Ly hôn là một trong những quyết định khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ chồng mà còn tác động sâu sắc đến con cái. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong quá trình ly hôn là việc phân chia tài sản chung và cách xử lý tài sản này để đảm bảo quyền lợi cho con cái. Liệu tài sản chung của vợ chồng có thể để lại cho con sau khi ly hôn hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Khi ly hôn tài sản chung để lại cho con có được không?
1. Có bắt buộc chia tài sản chung khi ly hôn không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi ly hôn, vợ chồng không bắt buộc phải chia tài sản chung nếu cả hai đồng thuận với việc giữ nguyên hoặc có thoả thuận khác liên quan đến tài sản chung.
Cụ thể, Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định thì: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Từ quy định trên ta thấy, pháp luật không bắt buộc phải chia tài sản chung của hai vợ chồng khi ly hôn, mà nó phụ thuộc hoàn toàn vào sự thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ phân chia tài sản dựa trên các yếu tố như công sức đóng góp của mỗi bên, hoàn cảnh gia đình, và bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên. Việc chia tài sản chung khi ly hôn là không bắt buộc phải diễn ra ngay lập tức mà có thể được giải quyết thông qua quá trình thỏa thuận hoặc xét xử tại tòa án.
*Lưu ý: Tòa án chỉ giải quyết khi một trong hai bên có yêu cầu phân chia và không thỏa thuận được với nhau về tài sản.Các bên nên tự thỏa thuận phân chia tài sản để tiết kiệm được tiền án phí, rút ngắn được thời gian giải quyết vụ việc ly hôn tại tòa án. Chỉ nên phân chia khi các bên không thể thỏa thuận được với nhau về cách thức phân chia.
2. Khi ly hôn tài sản chung để lại cho con có được không?
Theo Điều 38, Điều 55, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản.
Nếu cha mẹ có thỏa thuận chia tài sản chung của mình cho con khi ly hôn, thì con được quyền hưởng phần tài sản đó.Việc để lại tài sản chung cho con có thể được thực hiện thông qua việc lập văn bản thỏa thuận giữa hai vợ chồng hoặc thông qua quyết định của tòa án nếu cả hai bên không thể thỏa thuận. Trong trường hợp này, tài sản sẽ được chuyển quyền sở hữu cho con, nhưng cần lưu ý rằng việc này phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quyền thừa kế, tặng cho, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con cái, đặc biệt là nếu con chưa đủ tuổi thành niên theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
*Lưu ý: Trường hợp cha mẹ không có thoả thuận hoặc thoả thuận không thành (tức một trong hai bên không đạt được thoả thuận trong việc chia tài sản chung của mình cho con) thì tài sản chung sẽ được chia theo quyết định của toà án.
3. Con trên 18 tuổi có cần phải chu cấp nữa không?
Con trên 18 tuổi có cần phải chu cấp nữa không?
Theo quy định pháp luật, trách nhiệm chu cấp của cha mẹ đối với con cái thường kết thúc khi con đủ 18 tuổi hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Cụ thể, Điều 110 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái như sau:“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”
Và Khoản 2 điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định sau khi ly hôn thì “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.
Như vậy, trong trường hợp bình thường thì khi con của bạn đã 18 tuổi thì bạn sẽ không bắt buộc có nghĩa vụ bắt buộc phải cấp dưỡng nuôi con nữa.Bởi theo Bộ Luật dân sự thì người từ đủ 18 tuổi là người đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự mình tham gia, xác lập, thực hiện, hưởng các quyền và tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ pháp lý trong các quan hệ pháp luật.Họ hoàn toàn có đủ khả năng tham gia lao động phổ thông để có thu nhập nuôi sống bản thân và đương nhiên sẽ không nhận được tiền cấp dưỡng từ người bố hoặc mẹ đã ly hôn nữa.
Tuy nhiên, trường hợp con đã đủ tuổi thành niên nhưng rơi vào trường hợp khuyết tật, mất khả năng lao động thì cha, mẹ vẫn phải tiếp tục nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi nào người con không còn trong tình trạng này nữa.
4. Một số câu hỏi liên quan thường gặp
Nếu một trong hai bên không đồng ý để lại tài sản chung cho con thì phải làm sao?
Trong trường hợp này, tài sản sẽ được chia theo quy định pháp luật, và việc để lại tài sản cho con chỉ có thể thực hiện nếu cả hai bên đạt được thỏa thuận hoặc có quyết định của tòa án.
Tài sản chung để lại cho con có phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu không?
Có, tài sản chung để lại cho con phải được thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định pháp luật về tặng cho, thừa kế, hoặc các hình thức chuyển nhượng khác.
Con dưới 18 tuổi có được đứng tên tài sản không?
Con dưới 18 tuổi có thể đứng tên tài sản nhưng việc quản lý tài sản này sẽ do người đại diện hợp pháp của con thực hiện cho đến khi con đủ tuổi trưởng thành.
Việc xử lý tài sản chung khi ly hôn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của cả vợ chồng và con cái. Nếu có ý định để lại tài sản chung cho con, vợ chồng cần thảo luận và thỏa thuận rõ ràng, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Điều này không chỉ giúp tránh những tranh chấp không đáng có mà còn đảm bảo sự ổn định cho con cái trong tương lai.
Nội dung bài viết:
Bình luận