Quy Định Về Tính Độc Lập Của Hội Đồng Xét Xử [Chi tiết 2022]

Tính độc lập của hội đồng xét xử là gì? Tính độc lập của hội đồng xét xử được quy định như thế nào? Thế nào là tính độc lập của hội đồng xét xử? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên bạn nhé.

Hoidongxetxu

Tính độc lập của hội đồng xét xử

1. Quy định chung về hội đồng xét xử

Pháp luật quy định cụ thể thành phần của Hội đồng xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân đối với án hình sự, án dân sự; hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân đối với án kinh tế, án hành chính. Trong trường hợp vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, kể cả các vụ án mà theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm nhân dân. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gồm ba Thẩm phán. Khi Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Hội đồng xét xử gồm những thành viên của tổ chức đó và phải bảo đảm có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia.

Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trong quá trình xét xử, nếu có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân không tiếp tục tham gia xét xử được thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án, nếu có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế. Trong trường hợp không có người thay thế ngay thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách trực tiếp hỏi và nghe ý kiến của các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người lầm chứng, người giám định, nghe ý kiến của người bào chữa và xem xét vật chứng. Sau khi xem xét những tình tiết khách quan của vụ án, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên án. Hội đồng xét xử làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số trong Hội đồng xét xử có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ. Mọi ý kiến thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử phải được ghi lại bằng biên bản.

2. Những yếu tố đảm bảo tính độc lập của thẩm phán khi xét xử.

Do tính đặc thù của nghề nghiệp, muốn độc lập trong hoạt động xét xử của mình, thẩm phán cần hội tụ các phẩm chất sau:

(i) Thẩm phán phải có đạo đức, nhân cách trong sáng, có năng lực chuyên môn tốt được nhân dân kính mến về đạo đức, về khả năng và sự dũng cảm trong việc bảo công lý, bảo vệ niềm tin. Điều gì sẽ xảy ra nếu thẩm phán chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, đánh mất đạo đức nghề nghiệp? Đương nhiên, niềm tin vào công lý sẽ bị xói mòn mà xã hội chỉ còn dựa vào luật rừng.

(ii) Thẩm phán phải là người có hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật cao hơn những người khác và luôn luôn cập nhật được những thành tựu mới của hoạt động lập pháp, của khoa học và thực tiễn pháp lý. Thẩm phán có nghiệp vụ cao tức là phải nắm vững quy định của pháp luật, có tư duy và khả năng vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý đặt ra.

(iii) Thẩm phán phải được lựa chọn từ những luật gia, luật sư ưu tú nhất và phải được đảm bảo những chế độ và điều kiện làm việc thích hợp nhất. Chế độ trách nhiệm của thẩm phán phải rõ ràng và họ phải được bảo vệ theo những trình tự thích hợp nhằm tránh những sự xâm hại về tài sản, tính mạng, danh dự và nhân phẩm do những bị cáo hay đương sự gây ra. Có như vậy, thẩm phán mới có thể yên tâm thực hiện sứ mệnh của mình

3. Tính độc lập của hội đồng xét xử

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định là một nguyên tắc hiến định và được ghi nhận trong các bản Hiến pháp cũng như được thể chế trong các đạo luật về tổ chức Tòa án - cơ quan xét xử, cũng như các đạo luật về tố tụng của Nhà nước Việt Nam. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa - Hiến pháp năm 1946, thì Điều thứ 69 đã trang trọng ghi nhận: "Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp". Hiến pháp năm 1959, nguyên tắc này được quy định ở Điều 100: "Khi xét xử, Toà án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Hiến pháp năm 1980 ghi nhận ở Điều 131: "Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đến Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001) thì nguyên tắc này được ghi nhận ở Điều 130: "Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 đã kế thừa những thành tựu lập hiến của các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, đồng thời, tiếp thu những tư tưởng mới về Nhà nước pháp quyền cũng như thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Theo Hiến pháp năm 2013, hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân cũng có những thay đổi theo tinh thần cải cách tư pháp với quy định gồm: Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. Như vậy, theo quy định này, thì hệ thống Tòa án được tổ chức theo cấp xét xử không phụ thuộc vào địa giới hành chính như theo quy định của Hiến pháp năm 1992, góp phần bảo đảm cho tính khả thi của nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp lý. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Tòa án nhân dân được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc mang tính đặc thù. Và một điều đặc biệt, khác với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương, các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân được hiến định cụ thể tại Điều 103 Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 kế thừa, phát triển một số nguyên tắc đã được các bản Hiến pháp trước đây quy định.

Các nguyên tắc như xét xử có Hội thẩm tham gia, nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập, nguyên tắc xét xử công khai, xét xử tập thể, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được tiếp tục ghi nhận và phát triển ở mức cao hơn, chính xác hơn.

Quan trọng nhất, việc Hiến pháp quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm là một bảo đảm hiến định quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử. Trong quy định các nguyên tắc này, Hiến pháp năm 2013 có quy định các trường hợp ngoại lệ đối với một số nguyên tắc để bảo đảm việc áp dụng mềm dẻo, linh hoạt và có hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số nguyên tắc mới thể hiện tinh thần đổi mới trong cải cách tư pháp ở nước ta, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là một bảo đảm quan trọng giúp cho việc xét xử toàn diện, khách quan, bảo đảm quyền con người, quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng, hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng tư pháp nói chung, trong xét xử của Tòa án nói riêng.

Có thể khẳng định, việc đặt ra yêu cầu tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn và để bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Độc lập xét xử là một yêu cầu cao nhất thuộc quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền. Khi hình thành quyết định giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền xét xử chỉ dựa vào tình tiết khách quan của vụ việc trên cơ sở pháp lý và tư duy của mình để ra quyết định mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nào khác.

Đối với nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã minh định một cách cụ thể hơn so với các bản Hiến pháp trước đây. Nếu như Hiến pháp năm 1992 quy định: "Khi xét xử Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", thì Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể, sâu sắc hơn: "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm". Như vậy, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử, chứ không chỉ giới hạn bởi "khi xét xử". Cụm từ "nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm" trong công tác xét xử cũng là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử

Hy vọng bài viết trên đã amng lại những thông tin bổ ích về tính độc lập của hội đồng xét xử. Nếu có những câu hỏi và thắc mắc liên quan đến tính độc lập của hội đồng xét xử hãy liên hệ Công ty Luật ACC để được tư vấn và hỗ trợ bạn nhé.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo