Thị trường trái phiếu của nước ta được hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Hiện nay, thị trường trái phiếu đã và đang trên đà phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp. Các chế độ pháp lý điều chỉnh cho hoạt động của thị trường trái phiếu đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ cấp trên đến cấp dưới. Trong đó trái phiếu chính phủ là thị trường đóng vai trò quan trọng trong thị trường trái phiếu. Vậy các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ được quy định ra sao? Mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ
1. Thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu được biết đến là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán trái phiếu giữa các nhà đầu tư, tổ chức phát hành hoặc trung gian môi giới. Đây là nơi các tổ chức phát hành công cụ trái phiếu để thực hiện việc huy động vốn cho hoạt động của mình.
Người nắm giữ trái phiếu được gọi là trái chủ, bên phát hành có trách nhiệm trả lãi cho trái chủ cùng với toàn bộ số vốn vào thời điểm đáo hạn.
Thị trường trái phiếu được chia thành rất nhiều loại phù hợp với từng đặc điểm và chức năng của nó. Tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư mà có thể chọn và sở hữu loại trái phiếu phù hợp với mục tiêu đầu tư đã đề ra.
Đặc điểm của trái phiếu
- Trái phiếu có kỳ hạn: Mỗi trái phiếu được phát hành đều có quy định kỳ hạn cụ thể. Trái phiếu có thể là ngắn hạn (từ 01 đến 05 năm), trung hạn (từ 05 đến 12 năm) và dài hạn (từ 12 đến 30 năm).
- Trái phiếu có mệnh giá niêm yết là 100.000 VNĐ và bội số của 100.000 VNĐ nếu phát hành tại thị trường Việt Nam. Giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi sự thay đổi lãi suất trên thị trường.
- Trái chủ nhận được lợi tức cố định đối với các trái phiếu đã quy định trước mức lãi suất áp dụng trên trái phiếu.
- Trái chủ được ưu tiên thanh toán tài sản thanh lý nếu tổ chức phát hành bị phá sản.
- Trái chủ không có quyền biểu quyết, tác động đến quyết định của công ty phát hành.
Hiện nay, trên thị trường có 5 loại thị trường trái phiếu phổ biến như sau:
- Thị trường trái phiếu chính phủ
- Thị trường trái phiếu chính phủ bảo lãnh
- Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Thị trường trái phiếu quốc tế
2. Trái phiếu chính phủ
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP quy định về khái niệm trái phiếu chính phủ, theo đó Trái phiếu Chính phủ được hiểu là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
Như vậy, có thể thấy rằng, trái phiếu trong thị trường trái phiếu chính phủ được phát hành với mục đích chính là huy động vốn cho ngân sách nhà nước và là nơi để chính phủ thực hiện biện pháp quản lý lượng tiền trên thị trường, chống lại tình trạng lạm phát nếu xảy ra.
Hình thức ban đầu của trái phiếu chính phủ áp dụng phổ biến là hình thức chứng chỉ, sau đó xuất hiện thêm hình thức bút toán ghi sổ. Hiện nay, có 03 loại trái phiếu Chính phủ đó là:
- Tín phiếu kho bạc
- Trái phiếu kho bạc
- Công trái xây dựng Tổ quốc
Lãi suất trái phiếu Chính phủ được hiểu là tỷ lệ phần trăm dựa giá trị mệnh giá trái phiếu mà chủ sở hữu được hưởng. Theo đó vào các kỳ trả lãi theo như điều kiện, điều khoản của trái phiếu mà chủ sở hữu đang năm giữ nhà phát hành phải thanh toán theo tỉ lệ lãi hàng năm đã được quy định.
Hiện nay, lãi xuất trái phiếu Chính phủ sẽ được thông báo khi trên trang điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán và khi người sở hữu mua được trái phiếu Chính phủ thì lãi suất trái phiếu sẽ được ghi trên trái phiếu mà nhà đầu tư – nhà tạo lập thị trường sở hữu.
3. Các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ
Chủ thể đại diện phát hành trái phiếu chính phủ chính là Bộ tài chính. Sau khi quyết định, Kho bạc Nhà nước sẽ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra công chúng. Các thông tin gồm có: Khối lượng phát hành dự kiến, kỳ hạn, lãi suất,… Những thông tin này giúp các nhà đầu tư chủ động nguồn vốn để tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu.
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì Trái phiếu chính phủ được phát hành theo 03 phương thức sau đây: đấu thầu, bảo lãnh hoặc bán lẻ.
3.1. Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ
Theo Điều 15 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, phương thức đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định như sau:
- Đấu thầu phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu.
- Nguyên tắc tổ chức đấu thầu:
- Giữ bí mật mọi thông tin dự thầu của đối tượng tham gia đấu thầu.
- Thực hiện công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tượng tham gia đấu thầu.
- Đối tượng tham gia đấu thầu bao gồm:
- Nhà tạo lập thị trường theo quy định.
- Các đối tượng được mua trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu thông qua các nhà tạo lập thị trường gồm: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được mua công cụ nợ của Chính phủ với khối lượng không hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện được mua công cụ nợ của Chính phủ thông qua việc ủy thác cho tổ chức quản lý quỹ thực hiện;
- Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được mua công cụ nợ của Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Hình thức đấu thầu được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:
- Đấu thầu cạnh tranh lãi suất;
- Đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất. Trường hợp phiên đấu thầu được tổ chức theo hình thức này, tổng khối lượng trái phiếu phát hành không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu trong phiên đấu thầu.
- Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo một trong hai phương thức là: đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá. Căn cứ vào sự phát triển của thị trường, Bộ Tài chính quyết định phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá trong từng thời kỳ.
- Chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính.
3.2. Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ
Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 16 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:
- Bảo lãnh phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành bao gồm:
- Tổ chức bảo lãnh chính và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh chính;
- Tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh phát hành.
- Điều kiện làm tổ chức bảo lãnh chính:
- Các tổ chức tài chính có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh chứng khoán theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán;
- Có phương án bảo lãnh phát hành khả thi đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.
- Quy trình bảo lãnh phát hành trái phiếu được thực hiện như sau:
- Căn cứ yêu cầu của từng đợt bảo lãnh phát hành, điều kiện của tổ chức bảo lãnh chính, Kho bạc Nhà nước lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cho từng đợt bảo lãnh phát hành.
- Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành/đồng bảo lãnh phát hành, báo cáo Kho bạc Nhà nước chấp thuận.
- Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin cơ bản về đợt phát hành để tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh tìm kiếm nhà đầu tư. Nội dung cung cấp thông tin bao gồm: khối lượng dự kiến phát hành, kỳ hạn dự kiến phát hành, định hướng lãi suất đối với từng kỳ hạn phát hành, thời gian dự kiến phát hành.
- Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và thành viên của tổ hợp bảo lãnh tổng hợp nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư gồm: khối lượng dự kiến mua, khối lượng mua chắc chắn và lãi suất kỳ vọng đối với từng kỳ hạn gửi Kho bạc Nhà nước.
- Kho bạc Nhà nước đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính về khối lượng, điều kiện, điều khoản của trái phiếu (kỳ hạn, lãi suất phát hành ngày phát hành, ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, giá bán trái phiếu), chi phí bảo lãnh và các nội dung liên quan khác.
- Căn cứ kết quả đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính để bán trái phiếu. Hợp đồng bảo lãnh phát hành là căn cứ pháp lý xác nhận các quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính; quyền, nghĩa vụ của Kho bạc Nhà nước.
- Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm phân phối trái phiếu theo cam kết tại hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không phân phối hết trái phiếu, tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm mua hết khối lượng còn lại.
- Kết thúc đợt bảo lãnh phát hành, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư theo danh sách do tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cung cấp.
3.3. Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:
- Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua.
- Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận.
- Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận Kho bạc Nhà nước ban hành quyết định phát hành trái phiếu và trực tiếp tổ chức phát hành và thanh toán gốc, lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về vấn đề các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của ACC về các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các thông tin dưới đây để được tư vấn và giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận