Thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại

Khi muốn khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án thì bên khởi kiện cần khởi kiện vụ án khi còn thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại. Vậy để tìm hiểu thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại được pháp luật quy định như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây của ACC.

1. Tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp kinh doanh thương mại sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

- Tranh chấp phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty;

- Tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP KINH DOANH - THƯƠNG MẠI

2. Thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại:

Căn cứ theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại suy ra thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này. Tức là, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng thì thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại. Theo đó, về thời hiệu khởi kiện, đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Cần lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù sau:

- Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.

- Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...”.

- Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.

3. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

Căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện bao gồm:

+ Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

+ Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015, luật khác có quy định khác;

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;

+ Trường hợp khác do luật quy định.

Theo đó, dù còn thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 nhưng thuộc vào 1 trong 04 trường hợp nêu trên thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi hiện.

4. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

Trong một số trường hợp quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, sẽ có một khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đó là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Đối với tranh chấp kinh doanh thương mại, thông thường đó là khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Đây là những yếu tố khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ thể có quyền khởi kiện, gây khó khăn và có thể khiến chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện được trong thời gian quy định, do đó, để đảm bảo quyền lợi của chủ thể có quyền khởi kiện, khoảng thời gian mà các sự kiện này diễn ra sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết giới thiệu về thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại. Nội dung bài viết có giới thiệu về tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại, các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Nếu trong quá trình tìm hiểu, quý bạn đọc còn có vấn đề thắc mắc cần được giải đáp hay có quan tâm đến các dịch vụ tư vấn do ACC cung cấp, vui lòng truy cập địa chỉ trang web sau đây: https://accgroup.vn/ để được tư vấn giải đáp thắc mắc một cách chi tiết nhất.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo