Trong nhiều trường hợp, người dân muốn thực hiện việc tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên họ lo sợ bị trả thù, do đó họ gửi đơn tố cáo nặc danh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy đơn tố cáo nặc danh có được giải quyết không? Bài viết dưới đây sẽ trả lời chi tiết thắc mắc này của bạn đọc.
1. Quy định về việc tiếp nhận đơn tố cáo
Theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018 thì việc tiếp nhận đơn tố cáo phải thực hiện như sau:
Yêu cầu đối với đơn tố cáo trong trường hợp cá nhân thực hiện tố cáo bằng đơn:
- Ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo;
- Ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo;
- Ghi rõ hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; ghi rõ các thông tin về người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
- Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
- Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Đối với trường hợp thực hiện tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
- Người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, nội dung của đơn hoặc văn bản giống với trường hợp tố cáo bằng đơn tố cáo.
- Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.
2. Quy định về xử lý ban đầu thông tin tố cáo
Theo quy định tại Điều 24 Luật Tố cáo 2018 thì việc xử lý bản đầu thông tin tố cáo được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo.
Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc từ ngày nhận được tố cáo.
Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.
3. Đơn tố cáo nặc danh có giải quyết không?
Theo quy định tại Điều 25 Luật Tố cáo 2018 , thì việc tiếp nhận và xử lý thông tin có nội dung tố cáo được thực hiện như sau:
Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nộp đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.
Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Như vậy, đối với những đơn tố cáo nặc danh (không có tên và thông tin liên hệ của người tố cáo) mà có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận đơn để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra. Ngược lại, nếu đơn tố cáo nặc danh có nội dung không rõ ràng, không có căn cứ xác minh, không có chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối tiếp nhận và giải quyết đơn.
Kết luận: Nếu người tố cáo muốn nặc danh để tố cáo và mong muốn đơn tố cáo nặc danh được giải quyết thì trong đơn tố cáo phải chứa các nội dung rõ ràng về sự việc mà mình muốn tố cáo, đồng thời kèm theo đơn tố cáo phải có các tài liệu, chứng cứ để chứng minh tính chính xác của các nội dung trong đơn tố cáo và để cơ quan có thẩm quyền có thể xác minh nội dung tố cáo.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi cho câu hỏi “Đơn tố cáo nặc danh có được giải quyết không?”. Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này hay trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật, bạn đọc còn có các thắc mắc hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý hỗ trợ bạn trong việc giải quyết các khó khăn, hãy liên hệ đến công ty Luật ACC để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và cụ thể nhé!
Nội dung bài viết:
Bình luận