Cổ phiếu ưu đãi là loại chứng khoán có tính chất giống cổ phiếu thường nhưng mang đến cho nhà đầu tư những quyền ưu tiên hơn, đồng thời cũng hạn chế một số quyền lợi nhất định. Vậy cổ phiếu ưu đãi là gì? Có nên đầu tư không?
1. Cổ phiếu ưu đãi là gì?
Cổ phiếu ưu đãi hay cổ phần ưu đãi là loại chứng khoán có tính chất tương tự cổ phiếu thường nhưng sẽ đem tới cho người sở hữu một số ưu đãi nhất định. Người sở hữu cổ phiếu này cũng trở thành cổ đông của công ty nhưng được gọi là cổ đông ưu đãi.
Tùy thuộc vào loại cổ phần ưu đãi sở hữu, cổ đông ưu đãi được hưởng những lợi thế nhất định so với cổ đông thường như được hưởng mức cổ tức cao hơn hay được quyền biểu quyết cao hơn. Trường hợp công ty phá sản và thanh lý tài sản, cổ đông ưu đãi được ưu tiên trả trước cổ đông thường nhưng phải xếp sau người sở hữu trái phiếu.
2. Các loại cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi gồm 4 loại bao gồm: Cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và cổ phiếu ưu đãi khác được quy định bởi Điều lệ công ty.
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức là cổ phiếu được trả mức cổ tức cao hơn cổ phiếu thường. Cổ tức của loại cổ phiếu ưu đãi này gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng.
Trong đó, mức cổ tức cố định được nhận hàng năm không phông phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức không được tham dự Họp hội đồng cổ đông, không có quyền biểu quyết các vấn đề công ty, không được đề cử người vào các vị trí trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết là loại cổ phiếu có số phiếu biểu quyết cao hơn so với cổ phiếu thường. Số phiếu biểu quyết này được quy định trong Điều lệ công ty. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi biểu quyết không được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Chỉ có Tổ chức Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập mới có quyền nắm giữ và nhận chuyển nhượng cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nghĩa là, trong thời gian 3 năm cổ đông nắm giữ không được chuyển nhượng cổ phiếu cho bất kỳ ai. Sau thời gian này, cổ đông có thể chuyển nhượng hoặc chuyển đổi thành cổ phiếu thường.
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại là cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ có quyền yêu cầu công ty hoàn lại vốn góp của họ vào bất kỳ thời điểm nào dựa theo thỏa thuận ghi trên cổ phiếu. Tuy nhiên, người sở hữu không được dự họp Hội đồng cổ đông, không có quyền biểu quyết, không được đề cử người nắm giữ vị trí trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Cổ phiếu ưu đãi khác quy định theo điều lệ công ty
Ngoài 3 loại cổ phiếu ưu đãi kể trên, các cổ đông của công ty có thể thỏa thuận phát hành thêm một loại cổ phiếu ưu đãi khác cho cổ đông tùy thuộc vào tình hình hoạt động của công ty. Quy định cụ thể về loại cổ phiếu này ghi trong Điều lệ công ty.
3. So sánh cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi
Để hiểu thêm sự khác biệt giữa cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi, mời bạn tham khảo thông tin dưới đây.
Điểm giống
- Cả hai đều là một loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành thông qua Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán nhà nước.
- Người sở hữu cả hai loại cổ phiếu đều trở thành cổ đông của công ty.
- Đều là hình thức góp vốn của cổ đông vào công ty với thời hạn trung và dài hạn.
- Người sở hữu đều được nhận phần lợi nhuận công ty chia cho cổ đông hàng năm dưới hình thức trả cổ tức.
- Cổ đông không được hoàn trả vốn đã góp (trừ trường hợp cổ phần ưu đãi hoàn lại).
- Cổ đông phải chịu mọi trách nhiệm trên vốn góp.
Điểm khác nhau
Điểm khác nhau được thể hiện qua bảng dưới đây:
Tiêu chí | Cổ phiếu thường | Cổ phiếu ưu đãi |
Điều lệ công ty | Công ty cổ phần bắt buộc phải phát hành cổ phiếu thường. | Không bắt buộc phát hành. |
Cổ tức | Mức cổ tức thấp hơn cổ tức của cổ phần ưu đãi cổ tức.Thay đổi theo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.Cổ đông nhận cổ tức sau cổ đông ưu đãi. | Cổ tức cố định hàng năm và mức cổ tức cao hơn cổ phiếu thường (chỉ với cổ phần ưu đãi cổ tức).Không bị thay đổi theo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty (chỉ với cổ phần ưu đãi cổ tức).Được trả cổ tức trước cổ đông thường. |
Quyền biểu quyết | Số phiếu biểu quyết tương ứng với số lượng cổ phiếu. | Cổ phần ưu đãi biểu quyết có số phiếu biểu quyết cao hơn cổ phiếu thường.Các cổ phần ưu đãi còn lại không có quyền biểu quyết. |
Quyền chuyển nhượng | Được chuyển nhượng tự do cho nhà đầu tư khác. | Không được chuyển nhượng tự do cho nhà đầu tư khác (chỉ đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết).Cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại được tự do chuyển nhượng cho người khác |
Khả năng chuyển đổi | Không thể chuyển đổi cổ phiếu thường thành cổ phần ưu đãi. | Có thể chuyển đổi thành cổ phiếu thường (riêng cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ được phép chuyển đổi sau khi hết thời hạn 3 năm). |
Mức độ ưu tiên thu hồi tài sản khi công ty phá sản | Được nhận tiền thanh lý tài sản cuối cùng | Được nhận tiền thanh lý tài sản trước cổ đông thường nhưng sau người nắm giữ trái phiếu. |
Cổ phiếu ưu đãi không phải loại cổ phiếu bắt buộc phát hành đối với công ty cổ phần. Nó cũng không được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Do đó, bạn không thể mua cổ phiếu ưu đãi giống như cách mua cổ phiếu thông thường. Muốn mua loại cổ phiếu này người mua phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.Hướng dẫn cách đăng ký mua cổ phiếu ưu đãi
4. Câu hỏi thường gặp
Mua cổ phiếu ưu đãi như thế nào?
Thông thường, các công ty chỉ bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông của công ty. Tức là, bạn phải sở hữu một số lượng cổ phiếu thường nhất định mới có quyền mua loại cổ phiếu này. Số lượng cổ phiếu thường này được quy định dựa theo quy định của từng công ty. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để cổ đông hiện tại mua được cổ phiếu ưu đãi là công ty phải phát hành loại cổ phiếu này.
Khi bạn có đủ số lượng cổ phiếu thường theo quy định, bạn phải đăng ký quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Sau khi có quyền mua này bạn mới mua được nó, mức giá mua thường thấp hơn giá hiện hành. Có 2 hình thức mua là mua trực tiếp tại công ty phát hành và mua gián tiếp qua các công ty môi giới chứng khoán như VNDIRECT, VPS, VCBS, MBS, BVSC…
Đăng ký mua cổ phiếu ưu đãi
Để phát hành nhanh chóng và đúng nghiệp vụ, các doanh nghiệp phát hành sẽ kết nối với công ty môi giới chứng khoán. Muốn đăng ký mua cổ phiếu ưu đãi, người mua cần đăng ký quyền mua cổ phiếu tại các công ty môi giới này. Có 4 hình thức đăng ký mua như sau:
- Mua bằng tiền mặt: Người mua mang theo Chứng minh thư/Căn cước công dân và tiền mặt đến trụ sở giao dịch công ty môi giới chứng khoán. Sau đó tiến hành nộp hồ sơ và tiền để thực hiện quyền mua cổ phần ưu đãi.
- Mua qua chuyển khoản: Người mua chuyển đúng số tiền mua cổ phiếu vào tài khoản ký quỹ của công ty môi giới chứng khoán.
- Mua qua tổng đài: Với cách này, bạn cần đăng ký giao dịch qua tổng đài của công ty môi giới trước khi thực hiện giao dịch. Sau đó tiến hành gọi điện đến tổng đài và làm theo hướng dẫn.
- Mua online: Bạn thực hiện giao dịch trên nền tảng ứng dụng của công ty môi giới chứng khoán phát hành.
Tại sao doanh nghiệp lại phát hành cổ phiếu ưu đãi?
Cổ phiếu ưu đãi được phát hành trong một vài trường hợp đặc biệt. Cổ đông ưu đãi được hưởng một số quyền lợi cao hơn so với cổ đông thường.
Cổ phiếu ưu đãi khi nào được bán?
Cổ phiếu này được công ty bán ra thị trường trong một số trường hợp dưới đây:
- Tạo điều kiện dễ dàng thu hút thêm nguồn vốn mới: Phát hành thêm cổ phiếu, lượng vốn điều lệ tăng lên khiến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm. Việc này hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tiềm năng giúp công ty dễ dàng thu hút thêm nguồn vốn mới.
- Công ty cần thêm nguồn tài chính: Trường hợp này các công ty thường phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoặc hoàn lại, vừa giúp tăng vốn, vừa không làm giảm quyền kiểm soát công ty của các cổ đông khác.
- Công ty muốn mua lại cổ phiếu trong tương lai: Đối với cổ phần ưu đãi hoàn lại, trong tương lai công ty có thể dễ dàng mua lại cổ phần này nếu số vốn dùng để chi trả cổ tức tăng cao.
Ví dụ về cổ phiếu ưu đãi
Để hiểu hơn về các loại cổ phiếu được ưu đãi, mời bạn tham khảo ví dụ dưới đây:
Ví dụ 1: Công ty Cổ phần A có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, mệnh giá mỗi cổ phiếu quy định là 10.000 đồng. Như vậy số lượng cổ phiếu của công ty A là 100 triệu cổ phiếu. Trong đó, công ty quy định có 20% là cổ phần ưu đãi biểu quyết dành riêng cho các cổ đông sáng lập, mỗi cổ phiếu này tương ứng với 5 phiếu bầu. Như vậy, các cổ đông sáng lập giữ 20 triệu cổ phiếu, nắm giữ 20 triệu x 5 = 100 triệu phiếu bầu, áp đảo so với 80 triệu phiếu bầu của 80 triệu cổ phiếu thường còn lại.
Ví dụ 2: Công ty Cổ phần B có 3 cổ đông là A, B và C. Cổ đông A đóng góp 40% cổ phần, cổ đông B và C mỗi người góp 30% cổ phần. Trong đó, cổ phiếu của A và B là cổ phiếu thường, cổ phiếu của C là cổ phần ưu đãi cổ tức, mức hưởng cổ tức gấp 2 lần cổ phiếu thường. Trong năm nay, số tiền chia cổ tức là 130 triệu đồng. Số cổ tức A, B, C nhận được lần lượt là 40 triệu đồng, 30 triệu đồng và 60 triệu đồng.
Ví dụ 3: Công ty Cổ phần C do cần thêm vốn đầu tư dự án nên phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại có giá trị 20 tỷ đồng, quy định có thể hoàn lại trong thời gian 2 năm. Như vậy, công ty C có thêm vốn đầu tư dự án mà không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của các cổ đông hiện tại.
Đầu tư cổ phiếu ưu đãi là lựa chọn có lợi cho nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, khoản đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn không tìm hiểu rõ tình trạng hoạt động của công ty. Nếu nguồn vốn thêm không được sử dụng hiệu quả, giá cổ phiếu có nguy cơ sụt giảm. Vì vậy, nhà đầu tư hãy cẩn trọng hơn khi tham gia đầu tư loại cổ phiếu này.
XEM THÊM:>>>Cổ phiếu trái phiếu là gì? (Cập nhật mới nhất 2022)
Nội dung bài viết:
Bình luận