Việc xác định độ tuổi lao động là việc rất quan trọng bởi việc sử dụng lao động cần phải theo đúng quy định của pháp luật để tránh vi phạm pháp luật. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ cung cấp thông tin về Độ tuổi lao động theo quy định pháp luật là bao nhiêu?. Mời các bạn tham khảo.

1. Người lao động là gì?
Người lao động là các cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình lao động, có thể là làm việc bằng sức lao động hay là lao động trí óc, thông qua hành vi lao động trên thực tế mà được trả lương, làm việc dưới sự quản lý của người sử dụng lao động.
Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Theo quy định của Luật Lao động thì người lao động phải là người từ đủ 15 tuổi trở lên, phải làm việc theo nội dung được quy định trong hợp đồng lao động đã ký kết với bên chủ thể sử dụng lao động
Người lao động tham gia ký kết hợp đồng lao động theo ý chí của chính mình không bị tác động hay phụ thuộc bởi bất cứ chủ thể nào. Tuy nhiên đối với người lao động có độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi thì khi giao kết hợp đồng lao động bắt buộc phải có sự đồng ý từ phía người đại đại theo pháp luật như cha, mẹ hoặc cá nhân khác do pháp luật chỉ định.
2. Độ tuổi lao động của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019
Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động 2019.
Pháp luật hiện nay chưa có quy định về độ tuổi lao động tối đa mà chỉ có quy định về tuổi nghỉ hưu. Ngay cả khi quá tuổi nghỉ hưu, người lao động và người sử dụng lao động vẫn có thể giao kết hợp động theo quy định pháp luật, khi đó người lao động được gọi là người lao động cao tuổi.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu đối với nam là từ đủ 60 tuổi và với nữ là từ đủ 55 tuổi. Theo quy định mới tại Bộ Luật Lao động năm 2019 thì độ tuổi nghỉ hưu đối với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình. Bắt đầu từ 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường sẽ là 60 tuổi 03 tháng và sau đó cứ mỗi năm tăng lên 03 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028. Đối với nữ lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ là 55 tuổi 04 tháng, sau đó mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định về lao động chưa thành niên tại Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
“Điều 143. Lao động chưa thành niên
- Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
- Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
- Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”
Độ tuổi lao động ở Việt Nam thông thường (nếu tính đến đến tuổi nghỉ hưu) tính đến năm 2035 sẽ là từ 15 tuổi đến 62 tuổi đối với nam và từ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nữ, những trường hợp sử dụng người lao động dưới độ tuổi lao động hoặc những đối tượng đã quá tuổi lao động phải tuân theo các quy định về công việc theo Bộ luật Lao động.
3. Quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:
(1) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau:
- Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
- Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;
- Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
(2) Sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi
Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019.
(3) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi
Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng phải đáp ứng điều kiện sau:
- Không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi;
- Phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Quy định về sử dụng người lao động cao tuổi
Căn cứ khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
- Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
- Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Trên đây là tất cả thông tin về Độ tuổi lao động theo quy định pháp luật là bao nhiêu? mà Công ty Luật ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!
Nội dung bài viết:
Bình luận