Bản án thừa kế theo pháp luật

 TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HƯNG HÀ, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 02/2022/DS-ST NGÀY 26/01/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Thông tin chung

Ngày 26-01-2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 11/2020/TLST- DS ngày 22 tháng 6 năm 2020 về “Tranh chấp chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 25/2021/QĐXX-ST ngày 01 tháng 12 năm 2021; Thông báo thay đổi lịch xét xử vụ án dân sự số: 06/TB-TA ngày 15 tháng 12 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 20/2021/QĐST-DS ngày 24 tháng 12 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 01/2022/QĐST-DS ngày 11 tháng 01 năm 2022 giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1. Ông Trừ Ngọc Qu, sinh năm 1947.

2. Ông Trừ Ngọc Q, sinh năm 1947.

Đều trú tại: Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

Bị đơn:

1. Ông Trừ Ngọc T, sinh năm 1954.

Địa chỉ: Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T: Ông Lê Hữu T, sinh năm 1981. Địa chỉ: 45N/6, khu phố B, phường B, thành phố Th, tỉnh Bình Dương.

2. Bà Trừ Thị T1, sinh năm 1954.

Địa chỉ: Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trừ Thị T2, sinh năm 1962 Địa chỉ: Tổ 2, khu phố T, phường Ph, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

2. Chị Trừ Thị Thanh H, sinh năm 1981 (con ông T) Địa chỉ: Thôn H, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

3. Chị Trừ Thị S, sinh năm 1983 (con ông T) Địa chỉ: Ấp T, xã Th, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

Nơi ở hiện nay: Thôn H, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Sen: Anh Lê Hữu T1, sinh năm 1983 Địa chỉ: Số 45N/6, khu phố B, phường B, thành phố Th, tỉnh Bình Dương.

4. Chị Trừ Thị M, sinh năm 1985 (con ông T) Địa chỉ: Ấp T, xã Th, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

5. Anh Trừ Ngọc S, sinh năm 1974 (con ông Qu).

6. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1977 (con ông Qu).

Đều trú tại: Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

(Ông Qu, ông Q, bà T1(đều có mặt), ông T, bà T2, ông T, ông T1, chị H, chị S, chị M (đều có đơn xin xử vắng mặt), anh S, chị L vắng mặt)

Nội dung vụ án

Tại phiên tòa, nguyên đơn ông Trừ Ngọc Qu trình bày:

Bố, mẹ ông là cụ Trừ Ngọc Q1 (chết năm 1995) và cụ Lê Thị M (chết năm 2011). Bố mẹ ông chết không để lại di chúc. Bố mẹ ông sinh được 05 người con là ông Trừ Ngọc Qu, ông Trừ Ngọc Q, bà Trừ Thị T1, ông Trừ Ngọc T và bà Trừ Thị T2. Bố mẹ ông không có con nuôi, con riêng. Di sản bố mẹ ông để lại, theo sổ mục kê và bản đồ 299 năm 1986 gồm 05 thửa đất, tổng diện tích là 1.232m2, cụ thể: thửa số 690 diện tích 269m2 đất ở, thửa số 678 diện tích 367m2 đất màu; thửa số 731 diện tích 178m2 đất màu; thửa số 736 diện tích 145m2 đất ao và 273m2 đất ao tại thửa 730. Thửa số 730 có diện tích là 468m2 đất ao, là ao chung của 03 hộ: hộ cụ Q1 bố đẻ ông, hộ cụ Bùi Hữu L (đã chết) và hộ cụ Trần Thiên N (đã chết), ông T đã san lấp một phần diện tích đất ao trên để làm nhà ngang, một phần vẫn sử dụng chung với 02 hộ gia đình trên, ông không yêu cầu Tòa án giải quyết diện tích đất ao còn lại chung với 02 hộ trên. Toàn bộ các thửa đất trên đều tại tờ bản đồ số 03 tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình. Tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 03 gian xây lợp ngói, xây năm 1977, do nhà đã xuống cấp, nên năm 2020, bà Trừ Thị T1 đã phá đi xây nhà mới, nay ông không có tranh chấp gì về di sản là ngôi nhà mà bà T1 đã phá dỡ. Theo đo đạc hiện trạng năm 2005 (lập bản đồ số) thì các thửa đất nêu trên thể hiện tại 04 thửa: thửa số 549 có diện tích 398.9m2 đất ở, thửa số 548 có diện tích 249 m2 đất ao, hai thửa này đứng tên bà Trừ Thị T1; thửa số 556 có diện tích 417.8m2 đất ở, thửa số 557 có diện tích 267 m2 đất ao (ông T đã san lấp thành vườn), hai thửa đất này đứng tên ông Trừ Ngọc T và bà Nguyễn Thị Nh. Ông yêu cầu Tòa án xác định toàn bộ diện tích đất tại 04 thửa nêu trên là di sản của bố mẹ ông để lại. Tài sản gắn liền với diện tích đất mà ông T, bà T1 quản lý sử dụng thuộc quyền sở hữu của ông T, bà T1, ông không yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngoài ra bố, mẹ ông không còn tài sản gì khác.

Ông yêu cầu Tòa án phân chia di sản là quyền sử dụng đất của bố mẹ ông để lại theo quy định của pháp luật. Phần di sản ông được hưởng, ông nhường ½ cho bà T1 và ½ cho ông T. Ông yêu cầu Tòa án lấy một phần diện tích đất di sản hiện do ông T đang quản lý, diện tích đất giáp với đất nhà ông có chiều rộng 2m, chiều dài từ sân nhà bà T1 ra đường giao thông giao cho bà T1 để bà T1 làm ngõ đi vì bà T1 hiện nay không có ngõ đi. Ông không yêu cầu bà T1, ông T phải thanh toán giá trị di sản cho ông. Toàn bộ di sản thừa kế đã được Tòa án tiến hành thẩm định và định giá, ông nhất trí. Ông Trừ Ngọc T rút yêu cầu phản tố cho rằng thửa đất ông đang quản lý là di sản của bố mẹ ông và yêu cầu phân chia, ông nhất trí không có ý kiến gì.

Tại phiên tòa, nguyên đơn ông Trừ Ngọc Q trình bày:

Bố, mẹ ông là cụ Trừ Ngọc Q1 (chết năm 1995) và cụ Lê Thị M (chết năm 2011). Bố mẹ ông chết không để lại di chúc. Về diện thừa kế, hàng thừa kế như trình bày của ông Qu là đúng. Di sản bố mẹ ông để lại gồm trên 1.232 m2 (gồm đất ở, đất màu và đất ao) tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình như ông Qu trình bày là đúng; tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 03 gian xây lợp ngói, xây năm 1977 bà T1 đã phá dỡ, nay không còn, ông không có yêu cầu gì. Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất bố mẹ ông để lại hiện nay do ông Trừ Ngọc T và bà Trừ Thị T1 quản lý, sử dụng. Ngoài ra bố, mẹ ông không còn tài sản gì khác. Toàn bộ di sản thừa kế đã được Tòa án tiến hành thẩm định và định giá, ông nhất trí.

Ông yêu cầu Tòa án phân chia di sản theo quy định của pháp luật, phần di sản của ông được hưởng ông nhường cho bà T1 sử dụng, bà T1 không phải thanh toán giá trị di sản cho ông.

Tại phiên tòa bị đơn bà Trừ Thị T1 trình bày:

Bố, mẹ bà là cụ Trừ Ngọc Q1 (chết năm 1995) và cụ Lê Thị M (chết năm 2011). Bố mẹ bà chết không để lại di chúc. Bố mẹ bà sinh được 05 người con như ông Qu trình bày là đúng. Bố mẹ bà không có con nuôi, con riêng. Bà là người ở cùng bố mẹ và chăm bố mẹ lúc tuổi già vì bà không xây dựng gia đình. Di sản bố mẹ bà để lại gồm: Theo bản đồ 299 năm 1986 có tổng diện tích đất 1.232m2 (đất ở, đất màu và đất ao) tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình như ông Qu trình bày là đúng. Tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 03 gian xây lợp ngói, xây năm 1977. Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất bố mẹ bà để lại hiện nay do bà và ông T đang quản lý, sử dụng, trong đó bà đang sử dụng 02 thửa đất gồm thửa số 549 đất ở diện tích 398,9m2 và thửa số 548 đất ao diện tích 249 m2 (theo bản đồ đo đạc hiện trạng năm 2005); ông T đang sử dụng 02 thửa đất gồm: thửa số 556 đất ở diện tích 417,8m2 (trong đó có 273 m2 đất ao chung với hộ gia đình cụ L, cụ N, ông T đã san lấp làm nhà ngang và công trình phụ) và thửa số 557 diện tích 267 m2 đất ao (theo bản đồ đo đạc hiện trạng năm 2005). Đối với 03 gian nhà xây lợp ngói do nhà cũ là di sản đã xuống cấp nên năm 2020, bà đã phá nhà cũ, xây nhà mới. Ngoài ra bố mẹ bà không còn tài sản gì khác. Toàn bộ di sản thừa kế đã được Tòa án tiến hành thẩm định và định giá, bà nhất trí Nay ông Qu, ông Q khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của bố mẹ bà. Bà nhất trí việc ông Q, bà T2 nhường cho bà được hưởng toàn bộ phần di sản ông Q và bà T2 được hưởng và ông Qu nhường cho bà ½ phần di sản ông Qu được hưởng và không yêu cầu bà thanh toán chênh lệch giá trị di sản. Như vậy phần di sản là quyền sử dụng đất bà được hưởng sẽ nhiều hơn phần ông T được hưởng, tuy nhiên bà chỉ yêu cầu ông T cắt cho bà một phần diện tích đất là di sản hiện đang do ông T đang quản lý để bà làm ngõ đi có chiều rộng là 2m, chiều dài từ sân nhà bà giáp với đất nhà ông Qu ra đường giao thông khoảng 63m2 để bà làm ngõ đi. Phần di sản còn lại ông T đang quản lý thì ông T được toàn quyền sử dụng, bà không yêu cầu ông T phải thanh toán chênh lệch giá trị di sản cho bà.

Tại các bản tự khai, bị đơn ông Trừ Ngọc T trình bày:

Bố, mẹ ông là cụ Trừ Ngọc Q1 (chết năm 1995) và cụ Lê Thị M (chết năm 2011). Bố mẹ ông chết không để lại di chúc. Bố mẹ ông sinh được 05 người con là ông Trừ Ngọc Qu, ông Trừ Ngọc Q, bà Trừ Thị T1, ông Trừ Ngọc T và bà Trừ Thị T2.

Năm 1980 ông đi bộ đội về, năm 1983 ông xây dựng gia đình và sinh con, bố mẹ ông (cụ Q1, cụ M) có cho vợ chồng một phần diện tích đất ở + đất ao + đất màu tại thôn D, xã Đ, cụ thể bao nhiêu m2 ông không biết. Năm 1983 ông xây tạm 02 gian nhà nhỏ và công trình phụ. Cuối năm 1983 đầu năm 1984 vợ chồng ông san lấp để làm móng nhà và xây hoàn thiện dần đến năm 1988 mới đổ được gian nhà mái bằng, còn diện tích đất ao ông mới san lấp thành vườn vào khoảng năm 2006 để ông trồng cây ăn quả. Tháng 9-2020 ông xây 03 gian quán giáp đường để bán hàng trên diện tích đất ông được bố mẹ cho.

Ông xác định thửa đất số 556 đất ở diện tích 417.8m2, trong đó vợ chồng ông có san lấp một phần diện tích đất ao chung với hộ cụ L và hộ cụ N, đã làm nhà ngang và công trình phụ trên đất ao san lấp, và thửa số 557 diện tích 267m2 đất ao, ông đã san lấp thành vườn vào năm 2006, đều tại tờ bản đồ số 25 tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (theo đo đạc hiện trạng năm 2005) thuộc quyền sử dụng của ông vì bố mẹ ông khi còn sống đã cho ông từ năm 1983 nên không còn là di sản. Di sản của bố mẹ ông để lại chỉ còn diện tích đất hiện bà T1 đang quản lý, sử dụng.

Ngày 14-12-2020 ông có đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn ông Trừ Ngọc Qu cụ thể: Ông yêu cầu Tòa án xác định di sản của bố mẹ ông gồm cả thửa đất số 558, diện tích 918.6 m2 hiện đang do ông Trừ Ngọc Qu đang quản lý, sử dụng tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên ngày 25-01-2022, ông có đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T là ông Lê Hữu T trình bày:

Hiện nay diện tích đất thuộc hai thửa 556 và thửa 557 mà phía nguyên đơn đang khởi kiện là tài sản của hộ ông Trừ Ngọc T vì toàn bộ tài sản này do ông T và vợ bà Nguyễn Thị Nh cùng tạo lập, sau này các con ông T lớn lên cũng đóng góp công sức, tiền của để cải tạo đất và xây dựng các tài sản trên đất. Khi bà Nh còn sống thì ông T và bà Nh cũng đã chia đất cho các con, sau khi nhận đất từ cha mẹ thì những người con cũng tự xây dựng các công trình nhà cửa, tường rào trên đất. Năm 2019 thì bà Nh qua đời (bà Nh chết không để lại di chúc) toàn bộ di sản bà Nh để lại vẫn còn nằm trong khối tài sản chung của hộ gia đình ông T chưa được các đồng thừa kế kê khai và phân chia.

Tại đơn trình bày ngày 19-01-2022, ông Lê Hữu T có ý kiến: Trường hợp các đương sự thỏa thuận được thì ông T đồng ý để lại cho bà Trừ Thị T1 ngõ đi có chiều rộng 2m chiều dài theo thửa đất giáp với đất nhà ông Trừ Ngọc Qu (theo sơ đồ đo đạc của Tòa án). Ông T đồng ý tự thu dọn các tài sản trên diện tích đất để giao lại phần đất trên cho bà T1. Bà Trừ Thị T1 có nghĩa vụ xây lại cho ông T bức tường rào theo hiện trạng. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được thì toàn bộ diện tích đất hiện nay ông T đang quản lý sử dụng là do bố mẹ ông T đã cho vợ chồng ông T, bà Nh quản lý, sử dụng xây nhà ở ổn định từ năm 1983 đến nay. Ông xác định đây là tài sản riêng của vợ chồng ông T, bà Nh không phải là di sản thừa kế của cụ Q1, cụ M. Ông không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản tự khai ngày 20-7-2020 và đơn đề nghị ngày 29-10-2021 bà Trừ Thị T2 trình bày:

Bố, mẹ bà là cụ Trừ Ngọc Q1 (chết năm 1995) và cụ Lê Thị M (chết năm 2011). Bố mẹ bà chết không để lại di chúc. Bố mẹ bà sinh được 05 người con như ông Qu, ông Q trình bày là đúng. Bố mẹ bà không có con nuôi, con riêng. Trước khi chết bố mẹ bà để lại khối di sản như Ông Qu, ông Q, bà T1 trình bày là đúng.

Nay ông Qu, ông Q khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất của bố mẹ bà để lại đang do ông T và bà T1 quản lý, bà nhất trí yêu cầu khởi kiện của các ông. Theo quy định của pháp luật bà được hưởng 1/5 di sản, phần bà được hưởng bà nhường lại cho bà T1, bà không yêu cầu bà T1 phải thanh toán tài sản cho bà.

Ni có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trừ Thị Thanh H và chị Trừ Thị M đều trình bày:

Các chị là con gái ông T, bà Nh. Toàn bộ tài sản gồm quyền sử dụng đất bố các chị (ông T) đang quản lý, hiện đang có tranh chấp do bố mẹ các chị là ông Trừ Ngọc T và bà Nguyễn Thị Nh (chết năm 2019) cùng tạo lập, sau này khi các chị lớn lên cũng đóng góp công sức, tiền của để cải tạo đất và xây dựng các tài sản trên đất. Khi mẹ các chị còn sống thì bố mẹ các chị cũng đã chia phần đất cho 03 người con. Sau khi nhận đất từ bố mẹ thì vợ chồng các chị tự xây dựng các công trình nhà cửa, tường rào trên đất.

Năm 2019 sau khi mẹ các chị mất, không để lại di chúc, toàn bộ di sản mẹ các chị để lại vẫn còn nằm trong khối tài sản chung của hộ gia đình ông T chưa được các đồng thừa kế kê khai và phân chia. Hiện nay nguyên đơn khởi kiện tranh chấp phần đất mà gia đình các chị đã sử dụng ổn định hơn 40 năm. Đây là tài sản riêng của gia đình các chị, nguyên đơn khởi kiện là không có căn cứ, các chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết các chị đều có đơn yêu cầu độc lập, các chị đề nghị Tòa án xem xét đến tài sản của vợ chồng các chị trong khối tài sản chung của hộ gia đình ông Trừ Ngọc T. Tuy nhiên trước khi xét xử Tòa án nhận được bản trình bày của các chị: Nếu các đương sự thỏa thuận hòa giải được thì các chị đồng ý với quan điểm của ông T, người đại điện theo ủy quyền của ông T; các chị xin rút toàn bộ yêu cầu độc lập. Nếu các bên không hòa giải được thì các chị đề nghị Tòa án xét xử theo ý kiến các chị đã trình bày.

Tại bản tự khai ngày 20-4-2020 ông Lê Hữu T1 (người được chị Trừ Thị S ủy quyền) trình bày:

Chị S là con gái ông T, bà Nh. Diện tích 02 thửa đất hiện đang do ông T quản lý, sử dụng, đang có tranh chấp có nguồn gốc do Nhà nước cấp cho hộ gia đình cụ Trừ Ngọc Q1 và cụ Lê Thị M, sau đó các cụ đã chia cho các thành viên trong hộ gia đình mỗi người một phần, ông T được các cụ Q1 và cụ M chia cho từ năm 1983, gia đình đã san lấp mặt bằng, trồng cây cối hoa màu, xây dựng nhà cửa kiên cố, các công trình, vật kiến trúc gắn liền với đất, gia đình chị là người thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí cho nhà nước và trực tiếp sử dụng ổn định từ những năm 1983 đến năm 2020 không có ai tranh chấp hay khiếu kiện gì. Vì vậy chị S không đồng ý với bất kỳ yêu cầu khởi kiện nào từ phía nguyên đơn. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án chị S có yêu cầu Độc lập đề nghị Tòa án công nhận toàn bộ phần đất có diện tích khoảng 685m2 và toàn bộ tài sản gồm nhà cửa, cây cối, công trình, vật kiến trúc gắn liền với đất tại thửa đất số 556 và thửa đất số 557 tại thôn D, xã Đ là tài sản chung hợp pháp của ông Trừ Ngọc T, chị Trừ Thị Thanh H, chị Trừ Thị S và chị Trừ Thị M. Trước khi xét xử Tòa án nhận được bản trình bày của ông T1: Nếu các đương sự thỏa thuận được thì chị S đồng ý với quan điểm của ông T, ông T để lại cho bà T1 ngõ đi có chiều rộng 2m từ sân nhà bà T1 kéo dài theo thửa đất giáp với đất nhà ông Trừ Ngọc Qu đến đường giao thông và chị S rút yêu cầu độc lập và ngược lại.

Ni có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Trừ Ngọc S, chị Nguyễn Thị L trình bày:

Anh, chị là con trai và con dâu ông Trừ Ngọc Qu. Vào năm 2005 bố mẹ anh chị là ông Trừ Ngọc Qu và bà Nguyễn Thị Đ có cho vợ chồng anh chị khoảng 120 m2 đất ở nằm trong thửa 558 để làm nhà ở tại Thôn D, xã Đ, huyện H. Cuối năm 2005 vợ chồng anh chị đã xây ngôi nhà 2 tầng trên diện tích đất bố mẹ cho. Nay ông T có yêu cầu phản tố, cho rằng diện tích trên là di sản của cụ Q1, cụ M để lại và yêu cầu phân chia. Quan điểm của anh chị là diện tích đất 918.6 m2 tại thửa 558 là của bố mẹ anh chị, do bố mẹ anh chị toàn quyền quyết định, anh chị không có ý kiến gì.

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của người tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã tiến hành thụ lý, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định, những người tham gia tố tụng đã chấp hành cơ bản đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 612, Điều 613, Điều 649, Điều 651 và 652 của Bộ luật Dân sự đề nghị HĐXX, xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trừ Ngọc Qu, Trừ Ngọc Q. Xác định diện tích 249.0m2 (TSN) đất ao tại thửa số 548, diện tích 415.2m2 đất ở tại thửa số 549, diện tích 427.2m2 đất ở tại thửa số 556, diện tích 267m2 đất ao tại thửa số 557, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình là di sản thừa kế của cụ Q1 và cụ M.

Chia cho bà Nguyễn Thị T1 được quyền sử dụng diện tích 249.0m2 (TSN) đất ao tại thửa số 548 và diện tích 415.2m2 đất ở tại thửa số 549, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kem theo); Chia cho bà Trừ Thị T1 được quyền sử dụng diện tích 63.2m2, trong đó tại thửa số 556, diện tích được chia là 25.1m2, đất ở và tại thửa số 557, diện tích được chia là 38.1m2 đất ao đã san lấp thành vườn, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kèm theo).

Chia cho ông Trừ Ngọc T được sử dụng diện tích 402.1m2 đất ở tại thửa số 556 và diện tích 228.9m2 TSN (đất ao) đã san lấp thành vườn tại thửa số 557, đều tại tờ bản đồ số 25 Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kèm theo).

Ông Trừ Ngọc T không phải thanh toán chênh lệch giá trị di sản cho bà Trừ Thị T1. Bà Trừ Thị T1, ông Trừ Ngọc T không phải thanh toán giá trị di sản cho ông Trừ Ngọc Qu, ông Trừ Ngọc Q và bà Trừ Thị T2.

Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông Trừ Ngọc T và yêu cầu độc lập của các chị Trừ Thị Thanh H, chị Trừ Thị S và chị Trừ Thị M.

Về án phí: Ông Qu, ông Q, ông T và bà T1 đều là người cao tuổi nên được miễn nộp tiền án phí. Do chị H, chị S, chị M rút yêu cầu độc lập, do vậy cần trả lại số tiền tạm ứng án phí mà chị S và chị H đã nộp.

Nhận định của tòa án

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng, loại tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: 

Ông Trừ Ngọc Qu và ông Trừ Ngọc Q khởi kiện chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất với ông Trừ Ngọc T và bà Trừ Thị T1, tài sản tranh chấp tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình. Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì xác định đây là tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

[2] Ông Trừ Ngọc T, Ông Lê Hữu T, ông Lê Hữu T1, chị Trừ Thị M, chị Trừ Thị Thanh H và bà Trừ Thị T2 đều xin được vắng mặt tại phiên tòa; anh Trừ Ngọc S, chị Nguyễn Thị L được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai mà vẫn vắng mặt. Vì vậy Tòa án mở phiên tòa xét xử vắng mặt họ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về thời hiệu khởi kiện và người thừa kế: Các đương sự đều khai thống nhất cụ Trừ Ngọc Q1, chết năm 1995 và cụ Lê Thị M, chết năm 2011. Bố mẹ chết không để lại di chúc, nên thời điểm mở thừa kế là năm 1995 và năm 2011. Căn cứ Điều 623 của Bộ luật Dân sự và Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Các đương sự đều khai thống nhất về diện thừa kế và hàng thừa kế di sản của cụ Q1 và cụ M là 05 người con, căn cứ Điều 651 của Bộ luật Dân sự, cần xác định người thừa kế di sản của cụ Q1 và cụ M thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: Ông Trừ Ngọc Qu, ông Trừ Ngọc Q, bà Trừ Thị T1, ông Trừ Ngọc T và bà Trừ Thị T2.

[4] Về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất có tranh chấp:

Theo sổ mục kê và bản đồ 299 đo đạc năm 1986 thì toàn bộ diện tích đất đang có tranh chấp ghi tên chủ sử dụng đất cụ Trừ Ngọc Q1 thể hiện tại 05 thửa đất với tổng diện tích là 1.232m2, cụ thể: thửa số 690 diện tích 269m2 đất ở, thửa số 678 diện tích 367m2 đất màu; thửa số 731 diện tích 178m2 đất màu; thửa số 736 diện tích 145m2 đất ao và 273m2 đất ao nằm trong thửa 730 (thửa số 730 có diện tích là 468m2 đất ao, là ao chung của 03 hộ: hộ cụ Q1, hộ cụ Bùi Hữu L (đã chết) và hộ cụ Trần Thiên N (đã chết), đều tại tờ bản đồ số 03 tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình.

Theo đo đạc hiện trạng năm 2005 (lập bản đồ số) thì các thửa đất nêu trên thể hiện tại 04 thửa: thửa số 549 có diện tích 398.9m2 đất ở, thửa số 548 có diện tích 249m2 đất ao, hai thửa này đứng tên bà Trừ Thị T1; thửa số 556 có diện tích 417.8m2 đất ở, thửa số 557 có diện tích 267m2 đất ao (ông T đã san lấp thành vườn), hai thửa đất này đứng tên ông Trừ Ngọc T và bà Nguyễn Thị Nh.

Quá trình giải quyết vụ án, ngày 18-11-2020, Tòa án tiến hành đo đạc diện tích đất đang có tranh chấp thì thửa đất số 549 hiện bà T1 đang quản lý có diện tích là 415.2 m2 đất ở (tăng lên so với đo đạc hiện trạng năm 2005 là 16.3m2), thửa đất số 548, diện tích 249m2 đất ao; thửa đất số 556 diện tích 427.2m2 đất ở (tăng lên so với đo đạc hiện trạng năm 2005 là 9.4m2), thửa đất số 557, diện tích 267m2 đất ao (đã được ông T san lấp thành vườn). Qua xác minh với chính quyền địa phương thì diện tích đất qua các lần đo đạc tăng lên là do sai số giữa đo thủ công với đo máy. Hiện tại các gia đình có diện tích đất sử dụng liền kề với diện tích đất này không có tranh chấp gì.

[5] Các đương sự đều thống nhất thửa đất số 549 và thửa số 548 do bà T1 đang quản lý (theo đo đạc hiện trạng năm 2005) là di sản của cụ Q1 và cụ M. Hai thửa đất số 556 và 557 hiện đang do ông T đang quản lý các đương sự không thống nhất được về nguồn gốc đất. Các đương sự đều thống nhất không yêu Tòa án giải quyết ngôi nhà 03 gian của cụ Q1 và cụ M để lại, bà T1 đã phá dỡ vào năm 2020 nên Tòa án không xem xét giải quyết.

Theo sổ mục kê (tờ số 75) và bản đồ 299 năm 1986 thì cụ Q1 và cụ M có chung diện tích ao 468m2 tại thửa 730, tại thôn D, xã Đg với cụ L (đã chết) và cụ N (đã chết), trong đó cụ Q1 và cụ M có 273m2. Quá trình sử dụng, ông T là con trai cụ Q1, cụ M đã tự san lấp một phần diện tích ao chung và làm nhà ngang và công trình phụ trên đó. Khi chính quyền địa đo đạc lập bản đồ hiện trạng năm 2005 thì diện tích ao ông T san lấp nằm trong thửa 556 đứng tên ông T. Quá trình giải quyết vụ án, đại diện hộ gia đình L và cụ N đều thừa nhận ông T đã san lấp một phần ao trong diện tích 468m2, phần diện tích ao còn lại vẫn là ao chung, các bên không có tranh chấp gì. Xét thấy các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết diện tích đất ao chung còn lại của cụ Q1, cụ M chung với hộ gia đình cụ L và hộ gia đình cụ N, nên Tòa án không xem xét giải quyết.

[6] Ông Trừ Ngọc T, chị Trừ Thị Thanh H, chị Trừ Thị M, chị Trừ Thị S và người đại diện theo ủy quyền đều cho rằng hai thửa đất số 556 và 557 có nguồn gốc của cụ Q1 và cụ M nhưng đã cho vợ chồng ông T và bà Nguyễn Thị Nh từ năm 1983. Tuy nhiên, ông T, chị M, chị H, chị S và những người đại diện theo ủy quyền của ông T, chị S đều không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh việc cụ Q1, cụ M tặng cho ông T, bà Nh diện tích đất này. Mặt khác, tại sổ mục kê và bản đồ 299 đo đạc năm 1986 diện tích đất trên vẫn đứng tên cụ Q1. Vì vậy cần xác định thửa đất số 556 và 557 (theo đo đạc hiện trạng năm 2005) ông T đang quản lý là di sản của cụ Q1 và cụ M.

[7] Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất của cụ Q1 và cụ M đã được Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định và định giá. Phần di sản đang do bà Trừ Thị T1 quản lý và sử dụng gồm thửa đất số 549 diện tích 415.2 m2 đất ở x 4.000.000đồng/m2 = 1.660.800.000đồng; thửa đất số 548, diện tích 249.0m2 đất ao x 42.000đồng/m2 = 10.458.000đồng. Tổng trị giá 1.671.258.000đồng. Phần di sản đang do ông Trừ Ngọc T đang quản lý và sử dụng gồm thửa đất số 556, diện tích 427.2m2 đất ở x 4.000.000đồng = 1.708.800.000đồng; thửa đất số 557, diện tích 267m2 x 42.000đồng = 11.214.000 đồng. Tổng trị giá 1.720.014.000đồng. Toàn bộ di sản thừa kế của cụ Q1, cụ M trị giá: 3.391.272.000 đồng. Tài sản gắn liền với đất và công san lấp, các đương sự không có tranh chấp nên Tòa án không xem xét giải quyết.

[8] Về phân chia di sản: Di sản của cụ Q1, cụ M được chia đều cho 5 người con (ông Qu, ông Q, bà T1, ông T và bà T2), mỗi người được hưởng phần di sản trị giá 3.391.272.000 : 5 = 678.254.400đồng. Bà T1 được hưởng thêm phần di sản của ông Q, bà T2 và ½ phần di sản của ông Qu tặng cho nên bà T1 được hưởng khối di sản trị giá: 2.373.890.400 đồng. Ông T được hưởng thêm ½ phần di sản do ông Qu tặng cho nên ông T được hưởng khối di sản trị giá 1.017.381.600đồng. Xét thấy bà T1 đang quản lý, sử dụng di sản trị giá 1.671.258.000đồng, ít hơn nhiều so với trị giá di sản mà bà được hưởng. Tại phiên tòa bà T1 chỉ yêu cầu ông T cắt cho bà diện tích đất di sản ông T đang quản lý là 63,2m2 (tại thửa số 556 là 25,1m2 và thửa số 557 là 38,1m2, có sơ đồ kèm theo) trị giá 102.000.000đồng để bà làm ngõ đi (bà T1 hiện đang đi nhờ hộ gia đình khác) và bà không yêu cầu ông T phải thanh toán chênh lệch giá trị di sản cho bà. Xét thấy yêu cầu của bà T1 hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời cũng phù hợp với ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của ông T nên cần chấp nhận.

[9] Ông Trừ Ngọc T có đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố; chị H, M và chị S (con của ông T) có đơn rút toàn bộ yêu cầu độc lập, vì vậy HĐXX đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu trên.

[10] Về án phí: Ông Qu, ông Q, ông T và bà T1 đều là người cao tuổi nên được miễn nộp tiền án phí. Do các chị H, chị S, chị M rút yêu cầu độc lập, do vậy cần trả lại số tiền tạm ứng án phí mà chị S và chị H đã nộp.

[11] Về chi phí tố tụng: Chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản có tranh chấp hết tổng số tiền là 5.000.000 đồng, ông Qu tự nguyện chịu toàn bộ nên Tòa án không xem xét giải quyết (ông Qu đã nộp). Chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản theo yêu cầu phản tố của ông T hết tổng số tiền là 5.000.000 đồng, ông T đã rút yêu cầu phản tố, vì vậy ông T phải chịu toàn bộ chi phí này (ông T đã nộp).

Quyết định

Căn cứ Điều 147, khoản 1, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 612, Điều 613, Điều 649, Điều 650 và Điều 651 của Bộ luật Dân sự.

Căn cứ Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trừ Ngọc Qu, Trừ Ngọc Q. Xác định diện tích 249m2 (TSN) đất ao tại thửa số 548, diện tích 415.2m2 đất ở tại thửa số 549, diện tích 427.2m2 đất ở tại thửa số 556, diện tích 267m2 đất ao tại thửa số 557, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình là di sản thừa kế của cụ Q1 và cụ M.

2. Chia di sản thừa kế như sau:

2.1. Chia cho bà Trừ Thị T1 được quyền sử dụng diện tích 249.0m2 (TSN) đất ao tại thửa số 548 và diện tích 415.2m2 đất ở tại thửa số 549, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kèm theo), cụ thể:

+ Hướng Đông giáp đất hộ ông Trừ Ngọc Qu dài 46.56 m;

+ Hướng Tây giáp đất hộ bà Nguyễn Thị Th dài 40.03 m;

+ Hướng Nam giáp đất chia cho ông Trừ Ngọc T dài 19.67 m;

+ Hướng Bắc giáp phần đất TSN (đất ao) do UBND xã Điệp Nông quản lý dài 16.55m.

2.2. Chia cho bà Trừ Thị T1 được quyền sử dụng diện tích 63.2m2, trong đó tại thửa số 556, diện tích được chia là 25.1m2, đất ở và tại thửa số 557, diện tích được chia là 38.1m2 đất ao đã san lấp thành vườn, đều tại tờ bản đồ 25, tại Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kèm theo), cụ thể:

2.2.1. Tại thửa số 556 (diện tích được chia 25.1m2) + Hướng Đông giáp đất ông Trừ Ngọc Qu dài 12.35 m;

+ Hướng Tây giáp đất chia cho ông Trừ Ngọc T dài 12.7m;

+ Hướng Nam giáp đất chia cho bà T1 dài 2m;

+ Hướng Bắc giáp đất chia cho bà T1 dài 02 m.

2.2.2. Tại thửa số 557 (diện tích được chia 38.1m2) + Hướng Đông giáp đất ông Trừ Ngọc Qu dài 19.69m;

+ Hướng Tây giáp đất chia cho ông Trừ Ngọc T dài 19.54m;

+ Hướng Nam giáp đường giao thông dài 1.06m;

+ Hướng Bắc giáp đất chia cho bà T1 dài 02 m.

2.3. Chia cho ông Trừ Ngọc T được sử dụng diện tích 402.1m2 đất ở tại thửa số 556 và diện tích 228.9m2 đất TSN (đất ao) đã san lấp thành vườn tại thửa số 557, đều tại tờ bản đồ số 25 Thôn D, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình (có sơ đồ kèm theo), cụ thể:

+ Hướng Đông giáp phần đất chia cho bà T1 dài 32.24m;

+ Hướng Tây giáp đất hộ bà Kh dài 43.24m;

+ Hướng Nam giáp hộ đường giao thông dài 13.73m;

+ Hướng Bắc giáp đất chia cho bà Trừ Thị T1 dài 27.47m.

3. Trách nhiệm thanh toán: Ông Trừ Ngọc T không phải thanh toán chênh lệch giá trị di sản cho bà Trừ Thị T1. Bà Trừ Thị T1 và ông Trừ Ngọc T không phải thanh toán giá trị di sản cho ông Trừ Ngọc Qu, ông Trừ Ngọc Q và bà Trừ Thị T2.

4. Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông Trừ Ngọc T và yêu cầu độc lập của các chị Trừ Thị Thanh H, chị Trừ Thị S và chị Trừ Thị M.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7; 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

5. Về án phí:

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho Ông Trừ Ngọc Qu, Trừ Ngọc Q, Trừ Ngọc T, bà Trừ Thị T1.

Trả lại chị Trừ Thị Thanh H số tiền 2.500.000đồng, tiền tạm ứng án phí chị H đã nộp theo biên lai số 0003391 ngày 06-9-2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Trả lại chị Trừ Thị S số tiền 2.500.000đồng (do ông T nộp hộ) tiền tạm ứng án phí chị S nộp theo biên lai số 0003335 ngày 06-7-2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

6. Về quyền kháng cáo: 

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Câu hỏi thường gặp

1. Bản án thừa kế theo pháp luật là gì và nó quy định những điều gì về thừa kế?

Bản án thừa kế theo pháp luật là quyết định của tòa án liên quan đến việc phân chia di sản của người đã mất theo quy định của pháp luật. Nó quy định về thừa kế, xác định người thừa kế và quyết định về việc chia thừa kế.

2. Quy trình xử lý Bản án thừa kế theo pháp luật diễn ra như thế nào?

Quy trình này thường bao gồm thu thập chứng cứ, xác định người thừa kế theo quy định pháp luật, và cuối cùng là tòa án quyết định về việc chia thừa kế. Thời gian thực hiện có thể biến động tùy thuộc vào độ phức tạp của vụ án và các yếu tố khác.

3. Nếu có sự tranh chấp, làm thế nào để giải quyết và bảo vệ quyền lợi trong Bản án thừa kế theo pháp luật?

Sự tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đàm phán, hòa giải hoặc thậm chí là thông qua quy trình pháp lý. Tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư có kinh nghiệm về thừa kế là quan trọng để bảo vệ quyền lợi và đạt được giải pháp công bằng.

4. Di chúc và ý chí có ảnh hưởng gì đến Bản án thừa kế theo pháp luật không?

Di chúc và ý chí có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý bản án thừa kế theo pháp luật, và tùy thuộc vào nội dung của chúng, tòa án có thể xem xét và áp dụng chúng trong quá trình quyết định về việc chia thừa kế.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo