Cải cách tư pháp là một quá trình tiếp nối và liên tục đổi mới trên tất cả phương diện cơ bản như tư duy và lý luận. Nhưng muốn tiến hành cải cách một cách hiệu quả và chất lượng, đầu tiên, cần phải giải quyết những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn. Vậy cải cách tư pháp là gì? Một số nội dung cải cách tư pháp thực tiễn hiện nay ra sao? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết bên dưới sau đây.
Viện kiểm sát Nhân dân tối cao
1. Tư pháp là gì?
- Tư pháp theo thuyết tam quyền phân lập là một trong ba quyền của quyền lực nhà nước bao gồm: lập pháp (làm pháp luật và ban hành pháp luật); hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp (giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật). Theo quan điểm của nhà nước Việt Nam thì tư pháp chỉ thực hiện công việc tổ chức giữ gìn và bảo vệ pháp luật.
- Tư pháp còn là từ chung chỉ các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử hoặc là tên các cơ quan làm các nhiệm vụ về hành chính tư pháp. Ví dụ: Bộ tư pháp hay Sở tư pháp…
Để hiểu rõ hơn về tư pháp cũng như những thủ tục tư pháp, mời các bạn tham khảo bài viết sau: Thủ tục tư pháp? (Cập nhật 2022).
2. Quyền tư pháp là gì?
- Quyền tư pháp là một dạng quyền lực nhà nước và được hình thành khi quyền lực nhà nước phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, bổ trợ cho nhau và thực hiện kiểm soát lẫn nhau. Cụ thể là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
- Ở Việt Nam, hiện nay chúng ta không thừa nhận và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập nhưng mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau. Pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền. Đây là cách gọi tên về các quyền và các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, trong đó xác định Tòa án là mắt xích quan trọng tâm của hệ thống tư pháp cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này và là phương hướng về tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp nói riêng. Đây là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước cụ thể phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp sẽ không đồng dạng với hai loại quyền còn lại và luôn có giữ một vị thế độc lập, một nhánh về quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền hiện nay.
3. Khái niệm cải cách tư pháp
- Cải cách tư pháp là một quá trình đổi mới tiếp nối liên tục trên tất cả các phương diện cơ bản: phương diện tư duy lý luận, phương diện tư duy thực tiễn. Để tiến hành cải cách tư pháp có hiệu quả, chất lượng, trước hết, cần giải quyết một loạt vấn đề mang tính nhận thức lý luận và thực tiễn quan trọng. Chúng tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề đó để làm nền tảng cho sự nghiệp cải cách tư pháp có hiệu quả, chất lượng.
Tìm hiểu thêm về cải cách cũng như những đặc điểm của cải cách qua bài viết sau: Cải cách là gì? (Cập nhật 2022).
- Cải cách tư pháp là một phạm trù chính trị - pháp lý. Cải cách tư pháp là sự cải tạo, sự sửa đổi, sự đổi mới một số bộ phận tư pháp không còn phù hợp để đáp ứng các yêu cầu phát triển khách quan của tư pháp. Cải cách tư pháp tạo ra những thay đổi mang tính chỉnh thể, hệ thống về tư pháp, bao quát cả tư duy và hành động trong lĩnh vực tư pháp. Cải cách tư pháp là một bộ phận cấu thành của đổi mới cơ chế quyền lực nhà nước, của đổi mới đất nước. Cải cách tư pháp là một quá trình biến đổi toàn diện, sâu sắc, triệt để các bộ phận tư pháp nhất định, được tiến hành theo một lộ trình nhất định. Cải cách tư pháp chịu sự tác động của những nhân tố nhất định, có quy luật phát triển riêng của mình. Cải cách tư pháp hiện nay ở Việt Nam là tất yếu, cần thiết, cấp bách.
4. Những vấn đề thực tiễn trong việc cải cách tư pháp
-
Thứ nhất, về chủ thể thực hiện quyền tư pháp.
- Hiến pháp năm 2013 hiến định việc thực hiện quyền lực nhà nước: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp (Điều 69); Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 94); Tòa án thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Việc phân công thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp căn cứ vào những chức năng cơ bản của từng cơ quan, chứ không căn cứ vào hoạt động mà cơ quan đó tham gia. Trên thực tế, Chính phủ, TAND tối cao soạn thảo và trình Quốc hội một số dự án luật, không có nghĩa Chính phủ, TAND tối cao là các cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Tương tự như vậy, để đưa một vụ án hình sự ra xét xử, cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra, viện kiểm sát phải quyết định truy tố nhưng không có nghĩa các cơ quan này là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Như vậy, ở tầm hiến định, chủ thể thực hiện quyền tư pháp là tòa án và chỉ có tòa án.
-
Thứ hai, về nội hàm quyền tư pháp.
- Nội hàm quyền tư pháp bao gồm: Quyền xét xử và đưa ra phán quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hình sự. Những phán quyết này thực chất là hình phạt của Nhà nước đối với các vi phạm pháp luật (tuyên bố tước tự do, tước một số quyền công dân, cấm cư trú, trục xuất, quản chế, tịch thu tài sản...). Hiến pháp, pháp luật chỉ giao cho tòa án được nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên phạt.
- Quyền phân định đúng - sai đối với các tranh chấp trong xã hội. Trên thực tế, có nhiều thiết chế phân định đúng - sai đối với các tranh chấp, xung đột, như cơ quan hành chính các cấp, thủ trưởng cấp trên, tổ chức hòa giải ở cơ sở... Nhưng tòa án nhân danh quyền lực nhà nước phân định đúng - sai bằng một bản án có hiệu lực pháp luật chứa đựng những đặc trưng khác biệt, buộc các bên phải thi hành.
- Quyền phán quyết, công nhận hoặc không công nhận các sự kiện pháp lý liên quan đến quyền con người hoặc có ý nghĩa làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (như tuyên bố một người đã chết; tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự; xác định cha, mẹ cho con; hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài...). Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đa số các quốc gia, hiến pháp, pháp luật chỉ giao cho tòa án áp dụng các biện pháp cưỡng chế và các biện pháp khác hạn chế quyền con người (bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm xuất cảnh...) và được tiến hành theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ, có tính độc lập cao.
- Quyền phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm việc thực thi hiến pháp, pháp luật thống nhất trên phạm vi cả nước. Ở nhiều nước trên thế giới, cơ chế bảo hiến thường được giao cho Tòa án hiến pháp hoặc Tòa án tối cao đảm nhiệm. Thực hiện chức năng này, tòa án không chỉ xét xử các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, mà còn xem xét, phán quyết về các văn bản vi phạm hiến pháp, pháp luật. Ở nước ta, nhiệm vụ này được giao cho nhiều cơ quan nên có những hạn chế: phân tán, thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu lực, không được quan tâm trên thực tế, dẫn đến vi phạm kéo dài xảy ra ở một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thực hiện quyền tư pháp này, tòa án còn có nhiệm vụ giải thích để áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây cũng chính là một phần của quyền lực nhà nước giao cho tòa án và chỉ có tòa án mới thực thi được.
-
Thứ ba, về đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp.
- Đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp bao gồm: Quyền tài phán nhà nước được thực hiện thông qua xét xử của tòa án; được thực hiện theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt của pháp luật; phán quyết tư pháp có hiệu lực bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành; phán quyết tư pháp khi đã tuân thủ đầy đủ quy trình tố tụng nhưng có sai sót thì không bị tố cáo, chỉ bị kháng cáo, kháng nghị; phán quyết tư pháp không bị thay đổi tùy tiện trừ khi bị chính tòa án thay đổi, hủy bỏ theo đúng trình tự, thủ tục luật định; phán quyết tư pháp được bảo đảm thi hành trên phạm vi lãnh thổ quốc gia và không bị giới hạn về thời gian theo quy định của pháp luật; phán quyết tư pháp được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh quyền lực nhà nước bởi một cơ quan thi hành án chuyên trách.
5. Một số câu hỏi thường gặp
Mục tiêu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay là gì?
- Xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh. Tòa án có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp xảy ra trong xã hội, bảo đảm quyền tài phán quốc gia.
- Xây dựng nhân lực của tòa án, trước hết là thẩm phán trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái; đổi mới và cơ cấu lại các chức danh tư pháp.
- Đổi mới tổ chức bộ máy, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín để tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý.
- Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của tòa án, xây dựng tòa án điện tử.
Giải pháp tăng cường thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp nhằm bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong thời gian tới
- Một là, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích của Chiến lược cải cách tư pháp cũng như các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác tư pháp.
- Hai là, tòa án cần đẩy nhanh tiến độ, khắc phục việc giải quyết án chậm trễ do lỗi chủ quan, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự và đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính; chú trọng đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm phán; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tập huấn nghiệp vụ. Tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra, thu gọn đầu mối, thực hiện các quy định về ghi âm, ghi hình để khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình, bảo đảm quyền con người trong quá trình bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ.
- Ba là, nâng cao chất lượng ban hành thông tư, thông tư liên tịch, cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Luật Phòng chống tham nhũng.
- Bốn là, tăng cường nghiên cứu, làm rõ mô hình và cách thức hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng: không can thiệp vào quá trình xét xử của tòa án, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tư pháp như độc lập trong xét xử, tranh tụng, bào chữa... và quyền tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận công lý của người dân khi tham gia các quan hệ pháp luật tố tụng.
- Năm là, đổi mới phương thức và hình thức giám sát hoạt động tư pháp, chú trọng giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử gắn với nâng cao năng lực giám sát và bản lĩnh chính trị của chủ thể giám sát. Nâng cao chất lượng kiểm sát, hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân để công lý và quyền con người được bảo vệ tối đa và thực hiện trong thực tế.
Như vậy, cải cách tư pháp trong thời gian tới cần phải thực chất hơn và quyết liệt hơn từ đổi mới nhận thức đến đổi mới về hành động, trong đó chú trọng tới việc nâng cao năng lực của đảng viên, cán bộ các cơ quan tư pháp, đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động tư pháp đồng thời với việc quy định trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động tư pháp.
6. Dịch vụ tư vấn của ACC
- Trên đây là toàn bộ thông tin về “Cải cách tư pháp và một số vấn đề thực tiễn liên quan đến cải cách tư pháp” mà AAC đề cập đến các bạn. Nếu các bạn có thắc mắc cũng như câu hỏi nào liên quan vấn đề này hoặc muốn tư vấn pháp lý về Đăng ký kinh doanh hay Đầu tư nước ngoài thì liên hệ ngay với ACC qua trang web: https://accgroup.vn để được hỗ trợ và tư vấn.
Bình luận