Quyền, nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng

tham nhũng là căn bệnh của bộ máy nhà nước gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Mọi thành viên trong xã hội đều có trách nhiệm tham gia tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các điều kiện tồn tại của tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn là quyền và nghĩa vụ của công dân. Vậy công dân có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong phòng, chống tham nhũng.

Phòng Chống Tham Nhũng

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng:

Căn cứ theo quy định tại Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định cụ thể như sau:

1. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Như vậy thông qua quy định này ta thấy pháp luật về phòng chống tham nhũng quy định rõ về trách nhiệm của công dân trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia phòng, chống tham nhũng. Công dân có thể tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng bằng việc trực tiếp thực hiện quyền tố cáo của mình hoặc thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Theo đó, công dân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng. Phản ánh với Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên về hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng để Ban thanh tra nhân dân, tổ chức đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh vụ việc tham nhũng khi được yêu cầu.

Khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người tố cáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập do việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Công dân được quyền tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên. Nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình có quyền phản ánh với Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoặc ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nơi mình cư trú hoặc làm việc. Ban thanh tra nhân dân là một tổ chức để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở địa phương, cơ sở.

Việc phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng phải khách quan, trung thực. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, xem xét và kiến nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc giải quyết đó.

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của công dân về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng xem xét và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi nhận được thông báo kết quả giải quyết vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho công dân đã có ý kiến phản ánh biết.

2. Vai trò của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm trong đấu tranh PCTN.

Để góp phần quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng cần phải tích cực hơn nữa trong thực hiện quyền tố cáo và các quyền dân chủ ở cơ sở của Nhân dân. Trước hết, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, của công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tham nhũng, quan liêu. Việc bảo đảm quyền làm chủ thật sự của Nhân dân sẽ đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng. Điều quan trọng bậc nhất là phải làm cho người dân hiểu rõ mục đích của việc thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình và của toàn xã hội.

Hiện nay, trong các tầng lớp nhân dân không phải ai cũng hiểu đúng về các quy định của pháp luật về KNTC, quyền công dân, quyền dân chủ, về thực hiện các quyền làm chủ của mình. Bên cạnh đó, ý thức và nhận thức về quyền công dân, quyền làm chủ của người dân nhiều nơi còn hạn chế. Vì thế, bằng những quy định cụ thể làm cho người dân có ý thức, có khả năng, có trách nhiệm thực hiện các quyền công dân, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế và pháp luật về quyền công dân, quyền dân chủ để tạo điều kiện cho Nhân dân đấu tranh PCTN có hiệu quả.

Những ý kiến của Nhân dân là những đóng góp, phát hiện từ thực tế sinh động của cuộc sống để xây dựng, thực thi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy, Nhà nước cần cụ thể hóa các quyền công dân, quyền dân chủ bằng những quy định rất cụ thể những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng để Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình với tư cách là chủ thể của xã hội. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin đến người dân.

Do đó, khi soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách, nhất là khi thực hiện các chương trình, dự án… phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân, làm cho các văn bản, các chính sách, chủ trương, dự án được công khai, minh bạch. Tạo mọi điều kiện cho người dân có quyền dân chủ bàn bạc, quyết định những công việc thiết thực ở cơ sở, như: quyết định và theo dõi các khoản thu, chi do Nhân dân đóng góp; giám sát các công trình xây dựng, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước…

Cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung cơ chế giám sát của người dân, khắc phục những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật. Đặc biệt, những quy định về tiền vốn Nhà nước, đóng góp của Nhân dân lại càng phải được giám sát chặt chẽ.  Từ đó mới thực sự khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong lao động và là cơ sở để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu.

Cần có thêm nhiều hình thức tiếp thu rộng rãi hơn sự phản ánh, phát hiện của Nhân dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức để kịp thời đấu tranh PCTN như: thiết lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân… Cần chỉ ra những việc cán bộ, đảng viên không được làm và công khai những điều này cho Nhân dân biết để Nhân dân giám sát, góp ý và thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm của dân.

Sửa đổi những quy định trong Quy chế Dân chủ ở cơ sở, và sớm luật hóa Quy chế này, bổ sung những quy định cần thiết, từ đó tích cực đưa việc thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống. Kịp thời bổ sung những chế tài nghiêm khắc đối với những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo và các quyền dân chủ của công dân.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền tố cáo, quyền dân chủ của Nhân dân.

Để thực hiện có hiệu quả quyền tố cáo, quyền dân chủ của Nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, nhất thiết phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp.

Sự lãnh đạo của Đảng hướng vào mục tiêu phải đạt được hiệu quả trong cuộc đấu tranh PCTN. Ở những nơi có biểu hiện vi phạm dân chủ nghiêm trọng, tệ quan liêu, tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải thật sự kiên quyết; có cơ chế lãnh đạo phù hợp. chế tài phù hợp, chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, của tổ chức Đảng đối với việc bảo đảm điều kiện để Nhân dân thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ của mình, góp phần đấu tranh PCTN có hiệu quả. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời các nội dung, các mục tiêu thực hiện quyền công dân, quyền dân chủ trong đấu tranh PCTN của Nhân dân.

Trên đây là bài viết về Quyền, nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng. Công ty Luật ACC tự hào là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, thủ tục giấy tờ cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp trên Toàn quốc với hệ thống văn phòng tại các thành phố lớn và đội ngũ công tác viên trên tất cả các tỉnh thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tp. Cần Thơ... Liên hệ với chung tôi ngay hôm nay để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo