Quy định về nghỉ bù khi làm thêm giờ theo pháp luật (2023)

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

ways-to-relax-1590605206
Quy định về nghỉ bù khi làm thêm giờ theo pháp luật (2023)

1. Nghỉ bù là gì?

Nghỉ bù là sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

2. Công ty có bắt buộc phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định làm thêm giờ như sau:
"1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động."
Trước đây, khi Nghị định 45/2013/NĐ-CP còn hiệu lực (văn bản hướng dẫn hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động), thì sau mỗi đợt làm thêm giờ tối đa 07 ngày liên tục trong tháng thì công ty có nghĩa vụ bố trí cho NLĐ nghỉ bù khoảng thời gian không được nghỉ.

Nếu không thể bố trí để NLĐ được nghỉ bù đủ số thời gian mà NLĐ làm thêm giờ thì công ty phải trả lương làm thêm giờ cho NLĐ theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2012. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 của Nghị định 45/2013/NĐ-CP có quy định:

“3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;
b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động”.
Tuy nhiên, khi Bộ luật Lao động 2019 ra đời và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thì nội dung nêu trên đã không còn được ghi nhận nữa.

Do vậy, sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục thì công ty không cần phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Lưu ý thực tế hiện nay, có một số công ty sẽ cho NLĐ nghỉ bù sau nhiều ngày làm thêm giờ để giảm bớt chi phí trả lương làm thêm giờ. Bởi họ cho rằng NLĐ đã được nghỉ bù thì không cần phải trả tiền làm thêm giờ nữa.

Tuy nhiên, việc công ty cho NLĐ nghỉ bù sau thời gian làm thêm giờ mà không trả lương làm thêm giờ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động và có rủi ro sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Do vậy, dù công ty có thỏa thuận với NLĐ về việc NLĐ được nghỉ bù sau một khoảng thời gian làm việc liên tục đi chăng nữa thì vẫn phải trả lương làm thêm giờ cho NLĐ trong mọi trường hợp.

3. Các trường hợp nào thì người lao động sẽ được nghỉ bù?

Căn cứ theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:

“3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp”.
Như vậy, trong Bộ luật Lao động 2019 chỉ còn khái niệm “nghỉ bù” nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết.

Theo đó, NLĐ sẽ được “nghỉ bù” vào ngày làm việc kế tiếp khi mà ngày nghỉ hằng tuần của NLĐ bị trùng với ngày nghỉ lễ, Tết.

Ngoài ra, không có bất kỳ trường hợp nào khác mà công ty được quyền yêu cầu NLĐ nghỉ bù.

Như vậy có thể hiểu rằng nếu công ty tự quyết định cho NLĐ nghỉ bù sau nhiều ngày làm thêm giờ liên tục để không phải trả tiền làm thêm giờ là vi phạm pháp luật lao động.

Trong trường hợp này, để tránh xảy ra tranh chấp lao động không đáng có, nếu NLĐ nào có nhu cầu cần được nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian dài làm thêm giờ liên tục thì công ty và NLĐ có thể thỏa thuận với nhau để NLĐ được nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc nghỉ hằng năm có hưởng lương.

Cách tính lương đi làm trong những ngày nghỉ bù được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiền lương làm thêm giờ như sau:

"3. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần."
Và căn cứ theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

"1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Theo quy định này, tiền lương đi làm ngày nghỉ bù trả cho người lao động được tính như sau:

- Làm việc vào ban ngày: Được trả ít nhất 200% lương của ngày làm việc bình thường.

- Làm việc vào ban đêm: Được trả ít nhất 270% lương của ngày làm việc bình thường.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo