Đối với doanh nghiệp và các kế toán viên, việc kê khai thuế đã trở thành công việc quen thuộc và thường xuyên thực hiện, tuy nhiên đối với cá nhân, hộ kinh doanh thì việc kê khai thuế trở nên không dễ dàng và gặp nhiều trở ngại không chỉ trong các thủ tục kê khai mà còn là sự thiếu hụt hiểu biết về các quy định pháp luật về thuế. ACC chia sẻ bài viết Mức phạt chậm kê khai thuế hộ kinh doanh theo pháp luật nhằm giúp cho hộ kinh doanh có cái nhìn tổng quan về các quy định trong xử phạt chậm kê khai thuế, từ đó chủ động hơn trong việc kê khai thuế tránh tình trạng chậm kê khai dẫn đến bị xử phạt.

Mức phạt chậm kê khai thuế hộ kinh doanh theo pháp luật
1. Quy định đóng thuế đối với Hộ kinh doanh
Theo quy định của Điều 33 Luật quản lý thuế 2019 thì kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong thời hạn 10 ngày làm việc hộ kinh doanh phải nộp hồ sơ đăng ký thuế lên cơ quan thuế.
Theo đó, hộ kinh doanh phải nộp 3 loại thuế chính sau: Lệ phí môn bài nộp theo mức thu nhập tháng; thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Các loại thuế phí này nộp căn cứ vào doanh thu hàng năm.
Ngoài các loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.
2. Mức xử phạt chậm kê khai thuế đối với hộ kinh doanh
Mức xử phạt chậm kê khai thuế đối với hộ kinh doanh được căn cứ theo quy định tại Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
Khi hộ kinh doanh chậm kê khai thuế cho cơ quan nhà nước, ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định trên thì bên cạnh đó, hộ kinh doanh còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi: Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp và không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh
Căn cứ theo quy định tại Điều 44, Luật quản lý thuế 2019 về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì:
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
Ngoài ra, hiện nay Chính phủ quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền sử dụng đất; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiền thuê đất, thuê mặt nước ; lệ phí trước bạ; lệ phí môn bài; khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.
Trường hợp người nộp thuế khai thuế thông qua giao dịch điện tử trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng gặp trường hợp cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố thì người nộp thuế phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tiếp tục hoạt động.
4. Nơi nộp thuế đối với hộ kinh doanh
Các hộ kinh doanh có thể nộp thuế tại cổng thông tin dịch vụ công hoặc các cơ quan có chức năng thu thuế tại địa phương nơi mình sinh sống.
Như vậy, bài viết Mức phạt chậm kê khai thuế hộ kinh doanh theo pháp luật đã tổng hợp các quy định về mức xử phạt đối với hành vi chậm kê khai thuế của hộ kinh doanh. Theo đó, việc xử phạt hành vi chậm kê khai thuế của hộ kinh doanh tùy thuộc vào từng loại thuế và thời gian chậm nộp mà có các quy định xử phạt khác nhau. ACC luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bạn đọc và khách hàng giải đáp thắc mắc và giải quyết bất kỳ các vấn đề liên quan đến kê khai thuế. Hãy liên hệ đến chúng tôi qua địa chỉ: http://accgroup.vn/. ACC là điểm tựa pháp lý vững chắc cho mọi khách hàng.
Nội dung bài viết:
Bình luận