Tâm lý học đại cương là môn khoa học nghiên cứu về các quy luật hoạt động tâm lý của con người, bao gồm các quá trình nhận thức, cảm xúc, hành vi và nhân cách. Môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tâm lý học, giúp họ hiểu được cách con người suy nghĩ, cảm nhận và hành động.
Nhận định đúng sai môn Tâm lý học đại cương (Có đáp án)
1. Người thính tai (tai tinh, nghe tốt) là người có ngưỡng cảm giác phía dưới cao về âm thanh.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Theo quy luật ngưỡng cảm giác thì muốn có cảm giác thì phải có kích thích. Tuy nhiên cường độ kích thích phải đạt đến độ nhất định mới có thể gây ra được cảm giác.
Quy luật này còn gọi là quy luật về tính nhạy cảm bởi lẽ khi nói đến tính nhạy cảm cao thì điều đó có nghĩa là chỉ cần cường độ kích thích nhỏ nhưng đã có thể có cảm giác. Ví dụ: người ta nói một người nào đó có đôi tai rất thính có nghĩa là với âm thanh khá nhỏ, trong khi người khá chưa nghe thấy thì người đó đã nghe thấy. Như vậy độ nhạy cảm càng cao thì có nghĩa là ngưỡng cảm giác càng thấp.
2. Đều là quá trình nhận thức cảm tính (phản ánh các thuộc tính bên ngoài của sự vật hiện tượng) nhưng cảm giác được đánh giá là mức độ phản ánh tâm lí cao hơn so với tri giác.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Cảm giác là quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ, bề ngoài của sự vật hiện tượng. Tri giác lại phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng mang tính ảnh hưởng trực tiếp. Cảm giác là tiền đề của tri giác. Tri giác sẽ quy định và cho phép những chiều hướng cảm giác có mức độ, thành phần. Do đó, tri giác là mức độ phản ánh tâm lý cao hơn so với cảm giác.
3. Xúc động có tính nhất thời và không ổn định còn tâm trạng thường tồn tại lâu dài hơn và có tính ổn định.
Nhận định trên là: ĐÚNG.
Vì: Xúc động mang tính chất nhất thời, không ổn định và phụ thuộc hầu như vào những yếu tố khách quan bên ngoài, còn tình cảm mang tính ổn định hơn.
Tâm trạng có thể hiểu đơn giản là một trạng thái cảm xúc. Trạng thái cảm xúc này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc một khoảng thời gian dài hơn. Đôi khi một người có thể ổn định với một tâm trạng cụ thể trong vài tuần. Tâm trạng có ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta cư xử.
4. Các thuộc tính tâm lí cá nhân là những hiện tượng tâm lí làm nền cho các quá trình tâm lí diễn ra ở các mức độ khác nhau.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành và khó thay đổi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. Trạng thái tâm lí thường đi kèm với các quá trình tâm lý khác và đóng vai trò là nền cho các quá trình tâm lí đó. Do đó, trạng thái tâm lý mới làm nền cho các quá trình tâm lí diễn ra ở các mức độ khác nhau.
5. Nhân cách là tổng hợp các thuộc tính tâm lý của một cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của cá nhân ấy.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của một cá nhân, biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của cá nhân ấy.
Sai ở chữ tổng hợp, dùng tổ hợp có nghĩa là những thuộc tính tâm lý hợp thành nhân cách có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, làm thành một hệ thống, một cấu trúc nhất định.
6. Nhân cách bao giờ cũng có tính ổn định.
Nhận định trên là: SAI
Vì: Nhân cách được hình thành và phát triển trong suốt cuộc đời một người thông qua hoạt động và giao lưu, nó tương đối khó hình thành và cũng khó mất đi.
Trong thực tế, từng nét nhân cách có thể biến đổi chuyển hoá nhưng nhìn một cách tổng thể thì chúng vẫn tạo thành một cấu trúc trọn vẹn của nhân cách, tương đối ổn định, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó của con người. Tuy nhiên nhân cách tương đối ổn định chứ không bất biến.
Do đó không phải nhân cách bao giờ cũng có tính ổn định mà chỉ tương đối ổn định.
7. Năng lực được coi là thuộc tính tâm lí ổn định nhất trong các thuộc tính tâm lí cấu thành nên nhân cách.
Nhận định trên là: ĐÚNG.
Vì: Năng lực là tổ hợp các thuộc tính tâm lí độc đáo của cá nhân, phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định. Mà thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành và khó thay đổi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. Do đó, năng lực được coi là thuộc tính ổn định nhất trong các thuộc tính tâm lí cấu thành nên nhân cách.
8. Tâm lí người có nguồn gốc từ bộ não.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Theo chủ nghĩa Macxit thì: Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ não người thông qua hoạt động của chủ thể. Tâm lí có nguồn gốc từ thế giới khách quan ( thế giới tự nhiên và xã hội) trong đó nguồn gốc xã hội là cái quyết định. Tâm lí chỉ là chức năng của não.
9. Người luôn luôn hành động độc lập, quyết đoán theo ý của riêng mình là người có ý chí.
Nhận định trên là: SAI.
Vì: Các phẩm chất của ý chí là: tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì và tính tự chủ.
Tính độc lập: là khả năng quyết định và thực hiện hành động đã dự định mà không chịu ảnh hưởng của một ai.
Tính quyết đoán: là khả năng đưa ra quyết định kịp thời và cứng rắn mà không có sự dao động không cần thiết.
Do đó, người có ý chí không phải luôn luôn hành động độc lập, quyết đoán theo ý của riêng mình mà đó chỉ là phẩm chất.
10. Khi ta đi từ chỗ sáng vào chỗ tối thì độ nhạy cảm của cảm giác nhìn tăng lên.
Nhận định trên là: ĐÚNG.
Vì: Cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích.
Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ kích thích: khi cường độ kích thích tăng thì độ nhạy cảm giảm và ngược lại, độ nhạy cảm tăng khi cường độ kích thích giảm. Ví dụ: khi đang ở chỗ sáng (cường độ kích thích mạnh), đi vào chỗ tối (cường độ kích thích yếu) thì lúc đầu ta không nhìn thấy gì, sau đó dần dần mới nhìn rõ mọi vật. Điều này là do độ nhạy cảm tăng dần.
Nội dung bài viết:
Bình luận