Vai trò của hội thẩm khi tham gia xét xử

Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do

judge-wig-gavel
Vai trò của hội thẩm khi tham gia xét xử

1. Khái niệm về Hội thẩm nhân dân

Hội thẩm là người được bầu theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nên Hội thẩm cũng là một chức danh tố tụng. Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Chế độ cử Hội thẩm quân nhân được thực hiện đối với TAQS quân khu và tương đương, TAQS khu vực. Ở TANDTC, TANDCC, TAQS trung ương không có Hội thẩm tham gia xét xử.

Pháp luật quy định Hội thẩm nhân dân phải có trong các phiên xét xử sơ thẩm hình sự, dân sự, hành chính. Việc Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm nhằm xét xử vụ án được công bằng, đúng người, đúng tội, nhân dân được thể hiện ý kiến của mình trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, Hội thẩm còn được giao quyền ngang với thẩm phán trong việc biểu quyết để ra một bản án theo hình thức đa số. Như vậy, việc có hội thẩm khi xét xử sơ thẩm hình sự, dân sự, hành chính là một chủ trương đúng đắn của đảng ta trong việc nâng cao nền tư pháp nước ta. Đảng ta đã sớm quan tâm đến việc này kể từ khi luật tổ chức tòa án lần đầu tiên ra đời vào năm 1960.

2. Điều kiện để trở thành Hội thẩm nhân dân

Điều kiện để trở thành Hội thẩm nhân dân theo quy định tại Điều 85 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 như sau:

  1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
  2. Có kiến thức pháp luật.
  3. Có hiểu biết xã hội.
  4. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Nhiệm vụ của Hội thẩm Nhân dân

Căn cứ Điều 49 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân được quy định như sau:

“Điều 49. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa.
  2. Đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền.
  3. Tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự.
  4. Tiến hành các hoạt động tố tụng và ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.”

Như vậy, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.

Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.

 

Trong 01 năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do. 

4. Nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân trong vụ án dân sự

Hội thẩm được phân công giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm có những nhiệm vụ và quyền hạn như:

Thứ nhất, Hội thẩm có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Hội thẩm cũng có nhiệm vụ và quyền hạn đó chính là nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Vậy hồ sơ vụ án là gì? Đó là tập hợp các văn bản (tài liệu) do các cơ quan tiến hành tố tụng lập theo quy định của pháp luật trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ được sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng đắn. Mỗi tài liệu chứa đựng một hoặc nhiều thông tin liên quan chặt chẽ với nhau phản ánh nội dung vụ án. Và vì Hội thẩm và Thẩm phán làm việc độc lập và tuân theo pháp luật chính vì vậy cả hai chủ thể đều tham gia xét xử vụ án, nghiên cứu vụ án cần có sự tìm hiểu về vụ án thông qua các tài liệu chứng, chứng minh như vậy họ sẽ có những định hướng, nền tảng ban đầu để có thể giải quyết và xét xử vụ án một cách công bằng và nhanh chóng nhất, để tránh gây mất thời gian cho các bên khi tham gia vào giải quyết vụ án dân sự.

Và trước khi nghiên cứu vụ án, trước hết Hội thẩm nhân dân cần làm rõ một số vấn đề như:

+ Kiểm tra hồ sơ có đúng là hồ sơ vụ án (hoặc các hồ sơ vụ án) của phiên tòa mà mình được phân công tham gia xét xử không; đảm bảo đúng thủ tục và tính an toàn trong công tác giao nhận hồ sơ vụ án khi nghiên cứu hồ sơ;

+ Xem qua hồ sơ vụ án để xác định Hội thẩm nhân dân có thuộc trường hợp bị thay đổi người tiến hành tố tụng không;

+ Xác định mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu hồ sơ để nắm vững nội dung vụ án, xác định các loại tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm bắt được diễn biến của vụ việc, nội dung các tình tiết và hệ thống các chứng cứ của vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng pháp luật;

Thứ hai, Hội thẩm có nhiệm vụ  đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền.

Thứ ba, Hội thẩm có nhiệm vụ tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự.

Thứ tư, Hội thẩm có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tố tụng và ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

5. Về địa vị pháp lý và vai trò của Hội Thẩm nhân dân trong công tác xét xử

Việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án được thể hiện tập trung nhất thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân. Đây là một chế định được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013).

Bản thân chế định Hội thẩm là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 8, 9) thì việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và  địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử độc lập với Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc hiến định.

Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng. Khi được phân công giải quyết vụ án thì Hội thẩm có các nhiệm vụ như: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ án (riêng đối với vụ án hình sự thì theo BLTTHS năm 2003 thì Hội thẩm có thể tham gia xét xử theo thủ tục phúc thẩm trong trường hợp cần thiết, BLTTHS năm 2015 thì HĐXXPT chỉ có ba Thẩm phán); tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, pháp luật tố tụng quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm; trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì Hội đồng xét xử có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Về nguyên tắc xét xử, Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định:  “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”.

Với các quy định nêu trên thì Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử, vì khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) và khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Như vậy, khi xét xử nếu ý kiến biểu quyết của các Hội thẩm là giống nhau và khác với ý kiến của Thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của các Hội Thẩm (đa số), mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp thì Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.

Nhận thức rõ địa vị pháp lý và vai trò quan trọng của Hội thẩm trong công tác Tòa án, cũng như yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ Hội thẩm bảo đảm về tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu giải quyết, xét xử các loại vụ án, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ (thay mặt cho Chính phủ) ban hành nhiều văn bản liên quan tới công tác Hội thẩm, như: Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 01/3/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân; Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 05/12/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân.

Với việc chủ động hoàn thiện về thể chế liên quan tới công tác Hội thẩm và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, tổ chức và hoạt động của Hội thẩm ngày càng ổn định và nề nếp. Các Hội thẩm đa số đều đảm bảo có trình độ hiểu biết pháp luật, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm, nên đã và đang có những đóng góp quan trọng cho công tác xét xử của Tòa án các cấp.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo