên tắc thể hiện rõ tư tưởng “nhà nước của dân, do dân, vì dân” và chế độ XHCN. Vì vậy, nguyên tắc xét xử độc lập bao hàm không chỉ thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Mục đích của chế độ xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia không đơn thuần là cùng thẩm phán xét xử cho xong vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Quan trọng hơn, pháp luật giao trọng trách cho hội thẩm nhân dân thay mặt nhân dân tham gia xét xử, giám sát, chế ước hạn chế tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án bảo vệ công lí, bảo vệ pháp chế XHCN. Quy định như vậy giúp cho việc xét xử của tòa án được rõ ràng, chính xác, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng. Độc lập tức là tuân theo pháp luật và tuân theo pháp luật để được độc lập. Nếu chỉ tuân theo pháp luật mà không có sự độc lập thì chỉ là sự tuân theo một cách hình thức, không có hiệu quả. Điều đó thể hiện là các phán quyết trong bản án, quyết định của hội đồng xét xử phải phù hợp với mọi tình tiết khách quan của vụ án, việc xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…; không được kết luận dựa trên ý chí chủ quan, cảm tính của cá nhân mỗi thành viên của Hội đồng xét xử.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

– Nguyên tắc “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cùng với các nguyên tắc cơ bản khác của luật tố tụng hình sự góp phần vào việc đảm bảo cho quá trình tiến hành tố tụng được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Nguyên tắc này là căn cứ giúp cho tòa án làm tốt các chức năng xét xử của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời đề cao trách nhiệm  của thẩm phán và hội thẩm. Nó khẳng định “độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật” là hai yếu tố quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Độc lập là điều kiện cần thiết để thẩm phán và hội thẩm  khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật.

Ngược lại, tuân theo pháp luật lại là cơ sở không thể thiếu  để đảm bảo tính độc lập tại phiên tòa.  Mối quan hệ này là ràng buộc, nếu chỉ độc lập mà không tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì dễ dẫn đến tình trạng xét xử tùy tiện, độc đoán.

– Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật không chỉ xác định độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là yếu tố cơ bản điều chỉnh  hoạt động của hội đồng xét xử  mà còn thể hiện rõ nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyệt đối tôn trọng hoạt động này. Mọi hành vi can thiệp, gây ảnh hưởng tới việc xét xử công khai, đúng đắn, hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới bất kì hình thức nào, tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lí  kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Đây là nội dung mới được đưa vào nguyên tắc, thể hiện rõ quan điểm của nhà nước ta trong việc nâng cao tính độc lập của tòa án. Nó góp phần không nhỏ để nâng cao hiệu quả xét xử, hạn chế đến mức tối đa các trường hợp án oan sai, “án bỏ túi”, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

Bởi chỉ khi chủ thể có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ án thật sự độc lập, công minh, làm việc đúng với nội dung, trình tự thủ tục do pháp luật quy định thì mới đảm bảo bản án ấy là đúng người đúng tội.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo