Tài sản chung của hộ gia đình là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng, đặc biệt khi liên quan đến việc phân chia hoặc chuyển nhượng tài sản. Hiểu rõ về tài sản chung của hộ gia đình và các quy định pháp luật liên quan sẽ giúp các thành viên trong gia đình bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc về tài sản chung của hộ gia đình, nguyên tắc chia tài sản, và quyền hạn của chủ hộ trong việc chuyển nhượng tài sản chung.
Tài sản chung của hộ gia đình là gì?
1. Tài sản chung của hộ gia đình là gì?
Theo Điều 212 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Từ định nghĩa trên ta có thể hiểu một cách khái quát thì : “Tài sản của hộ gia đình là các tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình.Đó là những khối tài sản mà các thành viên hộ gia đình đóng góp; các thành viên cùng tạo lập ra từ hoạt động sản xuất – kinh doanh hợp pháp của cả hộ; tài sản do hộ gia đình được tặng cho chung; tài sản do được thừa kế chung; tài sản hình thành từ những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.”
Các thành viên hộ gia đình được xác định là đồng chủ sở hữu đối với những tài sản này.
Nên căn cứ theo khoản 2 Điều 212 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các thành viên về việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản chung thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản này được thực hiện theo quy định pháp luật về tài sản thuộc hình thức sở hữu chung theo phần.
2. Quyền chia tài sản chung của hộ gia đình
Tài sản chung của hộ gia đình có thể cần chia khi các thành viên có nhu cầu riêng, khi có sự thay đổi về quyền sở hữu, hoặc khi có yêu cầu từ tòa án. Cụ thể, tại Điều 219 thì việc chia tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 được quy định như sau:
- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Như vậy, Đối với mỗi đồng sở hữu chung đều có quyền yêu cầu phân chia tài sản và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp đã có sự thỏa thuận trước đó của các chủ sở hữu chung về thời hạn được phân chia.Nếu tài sản chung không thể chia cắt theo hiện vật thì chủ thể yêu cầu chia được quyền bán phần quyền sở hữu của mình trong khối tài sản chung đó theo quy định của pháp luật.
3. Chủ hộ gia đình có thể đại diện hộ gia đình chuyển nhượng tài sản chung là nhà đất được không?
Chủ hộ gia đình có thể đại diện hộ gia đình chuyển nhượng tài sản chung là nhà đất được không?
Được. Bởi theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, quy định cụ thể như sau: “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”.
Bên cạnh đó Khoản 2 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cũng quy định ”Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”
Như vậy, khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của hộ gia đình thì các thành viên có chung quyền sử dụng đất không nhất thiết phải có mặt mà chỉ cần có văn bản đồng ý chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực để người đứng tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng với bên mua.Chủ hộ gia đình có quyền đại diện cho hộ gia đình trong các giao dịch liên quan đến tài sản chung, bao gồm cả việc chuyển nhượng tài sản là bất động sản. Tuy nhiên, văn bản ủy quyền việc chuyển nhượng này phải hợp pháp và có sự đồng thuận của tất cả các thành viên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu chủ hộ tự ý thực hiện giao dịch mà không có sự đồng ý của các thành viên khác, giao dịch có thể bị coi là vô hiệu và dẫn đến tranh chấp pháp lý.
4. Một số câu hỏi liên quan thường gặp
Tài sản nào được coi là tài sản chung của hộ gia đình?
Tài sản chung của hộ gia đình bao gồm những tài sản mà các thành viên trong gia đình cùng tạo lập, đóng góp, hoặc được thừa kế chung, chẳng hạn như đất đai, nhà cửa, tiền gửi ngân hàng.(khoản 1 Điều 212 Bộ luật dân sự năm 2015)
Khi nào thì tài sản chung của hộ gia đình cần phải chia?
Tài sản chung của hộ gia đình có thể cần chia khi các thành viên có nhu cầu riêng, khi có sự thay đổi về quyền sở hữu, hoặc khi có yêu cầu từ tòa án.(Điều 219 Bộ luật dân sự năm 2015)
Nếu một thành viên trong gia đình muốn bán phần tài sản của mình, cần làm gì?
Thành viên đó cần có sự đồng thuận của các thành viên khác trong hộ gia đình, vì tài sản chung là tài sản của cả hộ gia đình, không thể tự ý bán phần riêng nếu chưa được phân chia cụ thể.( Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015)
Có cần phải công chứng khi chuyển nhượng tài sản chung của hộ gia đình không?
Có, việc chuyển nhượng tài sản chung, đặc biệt là bất động sản, cần phải công chứng để đảm bảo tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.(Khoản 3 Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015)
Việc hiểu rõ về tài sản chung của hộ gia đình và các quy định liên quan là vô cùng quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành viên trong gia đình. Khi có nhu cầu chia hoặc chuyển nhượng tài sản, các thành viên cần tuân thủ đúng quy trình pháp lý để tránh những tranh chấp không đáng có. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình một cách hợp lý và đúng pháp luật.
Nội dung bài viết:
Bình luận