Tình huống chia tài sản khi ly hôn

Ly hôn không chỉ là một quá trình tâm lý phức tạp mà còn là một cuộc chiến về tài sản. Các tình huống chia tài sản khi ly hôn đưa ra nhiều thách thức và tranh cãi pháp lý. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, khi hai bên tự nguyện ly hôn và đạt thỏa thuận về chia tài sản, Tòa án có thể công nhận thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con, Tòa án sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp, từ chia tài sản đến quyết định về nuôi con và trách nhiệm phụ huynh. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của hiểu biết sâu sắc về các quy định pháp lý liên quan đến tình huống chia tài sản khi ly hôn.

Tình huống chia tài sản khi ly hônTình huống chia tài sản khi ly hôn

1. Các tình huống chia tài sản khi ly hôn

Tình huống 1

Chị Hường cho biết: Sau một thời gian thương lượng, thỏa thuận, chị và chồng chị đã đi đến thống nhất cùng đề nghị cho ly hôn, thỏa thuận cụ thể về việc chia tài sản, nuôi con. Trong trường hợp này, có được xem là thuận tình ly hôn và Tòa án giải quyết theo thủ tục công nhận thuận tình ly hôn không?

Điều 55 Luật Hôn nhân và gia định số 52/2014/QH13 quy định: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

  • Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
  • Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
  • Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
  • Tranh chấp về cấp dưỡng.
  • Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
  • Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm:

  • Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
  • Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
  • Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
  • Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
  • Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
  • Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
  • Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
  • Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Theo các quy định trên, nếu thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu thỏa thuận đó  không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Tình huống 2

Chị Minh Phương và chồng có mâu thuẫn từ lâu và nay anh chị quyết định ly hôn. Chị Phương cho biết, hai vợ chồng trước khi lấy nhau đều “tay trắng”, sau khi kết hôn, cả hai cùng nhau tạo dựng được ngôi nhà khang trang, xe ô tô và các tài sản phục vụ cho cuộc sống chung. Cũng trong thời gian chung sống này, bố mẹ chị lần lượt qua đời và có để lại di sản cho các con, bản thân chị được thừa kế mảnh đất ở diện tích 60m2. Chị được biết về nguyên tắc, khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng là chia đôi. Tuy nhiên, chị không rõ thế nào là tài sản chung, mảnh đất chị được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân có được xem là tài sản chung không?

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:

Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng).

Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng:

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng từ tài sản riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Điều 10, 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định:

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng:

+ Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.

+ Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

- Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật

+ Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

+ Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

+ Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Trên đây là quy định về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng theo quy định pháp luật. Theo đó, những tài sản mà vợ chồng chị Phương đã tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân (nhà, xe ô tô, tài sản phục vụ cuộc sống chung) là tài sản chung của vợ chồng. Đối với mảnh đất diện tích 60 m2 chị Phương được thừa kế nên đó là tài sản riêng của chị Phương (trừ trường hợp vợ chồng chị đã thỏa thuận đó là tài sản chung).

Tình huống 3

Tình huống chia tài sản khi ly hôn

Tình huống 3

Anh Hoàng và chị Hồng kết hôn đã gần 20 năm. Trong thời gian đó, anh chị đã tạo lập được nhiều tài sản chung có giá trị. Để có thời gian chăm sóc gia đình và con nhỏ, sau khi kết hôn chị Hồng nghỉ làm ở nhà lo việc nội trợ. Anh Hoàng nhiều lần “cặp bồ”, chị Hồng biết và đã bỏ qua, tuy nhiên lần này đến lần khác, chị Hồng cảm thấy không còn muốn “níu kéo” nên chị đã làm đơn xin ly hôn. Chị Hồng đề nghị cho biết, khi giải quyết vấn đề về tài sản, có tính đến lỗi của người chồng (vì đã ngoại tình) không, bản thân chị ở nhà nội trợ thì tính thu nhập như thế nào?

Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016  của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp  hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 như sau:

Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

c) “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.

Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.

Theo quy định trên, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Khi giải quyết có tính đến các yếu tố xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia (trong trường hợp này là người chồng đã không chung thủy). Ngoài ra, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện theo các nguyên tắc như giới thiệu ở trên.

Tình huống 4

Chị Quy lấy chồng và về sống cùng cha mẹ chồng đã hơn 15 năm. Trong thời gian này, chị luôn toàn tâm toàn ý với gia đình chồng, không suy tính việc gì, bản thân chị đi làm có thu nhập nên đã đóng góp để sửa chữa nhà cửa, mua sắm nhiều tài sản lớn trong nhà. Nay chị và chồng tính đến chuyện ly hôn do mâu thuẫn kéo dài không thể giải quyết được. Trong trường hợp này, chị Quy có được chia tài sản gì không khi ly hôn?

Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình như sau:

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia trên cơ sở nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Như vậy, việc chia tài sản khi ly hôn đối với chị Quy được thực hiện như trên.

Tình huống 5

Anh Bình và chị Mây quyết định ly hôn. Anh chị có 1.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, do anh Bình đảm trách. Chị Mây là công nhân may. Khi bàn vấn đề chia tài sản, anh Bình muốn nhận 1.000 ha đất nuôi trồng thủy sản để tiếp tục công việc mưu sinh. Chị Mây đồng ý với điều kiện anh Bình phải bù một khoản tiền cho chị Mây tương ứng với ½ giá trị của đất nuôi trồng thủy sản. Anh Bình không đồng ý với điều kiện này của chị Mây. Anh Bình hỏi, việc phân chia tài sản đối với đất nuôi trông thủy sản như thế nào?

Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định  việc chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn như sau:

Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết trên cơ sở nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định trên đây;

c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình.

Căn cứ quy định trên, anh Bình là người có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất nuôi trồng thủy sản. Do đó, anh Bình được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho chị Mây phần giá trị quyền sử dụng đất mà chị được hưởng.

2. Câu hỏi thường gặp

Câu 1. Tôi đang ly hôn, làm thế nào để chia tài sản một cách công bằng?

Quá trình chia tài sản trong trường hợp ly hôn thường yêu cầu đánh giá tổng thể tài sản, cũng như xem xét các yếu tố như đóng góp của mỗi bên và nhu cầu của con cái. Hợp tác với một luật sư chuyên nghiệp có thể giúp bạn hiểu rõ quy trình và đảm bảo quyền lợi của bạn.

Câu 2.Tài sản nên được chia như thế nào khi có sự khác biệt về thu nhập giữa hai bên?

Trong trường hợp thu nhập khác biệt, việc chia tài sản có thể phụ thuộc vào luật pháp địa phương. Một số nơi có hệ thống chia tài sản dựa trên nguyên tắc công bằng, trong khi các quốc gia khác có thể áp dụng nguyên tắc "phản ánh đúng thu nhập." Một cuộc thảo luận chân thành và có sự hiểu biết với đối tác và luật sư có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Câu 3. Tôi có quyền lợi gì đối với tài sản chung của chúng tôi?

A3: Tùy thuộc vào quy định pháp luật địa phương, tài sản chung có thể được chia đều giữa cả hai bên hoặc được phân loại và chia tách dựa trên quy định cụ thể. Hợp tác với luật sư và làm việc chặt chẽ với đối tác có thể giúp xác định quyền lợi của bạn đối với tài sản chung.

Câu 4. Làm thế nào để giảm thiểu xung đột khi chia tài sản?

Để giảm xung đột, quan trọng nhất là duy trì sự trung thực và mở cửa trong quá trình đàm phán. Hợp tác với một trung tâm giải quyết mâu thuẫn hoặc sử dụng dịch vụ trọng tài có thể giúp giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng và hiệu quả.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (590 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo