Quy định về nguyên tắc xét xử của tòa án [Chi tiết 2022]

Ngoài thực hiện các nguyên tắc chung trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như: Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tòa án nhân dân còn phải thực hiện các nguyên tắc đặc thù để đảm bảo thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý. Cụ thể ở các nguyên tắc sau đây:

judge-wig-gavel
Quy định về nguyên tắc xét xử của tòa án [Chi tiết 2022]

1. Nguyên tắc các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

Nguyên tắc các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử. Với đặc thù chức năng xét xử và yêu cầu của nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, các Tòa án nhân dân được tổ chức theo thẩm quyền xét xử để đảm bảo cho việc xét xử không bị lệ thuộc hoặc chịu sự tác động không khách quan từ bên ngoài

Điều 5 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

Theo Khoản 2 Điều 6, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân Luật ghi rõ, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm chỉ căn cứ vào chứng cứ và pháp luật để giải quyết vụ việc, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, kể cả giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử với nhau, kể cả Tòa án cấp trên theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và Tòa án cấp dưới trong trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

Điều 13 Luật tổ chức Tòa án nhân dần năm 2014 của Luật bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Theo đó, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng. Nguyên tắc này được Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính năm 2015 cụ thể hóa nhằm đảm bảo sự khách quan, công khai, minh bạch trong xét xử, giúp Tòa án xét xử đúng đắn các vụ án theo quy định của pháp luật, bảo vệ công lý. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

2. Nguyên tắc bổ nhiệm Thẩm phán; bầu, cử Hội thẩm

Nguyên tắc bổ nhiệm Thẩm phán; bầu, cử Hội thẩm. Việc thực hiện nguyên tắc này giúp cho Nhà nước chọn được những người có đủ tiêu chuẩn về' chuyên môn cũng như đại diện tính nhân dân để thực hiện tốt chức năng xét xử, nhắc nhở Thẩm phán, Hội thẩm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác xét xử

Điều 7 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

  1. Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện đối với các Tòa án.
  2. Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Chế độ cử Hội thẩm quân nhân được thực hiện đối với Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

3. Chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia

Nguyên tắc việc xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ của chế độ, coi công dân là chủ đất nước, có quyền tham gia quản lý nhà nước với nhiều hình thức, trong đó có quyền tham gia vào hoạt động xét xử. Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử và các Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử

Điều 103 Hiến pháp năm 2013

  1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
  2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
  3. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.
  4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
  5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
  6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
  7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

 Điều 8 Luật tổ chức Tòa án nhân dần năm 2014

Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

 4. Nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, suy đoán vô tội trong vụ án hình sự; bảo đảm quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự, hòa giải trong vụ việc dân sự; bảo đảm quyền quyết định, tự định đoạt của người khởi kiện, đối thoại trong vụ án hành chính; bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Các nguyên tắc này bảo đảm cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp một cách đúng đắn trong từng vụ án, nhằm bảo vệ công lý hiệu quả. Các Đoàn Luật sư được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giúp bị can, bị cáo và đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 14 Luật tổ chức Tòa án nhân dần năm 2014, Điều 13, 16 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 8 Luật tố tụng hành chính năm 2015).

Như vậy, khi chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục do luật quy định, chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội. Do không được coi là người có tội nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người có tội, kể cả trường hợp họ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất như tạm giam.

Vì vậy, BLTTHS quy định chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ chấp hành án phạt tù. Pháp luật và thực tiễn tố tụng đều thừa nhận không phải mọi người bị buộc tội đều là chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, khi buộc tội một người phải có căn cứ theo quy định của pháp luật. Mặt khác, BLTTHS quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi chứng minh tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm rõ chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của người bị buộc tội. Trong giai đoạn điều tra nếu không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Trong giai đoạn xét xử nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thi hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo không có tội. Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cũng cho thấy khuynh hướng nhìn nhận người bị buộc tội như là người có tội, dù lỗi của họ chưa được chứng minh. Trong tâm lý học, khuynh hướng này được coi là khuynh hướng buộc tội, còn trong khoa học pháp lý thì coi đó là “suy đoán có tội”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai thường xuất phát từ khuynh hướng này. Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc điển hình của tố tụng tranh tụng.

5. Một số các nguyên tắc khắc được quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

- Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Nguyên tắc này nhằm phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, đảm bảo cho việc xét xử được khách quan, toàn diện. Đồng thời, với thủ tục rút gọn trong một số vụ án đơn giản, nguyên tắc này đảm bảo cho việc xét xử được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, tránh sự tồn đọng án (Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 10 Luật tổ chức Tòa án nhân dần năm 2014).

-  Nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án. Nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc quan trọng của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo nguyên tắc này, mọi tội phạm, mọi tranh chấp pháp lý của bất kỳ ai thực hiện đều được Tòa án xét xử công bằng, không thiên vị (Điều 12 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

- Nguyên tắc người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án. Tiếng nói và chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt, nếu có người tham gia tố tụng sử dụng ngôn ngữ của dân tộc họ thì Tòa án phải chỉ định người phiên dịch. Nguyên tắc này bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thể hiện đúng đắn và chính xác ý chí của mình trước Tòa, thể hiện tinh thần đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, hội nhập và hợp tác quốc tế (Điều 15 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

- Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Nguyên tắc này đòi hỏi việc xét xử phải đúng thời hạn quy định, không thiên vị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện để thu hút đông đảo nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử, qua đó nâng cao ý thức pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác (Điều 103, Điều 11 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

- Nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Nguyên tắc này đảm bảo việc thực hiện quyền tố tụng của bị cáo và đương sự được xét xử qua hai cấp, cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng (Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 6 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

- Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án. Các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Mọi hành vi xâm hại đến sự tôn nghiêm, danh dự, cản trở hoạt động của Tòa án bị nghiêm cấm. Người có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 106 Hiến pháp năm 2013, Điều 16,17 Luật tổ chức Tòa án nhân dần năm 2014).

- Nguyên tắc Tòa án nhân dân chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Tòa án nhân dân tối cao chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trước ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước trong thời gian Quốc hội không họp, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tòa án nhân dân địa phương chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Chánh án Tòa án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp, trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong trường hợp cần thiết theo quy định của luật tố tụng, ủy ban thường vụ Quốc hội và ủy ban Tư pháp của Quốc hội có quyền yêu cầu, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt (Điều 105 Hiến pháp năm 2013, Điều 19 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 358 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 287 Luật tố tụng hành chính năm 2015).

- Nguyên tắc Tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra oan sai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu Tòa án nhân dân để xảy ra oan sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ gây ra oan sai phải có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật (Điều 1, Điều 2 và Điều 64 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017).

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo