Hiện nay có rất nhiều kênh đầu tư để người dân có thể tham gia với mục đích gia tăng thu nhập của bản thân bên cạnh một công việc ổn định thay vì để tiền nhàn rỗi. Các loại hình đầu tư hiện nay có thể kể đến như: gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, đầu tư vào thị trường ngoại hối,... Đầu tư chứng khoán là một trong những loại hình đầu tư rất được ưa chuộng hiện nay, và trong đó sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ là một kênh đầu tư hoạt động rất sôi nổi. Để có thể bắt đầu đầu tư trái phiếu, người tham gia phải hiểu được thế nào là trái phiếu, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Nội dung bài viết dưới đây sẽ bàn về Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ và những thông tin cần biết.
Sàn giao dịch trái phiếu
1. Trái phiếu là gì?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Theo khoản 20 Điều 4 Luật chứng khoán, Chào bán trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán không qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Hiện nay có hai dạng trái phiếu: Trái phiếu chính phủ và Trái phiếu doanh nghiệp
- Trái phiếu chính phủ: Trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
- Trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
2. Trái phiếu chính phủ
Chủ thể phát hành trái phiếu chính phủ bao gồm các đối tượng sau:
- Chủ thể phát hành trái phiếu chính phủ là Bộ tài chính.
- Bộ tài chính ủy quyền cho Kho bạc nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu Chính phủ được phát hành cho các mục đích sau:
- Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
- Bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay trái phiếu ngắn hạn;
- Cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ;
- Cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng, chính quyền địa phương vay lại theo quy định của pháp luật;
- Các mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Đối tượng mua trái phiếu chính phủ:
- Đối tượng mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Tổ chức của Việt Nam không được sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để mua trái phiếu.
Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo các phương thức sau:
- Đấu thầu phát hành trái phiếu.
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu.
- Đại lý phát hành trái phiếu.
- Bán lẻ trái phiếu.
Dựa vào lãi suất có thể chia Trái phiếu chính phủ thành 3 loại:
- Trái phiếu có lãi suất cố định: Lợi tức được xác định theo tỷ lệ % cố định theo mệnh giá mua trái phiếu trước đó.
- Trái phiếu có lãi suất không cố định: Lợi tức được trả trong các kỳ và biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu không lãi suất: Người mua trái phiếu không được hưởng lãi nhưng sẽ được mua trái phiếu với mức giá ưu đãi hơn nhiều (giá chiết khấu).
Theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 111/2018/TT-BTC hướng dẫn phát hành và thanh toán công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì các nhà đầu tư phải trải qua đấu thầu để xác định tư cách; cũng như điều kiện để mua được trái phiếu Chính phủ. Theo đó thì trong vòng tối thiểu bốn (04) ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ thì Sở Giao dịch chứng khoán gửi thông báo phát hành tới toàn bộ nhà tạo lập thị trường và công bố thông tin trên trang điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán về việc phát hành trái phiếu chính phủ để các nhà đầu tư tiếp cận công khai và minh bạch về vấn đề mua Trái phiếu chính phủ.
Để tiến hành mua trái phiếu chính phủ thì các nhà đầu tư, nhà tạo lập thị trường phải gửi thông tin theo mẫu của Sở Giao dịch chứng khoán (mẫu được công bố trên trang điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán); trong thời gian quy định (thời gian được sở giao dịch chứng khoán quy định là chậm nhất vào 10 giờ 30 phút ngày tổ chức phát hành).
Các nhà đầu tư và các nhà tạo lập thị trường muốn mua được trái phiếu chính phủ thì sẽ thực hiện các bước như Sở giao dịch chứng khoán đã thông báo công khai trên các phương tiện, trang điện tử để có thể mua được trái phiếu Chính phủ.
3. Trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; và vừa được sửa đổi bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 16/09/2022.
Đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp:
- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
- Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
- Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật sẽ được chào bán trái phiếu. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đăng ký trái phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; 5 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp phát hành công bố thông tin về kết quả chào bán.
4. Các câu hỏi thường gặp
4.1. Trái phiếu là gì?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
4.2. Trái phiếu chính phủ là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP, “Trái phiếu chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
4.3. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Bài viết trên đây cung cấp thông tin về trái phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cho các quý bạn đọc. Nếu quý bạn đọc còn thắc mắc về cổ phiếu thường và trái phiếu doanh nghiệp, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Nội dung bài viết:
Bình luận