Bài viết dưới đây đề cập đến quy định về quyền con người theo Hiến pháp 1980. Hãy cùng ACC theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Quyền con người
Quyền con người (Human rights, Droits de LHomme) là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm do đấng tạo hóa ban cho con người như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, những quyền tối thiểu của con người mà bất kì chính phủ nào cũng phải bảo vệ.
Quyền con người không những được nhìn nhận trên quan điểm các quyền tự nhiên (natural rights) mà nó còn được nhìn nhận trên quan điểm các quyền pháp lý (legal right). Theo đó “quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cả nhân và các nhóm chổng lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người.
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1980
Hiến pháp năm 1980 ghi nhận các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương V với tên gọi “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gồm 29 điều. Nhìn chung, so với Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 thì quyền và nghĩa vụ của công dân thể hiện trong Hiến pháp năm 1980 ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc và kế thừa các quy định từ các bản Hiến pháp trước đó. Nghiên cứu về chế định này trong Hiến pháp năm 1980, có thể thấy:
Thứ nhất, Hiến pháp năm 1980 đã kế thừa tên gọi của Hiến pháp năm 1959 cho chương quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, thứ tự của chương này trong Hiến pháp năm 1980 đã có sự thay đổi khi chuyển từ vị trí thứ 03 trong Hiến pháp năm 1950 xuống vị trí thứ 05. Sự thay đổi này đã thể hiện tinh thần xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp năm 1980. Dưới tác động mạnh mẽ của Hiến pháp năm 1977 của Liên Xô, các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân được xếp đứng sau các chương về chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Hiến pháp năm 1980 đã ghi nhận thêm nhiều quyền mới của công dân Việt Nam như quyền có quốc tịch Việt Nam (Điều 53); quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội (Điều 56); quyền có việc làm (Điều 58); quyền được bảo hiểm xã hội (Điều 59); quyền học “không phải trả tiền” (Điều 60); quyền được bảo vệ sức khoẻ, khám chữa bệnh không phải trả tiền (Điều 61); quyền có nhà ở (Điều 62); quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm (Điều 70); quyền được bảo đảm bí mật về điện thoại, thư tín, điện tín (Điều 71); quyền được bảo hộ về quyền lợi của tác giả, của người sáng chế, phát minh (Điều 72)... Trong đó, có nhiều quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như quyền có quốc tịch Việt Nam; quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội…
Thứ ba, Hiến pháp năm 1980 cũng cụ thể hóa một số quy định có từ Hiến pháp năm 1946 như ghi nhận rõ các yêu cầu đối với Nhà nước trong bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ: Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ chăm lo, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội; Nhà nước cần hoạch định chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ; xã viên hợp tác xã cũng được hưởng phụ cấp sinh đẻ; Nhà nước và xã hội phải chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi khác... Một số quyền tự do của công dân trong Hiến pháp năm 1946 cũng được ghi nhận rõ ràng, đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 1980 như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 68); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 69); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 71)…
Thứ tư, cũng giống như Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 không ghi nhận về quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1980 cũng không quy định trực tiếp quyền sở hữu tài sản của người dân trong Chương V mà ghi nhận thông qua các quy định của Chương II “Chế độ kinh tế” và quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn không được ghi nhận. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng quyền được quy định trong Hiến pháp năm 1980 nhiều hơn hẳn so với Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 nhưng một số nội dung không có tính khả thi như quyền học không phải trả tiền, quyền có nhà ở hay quyền khám chữa bệnh miễn phí…, ngoài ra, cũng giống như các bản Hiến pháp trước, khái niệm “quyền con người” chưa được đề cập và làm rõ trong Hiến pháp năm 1980. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như sự ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa Liên Xô, quan niệm giản đơn, giáo điều về chủ nghĩa xã hội cũng như tinh thần lạc quan khi đánh giá tình hình kinh tế, xã hội lúc bấy giờ của nước ta.
Trên đây ACC đã đề cập đến quy định về Quyền con người theo Hiến pháp 1980. Trong quá trình tìm hiểu nếu có vấn đề thắc mắc xin vui lòng liên hệ website của Công ty Luật ACC để được giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận