Dịch vụ hành chính công là các hoạt động thực hiện thủ tục hành chính diễn ra nhằm phục vụ, hỗ trợ những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản, những lợi ích chung thiết yếu của công dân và tổ chức. Vậy vai trò của Nhà nước đối với dịch vụ hành chính công là gì? Hãy cùng Luật ACC tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Dịch vụ hành chính công là gì?
Dịch vụ hành chính công là các hoạt động diễn ra nhằm phục vụ, hỗ trợ những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản, những lợi ích chung thiết yếu của công dân và tổ chức, những dịch vụ hành chính công do trực tiếp Nhà nước thực hiện hoặc Nhà nước chuyển giao quyền hạn cho một số cơ sở ngoài Nhà nước tiến hành thực hiện.
2. Ví dụ về dịch vụ hành chính công
Một số ví dụ về dịch vụ hành chính công có thể kể đến như: Thủ tục cấp giấy khai sinh, thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, xử phạt hành chính, thanh tra hay kiểm tra hành chính, v.v…
3. Vai trò của Nhà nước đối với dịch vụ hành chính công
3.1. Trực tiếp tổ chức thực hiện một số dịch vụ công
Dịch vụ công là dịch vụ do Nhà nước chịu trách nhiệm, vì thế Nhà nước phải trực tiếp thực hiện cung ứng một số dịch vụ công thông qua các cơ quan tổ chức của mình lập ra. Chỉ có điều khi trực tiếp thực hiện việc này, Nhà nước cần phải nghiên cứu, xác định rõ các dịch vụ nào thực sự cần thiết phải trực tiếp làm, phạm vi đến đâu để tránh ôm đồm quá với khả năng cho phép nhất là về tài chính và bộ máy nhân sự.
Xu hướng chung của thế giới hiện nay là nhà nước chỉ trực tiếp thực hiện những dịch vụ công nào mà xã hội không thể làm được hoặc không muốn làm. Trong điều kiện Việt Nam, Nhà nước vừa đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời phân cấp mạnh cho các cấp chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và thực hiện các loại dịch vụ công liên quan trực tiếp đến đời sống công dân, cộng đồng. Chính phủ, các Bộ chỉ trực tiếp thực hiện cung cấp những loại dịch vụ quan trọng, đòi hỏi chất lượng và trình độ cao. Các dịch vụ công mà xã hội có thể đảm nhận được, Nhà nước thực hiện chuyển giao, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tư nhân thực hiện trong sự định hướng và hỗ trợ của Nhà nước. Các dịch vụ công nào sau một thời gian, xã hội có thể hoàn toàn đảm nhiệm được và người dân có thể chấp nhận được với giá cả thị trường thì chuyển thành các dịch vụ thông thường.
3.2. Xây dựng cơ chế chính sách chung, thống nhất, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách cho mỗi loại dịch vụ công
- Được gọi chung là dịch vụ công, nhưng nó gồm nhiều loại và trong mỗi loại lại có nhiều hình thức dịch vụ cụ thể mang những tính chất riêng. Tham gia vào cung ứng các dịch vụ đó trong điều kiện xã hội hiện đại, gồm nhiều chủ thể khác nhau: nhà nước, thị trường, các tổ chức xã hội, các cá nhân... Ngay trong khu vực nhà nước cũng gồm nhiều chủ thể khác nhau: cơ quan hành chính, tổ chức đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước. Việc cung ứng dịch vụ của các chủ thể nhằm những mục đích khác nhau. Chính vì vậy, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách đối với việc cung ứng dịch vụ công làm căn cứ pháp lý để tổ chức, chỉ đạo thống nhất. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để các tổ chức xã hội và công dân có thể lựa chọn và tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ công một cách hiệu quả.
- Mặt khác, việc xây dựng, hoàn chỉnh chính sách về dịch vụ công còn là để đảm bảo sản phẩm hàng hóa dịch vụ công đến tận tay người được hưởng thụ, khắc phục sự thất thoát từ những tổ chức thực hiện dịch vụ. Trong một số lĩnh vực, cần nghiên cứu cơ chế cấp ngân sách dịch vụ thẳng cho đối tượng được hưởng dịch vụ, bỏ cơ chế cấp qua tổ chức thực hiện.
- Việc xây dựng cơ chế chính sách đối với dịch vụ công cần phải đảm bảo:
+ Điều tiết và kiểm soát các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc cung ứng dịch vụ công cộng theo đúng yêu cầu: giá cả chất lượng dịch vụ, đối tượng cung ứng dịch vụ...
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ công cộng, giảm gánh nặng cho bộ máy nhà nước.
+ Trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng: chính sách miễn giảm thuế, miễn giảm học phí, cấp học bổng, miễn giảm các khoản đóng góp khác cho từng loại đối tượng, trợ cấp qua giá bán dịch vụ...
+ Không ngừng đầu tư cho dịch vụ công cả về tài chính và xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ.
- Đối với các chủ thể xã hội ngoài nhà nước, việc cung ứng hàng hóa hay dịch vụ đều nhằm mục tiêu lợi nhuận. Thậm chí vì lợi nhuận trước mắt, lợi nhuận cá nhân mà không tính đến các hiệu quả về mặt xã hội, hiệu quả lâu dài; các vấn đề về lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thường không được tính đến, hoặc các doanh nghiệp không đủ khả năng để xử lý. Mặt khác, do đặc điểm của các dịch vụ công nên đối với nhiều dịch vụ, người cung cấp không thu đủ tiền để trang trải các chi phí và có lợi nhuận.
Trong tình hình đó, chỉ có Nhà nước mới có đủ các điều kiện về quyền lực, nhân lực, vật lực, mới có thể thực hiện việc cung ứng hoặc điều tiết kiểm soát việc cung ứng các dịch vụ công cần thiết phục vụ cho những nhu cầu, lợi ích chung của cả cộng đồng. Nhà nước có thể huy động các nguồn thu ngân sách và có kế hoạch đầu tư cho việc tạo ra và phân phối các dịch vụ công cho xã hội. Việc huy động sự đóng góp của mỗi người dân trong thực tế là không giống nhau, tuy nhiên mức tiêu dùng dịch vụ công không phụ thuộc hoàn toàn vào mức đóng góp đó. Trong nhiều trường hợp, tất cả các cá nhân có thể tiêu dùng một lượng hàng hóa công như nhau dù họ chịu những mức đóng góp khác nhau và ngân sách nhà nước sẽ phải gánh chịu những thiếu hụt nếu có việc tiêu dùng quá mức ở các cá nhân.
Cùng với việc tăng cường đầu tư tài chính, Nhà nước cần phải thiết lập một mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công đa dạng - bao gồm nhiều thành phần, nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau, đủ sức đảm bảo cung cấp đầy đủ, có chất lượng, giá cả phù hợp đối với mỗi loại dịch vụ. Không thể nói tới trách nhiệm và hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công nếu không xây dựng được mạng lưới hệ thống cung cấp các dịch vụ này. Vì vậy, xây dựng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước.
3.3. Không ngừng cải tiến cung cấp dịch vụ công
Để việc cung cấp dịch vụ công đầy đủ và chất lượng không ngừng được nâng cao, Nhà nước phải không ngừng cải tiến việc cung ứng dịch vụ công ở tầm vĩ mô và cả các hoạt động cung cấp cụ thể.
Đối với tầm vĩ mô, việc cải tiến được hướng trước hết vào việc xác định rõ các loại dịch vụ công cộng nào thực sự là dịch vụ nhà nước cần phải đảm bảo cung cấp cho xã hội, mức độ can thiệp của Nhà nước trực tiếp hay gián tiếp qua việc cung cấp tài chính hay chỉ đơn giản là đề ra các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả; đồng thời, có sự mở rộng tham gia của các chủ thể xã hội phù hợp với yêu cầu cung cấp các dịch vụ công; tiến hành phân công, phân cấp cụ thể cho các cấp chính quyền chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ công cho xã hội và công dân.
3.4. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Việc Nhà nước để cho tư nhân cung ứng các dịch vụ và chỉ can thiệp gián tiếp đến các hoạt động này cũng có thể dẫn đến nảy sinh các mâu thuẫn. Khi Nhà nước ký hợp đồng với các tổ chức tư nhân cung ứng dịch vụ công cộng cũng khó có thể xác định được một cách hoàn toàn chính xác các đặc điểm và chất lượng của dịch vụ cần cung cấp. Do vậy, việc kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo tính công bằng, đảm bảo số lượng, chất lượng cung ứng dịch vụ là hết sức cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ chính thuộc chức năng quản lý nhà nước.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của Luật ACC về vai trò của nhà nước đối với dịch vụ hành chính công. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc còn có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website hoặc Hotline để được hỗ trợ giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận