Quy định về sổ đỏ đất trồng cây lâu năm thế nào?

Sổ đỏ (hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) là tài liệu pháp lý quan trọng, thể hiện quyền sử dụng đất đai của cá nhân, tổ chức. Đối với đất trồng cây lâu năm, việc cấp sổ đỏ cũng có những quy định riêng biệt. Hãy cùng Công ty Luật ACC tìm hiểu bài viết Quy định về sổ đỏ đất trồng cây lâu năm thế nào?quy-dinh-ve-so-do-dat-trong-cay-lau-nam-the-nao

 Quy định về sổ đỏ đất trồng cây lâu năm thế nào?

1. Quy định về sổ đỏ đất trồng cây lâu năm thế nào?

1.1. Đất trồng cây lâu năm là đất gì?

Căn cứ vào Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Ngoài đất trồng cây lâu năm thì nhóm đất nông nghiệp còn có đất trồng cây hàng năm, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp khác, ...

Các loại cây lâu năm được hiểu là các loại cây được gieo trồng một lần nhưng chúng có thời gian sinh trưởng, phát triển và thu hoạch trong nhiều năm. Theo Phụ lục số 01 được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 14/12/2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, bao gồm các loại sau:

- Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa…

- Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài…

- Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm…

- Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,...); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.

1.2. Những loại đất trồng cây lâu năm nào được cấp sổ đỏ?

Theo khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai năm 2013, cây lâu năm là 01 trong 04 loại tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Sổ đỏ) cùng với nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng.

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư liên tịch 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT quy định cụ thể loại đất trồng cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu bao gồm:

  • Cây công nghiệp lâu năm: là cây cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa,…
  • Cây ăn quả lâu năm: là cây cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài,…
  • Cây dược liệu lâu năm: là cây cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm,…
  • Cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây cảnh quan lâu năm: Cây gieo trồng một lần, cho thu hoạch sản phẩm (mà thân chính vẫn giữ nguyên) hoặc sử dụng làm cây lấy gỗ, cây cảnh quan, cây bóng mát, có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến khi thanh lý trên 05 năm.

1.3. Diện tích đất trồng cây lâu năm ghi trên sổ đỏ thế nào?

Diện tích đất trồng cây lâu năm ghi trên sổ đỏ được thể hiện như sau:

  • Tại mục "Loại đất": Ghi là "Đất trồng cây lâu năm".
  • Tại mục "Diện tích": Ghi diện tích thực tế của thửa đất trồng cây lâu năm.
  • Tại mục "Tình trạng sử dụng đất": Ghi là "Đang sử dụng để trồng cây lâu năm".

Ngoài ra, trên sổ đỏ còn ghi các thông tin khác về thửa đất trồng cây lâu năm như:

  • Số thửa đất
  • Tọa lạc
  • Mục đích sử dụng
  • Thời hạn sử dụng
  • Hình thức sử dụng
  • Giá trị sử dụng đất
  • Tên chủ sử dụng đất

2. Điều kiện cấp sổ đỏ cho đất trồng cây lâu năm

Trường hợp 1: Có giấy tờ

Theo Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, chủ sở hữu cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu khi có một trong các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy tờ đó;

- Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;

- Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu cây lâu năm đã có hiệu lực pháp luật.

- Giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quyền sử dụng đất.

Trường hợp 2: Không có giấy tờ

Theo khoản 4 Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ (theo quy định tại trường hợp 1) thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì mới được chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm.

Lưu ý:

  • Đối với tổ chức trong nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Trường hợp chủ sở hữu cây lâu năm không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ để làm điều kiện chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm thì chủ sở hữu cây lâu năm phải có thêm 02 loại giấy tờ sau:
  • Văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực;
  • Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất.
  • Thời điểm chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm được diễn ra tại một trong hai thời điểm: Cùng với thời điểm cấp Sổ đỏ cho đất hoặc là đăng ký chứng nhận bổ sung (đất đã có Sổ đỏ).

Luật đất đai 2013 cũng có quy định tại về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
  • Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, đất trồng cây lâu năm muốn được cấp sổ đỏ thì phải đảm bảo những điều kiện nêu trên. Các trường hợp phát sinh thêm sẽ căn cứ vào Luật đất đai 2013 làm cơ sở và các văn bản pháp luật khác về đất đai mà cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo yêu cầu của người sử dụng đất.

3. Thủ tục xin cấp sổ đỏ đất trồng cây lâu năm?

1JJ-nf0U3-VKxAtJpKK9Hnd4SuFlqXBt7=k

Thủ tục xin cấp sổ đỏ đất trồng cây lâu năm?

Đất trồng cây lâu năm đủ điều kiện được cấp sổ đỏ thì người sử dụng đất tiến hành thực hiện thủ tục sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ đất trồng cây lâu năm gồm:

- Đơn đăng ký, cấp sổ đỏ theo Mẫu số 04a/ĐK;

- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất; Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật đất đai;

- Bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính như: Biên lai nộp thuế, tiền sử dụng đất…; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

- Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ (bản gốc – nếu có);

- Đơn đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ đối với trường hợp chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ (bản gốc).

- Bản vẽ đo đạc hiện trạng thửa đất: Do đơn vị đo đạc có đủ điều kiện theo quy định thực hiện. Phải được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai xác nhận.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị và điền đầy đủ hồ sơ, người sử dụng đất tiến hành nộp hồ sơ tại:

  • Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở khu vực.
  • UBND cấp xã nếu có yêu cầu.

Bước 3: Xử lý hồ sơ

Sau khi nhận hồ sơ từ người nộp, cơ quan thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ. Có 2 trường hợp xảy ra:

  • Nếu hồ sơ thiếu: trường hợp này thì cơ quan sẽ ra thông báo gửi đến người nộp để bổ sung đầy đủ, hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
  • Nếu hồ sơ đủ: cơ quan có chức năng sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành xử lý theo yêu cầu.

Bước 4: Trả kết quả

Khi đã xử lý hoàn tất, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao sổ đỏ cho người yêu cầu (khi người sử dụng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan) hoặc có thể gửi về UBND ở địa phương.

Về thời hạn giải quyết là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Hoặc không quá 40 ngày đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,... theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Lưu ý:

  • Hồ sơ phải đảm bảo điền đầy đủ, rõ ràng, hợp lệ. Không sử dụng thông tin giả mạo, bịa đặt.
  • Trước khi nộp hồ sơ, cần phải kiểm tra lại hồ sơ nhiều lần để tránh mất thời gian cho đôi bên. Trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thực hiện mua bán thì phải lưu ý vấn đề này nhiều hơn.
  • Người yêu cầu xin cấp sổ đỏ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trong thời hạn quy định khi cơ quan thẩm quyền đưa ra thông báo. Khi bạn thực hiện trễ hoặc không thực hiện sẽ làm kéo dài thời gian cấp sổ đỏ.

4. Sổ đỏ đất trồng cây lâu năm gồm những thông tin gì?

Theo Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNTM Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định như sau:

Trang 1 của Giấy chứng nhận gồm:

  • Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ;
  • Mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen;
  • Dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trang 2 của Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

  • Mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú;
  • Ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;
  • Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.

Trang 3 của Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

  • Mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”;
  • Mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.

Trang 4 của Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

  • Nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
  • Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.

Trang bổ sung của Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

  • Dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”;
  • Số hiệu thửa đất;
  • Số phát hành Giấy chứng nhận;
  • Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
  • Mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.

Theo Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNTM thông tin về thửa đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận đối với tất cả các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận theo quy định như sau:

“1. Thửa đất số: ghi số hiệu của thửa đất trên bản đồ địa chính theo quy định về thành lập bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp sử dụng bản trích đo địa chính (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính) để cấp Giấy chứng nhận thì ghi số hiệu thửa đất trên bản trích đo; trường hợp trích đo địa chính một thửa đất thì số hiệu thửa đất được ghi "01".

- Tờ bản đồ số: ghi số thứ tự tờ bản đồ địa chính có thửa đất cấp Giấy chứng nhận trong phạm vi mỗi đơn vị hành chính cấp xã. Trường hợp sử dụng bản trích đo địa chính để cấp Giấy chứng nhận thì ghi số hiệu tờ trích đo thửa đất.

- Địa chỉ thửa đất: ghi tên khu vực (xứ đồng, điểm dân cư,...); số nhà, tên đường phố (nếu có), tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nơi có thửa đất.

- Diện tích: ghi diện tích của thửa đất bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông (m2), được làm tròn số đến một chữ số thập phân.

Trường hợp thửa đất có nhà chung cư thì Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư chỉ ghi diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ căn hộ theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).

- Hình thức sử dụng được ghi như sau:

+ Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,...) thì ghi "Sử dụng riêng" vào mục hình thức sử dụng;

+ Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất thì ghi "Sử dụng chung" vào mục hình thức sử dụng;

+ Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi "Sử dụng riêng" và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi "Sử dụng chung" và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo. Ví dụ: "Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây lâu năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây hàng năm 200m2".

- Mục đích sử dụng đất được ghi theo quy định sau:

+ Mục đích sử dụng đất ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:

- Nhóm đất nông nghiệp gồm: "Đất chuyên trồng lúa nước", "Đất trồng lúa nước còn lại", "Đất trồng lúa nương", "Đất trồng cây hàng năm khác", "Đất trồng cây lâu năm", "Đất rừng sản xuất", "Đất rừng phòng hộ", "Đất rừng đặc dụng", "Đất nuôi trồng thủy sản", "Đất làm muối", "Đất nông nghiệp khác";”

5. Sổ đỏ đất trồng cây lâu năm có thời hạn bao lâu?

Thời hạn của sổ đỏ đất trồng cây lâu năm thực chất là thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật đất đai. Đây là khoảng thời gian mà Nhà nước công nhận quyền sử dụng hợp pháp cho người sử dụng đất trồng cây lâu năm, hết thời hạn này, quyền sử dụng đất có thể bị thu hồi hoặc có thể được gia hạn, hoặc người sử dụng đất tiếp tục được sử dụng đất trồng cây lâu năm.

Trường hợp thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm là 50 năm

Theo khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo khoản 2 Điều 129 Luật Đất đai 2013 với hạn mức giao đất trồng cây lâu năm như sau:

- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

- Không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm không quá 50 năm 

Theo khoản 2 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.

Như vậy, sổ đỏ đất trồng cây lâu năm hết hạn/hay chính là thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm phụ thuộc vào nguồn gốc sử dụng đất trồng cây lâu năm mà người sử dụng đất được Nhà nước công nhận/trao quyền. Thông tin về thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm được ghi nhận tại trang 2 của Giấy chứng nhận tại mục thời hạn sử dụng.

Người sử dụng đất trồng cây lâu năm không được quyền tiếp tục sử dụng đất nếu quá thời hạn sử dụng đất được ghi tại trang 2 Giấy chứng nhận mà không được Nhà nước gia hạn (áp dụng đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất) hoặc không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, bị Nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật.

6. Câu hỏi thường gặp 

6.1. Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất trồng cây lâu năm được không?

Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất trồng cây lâu năm.

6.2. Ai được phép đề nghị cấp sổ đỏ cho đất trồng cây lâu năm?

Các cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất trồng cây lâu năm, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

6.3. Đất trồng cây lâu năm bị thu hồi đất trong trường hợp nào?

Căn cứ vào Điều 64 Luật đất đai 2013 quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất trồng cây lâu lăm quy định như sau:
“h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;”

Do vậy, khi đất trồng cây lâu năm bị bỏ hoang 18 tháng liên tục, nhà nước sẽ thực hiện quyền thu hồi của mình đối với thửa đất đó

Công ty Luật ACC hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về quy định về sổ đỏ đất trồng cây lâu năm. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để có thể hỗ trợ bạn sớm nhất có thể.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (265 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo