Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức khi vi phạm hành chính, được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, không phải cá nhân, tổ chức  nào cũng tự nguyện chấp hành theo đúng mức hình phạt của quyết định xử phạt hành chính đưa ra. Theo đó, sẽ có những cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền buộc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đó. Vậy việc Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào theo quy định của pháp luật, Luật ACC sẽ cùng bạn đọc làm rõ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé.

Cưỡng Chế Thi Hành Quyết định Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1/ Khi nào cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế?

Căn cứ Khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính  được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính ;

- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính .

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 166/2013/NĐ-CP cũng quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc một trong các trường hợp sau đây không tự nguyện chấp hành, bao gồm:

- Quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

2/ Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020, quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

2.1/ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập:

Căn cứ vào Điều 11 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập cụ thể như sau:

- Đối tượng áp dụng:

Theo Điều 8 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định 02 đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, bao gồm:

+ Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.

+ Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

- Tỷ lệ khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân:

Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần, tỷ lệ như sau:

+ Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng.

+ Đối với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập.

2.2/ Khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm:

- Đối tượng áp dụng:

Theo Điều 13 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

- Thủ tục thu tiền khấu trừ:

+ Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định hiện hành. Chứng từ thu sử dụng để khấu trừ tiền lương hoặc thu nhập được gửi cho các bên có liên quan.

+ Sau khi thu tiền, Kho bạc Nhà nước nơi nhận tiền khấu trừ có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

2.3/ Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá:

- Đối tượng áp dụng: Căn cứ Điều 18 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá gồm:

+ Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.

+ Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.

Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

- Những tài sản không được kê biên:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, có 9 loại tài sản không được kê biên như sau:

- Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.

- Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

- Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

- Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

- Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.

- Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.

2.4/ Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản:

Việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác (sau đây gọi chung là bên thứ ba) đang giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 28 Nghị định 166/2013/NĐ-CP , cụ thể:

- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2 và 3 Chương II Nghị định 166/2013/NĐ-CP nêu trên nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền phạt, chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế.

- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có căn cứ xác định bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

 

Trong trường hợp quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, cá nhân, tổ chức có thể bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020.

3/ Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm những người sau đây:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

- Trưởng đồn Công an, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động;

- Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư;

- Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;

- Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia;

- Các chức danh quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 46 của Luật này;

- Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng không, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa;

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng;
- Kiểm toán trưởng;

- Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

4. Nguyên tắc cưỡng chế hành chính

Ở Việt Nam, việc sử dụng phương pháp cưỡng chế đòi hỏi phải tuân theo những nguyên tắc quan trọng sau:

– Chỉ áp dụng cưỡng chế khi nào thuyết phục không hiệu quả.

– Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hi nào có quyết định cụ thể và rõ ràng, tuân theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục.

– Khi cần thiết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì phải lựa chọn các biện pháp mang đến thiệt hại ở mức thấp nhất cho đối tượng bị áp dụng.

– Ngay cả khi áp dụng cưỡng chế vẫn phải tiến hành thuyết phục để tạo điều kiện cho đối tượng quản lý tự giác chấp hành các mệnh lệnh của chủ thể quản lý.

Bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình tìm hiểu, nếu bạn có thắc mắc pháp lý liên quan hãy liên hệ trực tiếp với ACC để được giải đáp kịp thời và chi tiết nhé.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo