Trong nhiều trường hợp, người vợ cảm thấy mối quan hệ hôn nhân không còn mang lại hạnh phúc hoặc an toàn nhưng lại gặp khó khăn khi chồng không đồng ý ly hôn. Vậy câu hỏi đặt ra, nếu ly hôn đơn phương nhưng chồng không đồng ý thì làm sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin pháp lý liên quan đến việc đơn phương ly hôn, những trường hợp được phép, và giải đáp một số thắc mắc thường gặp.
Đơn phương ly hôn khi chồng không đồng ý thì làm sao?
1. Những trường hợp được đơn phương ly hôn
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình, được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐ thì một số trường hợp được ly hôn đơn phương bao gồm:
- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình:.Một trong những lý do phổ biến nhất để yêu cầu ly hôn đơn phương là bạo lực gia đình. Nếu một bên vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của bên còn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì bên bị tổn hại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
- Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng .Tức là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia. Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.
- Không có tình nghĩa vợ chồng. Đối với tiêu chí này, nên gọi đúng hơn đó là không còn tình cảm vợ chồng với nhau nữa, điều đó xảy ra khi một bên cảm thấy hôn nhân không còn tình cảm, không còn sự gắn bó và chung sống trở nên vô nghĩa, đây cũng có thể là lý do để yêu cầu ly hôn đơn phương. Ví dụ như: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
- Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình.Nếu phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình, một bên có thể yêu cầu ly hôn đơn phương, đặc biệt khi việc ngoại tình gây ra sự tổn thương nghiêm trọng đến mối quan hệ hôn nhân
- Mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, không thể điều hòa được. Điều này biểu hiện ở hành vi vợ hoặc chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau; Hoặc Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
2. Ly hôn đơn phương có cần chồng tham dự không?
Ly hôn đơn phương có cần chồng tham dự không?
Theo pháp luật, căn cứ Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, theo đó, triệu tập hợp lệ lần một mà vắng mặt thì Tòa án tạm hoãn phiên tòa. Triệu tập hợp lệ lần hai mà không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn xét xử bình thường.
Chính vì vậy, việc ly hôn đơn phương vẫn có thể được giải quyết mà không cần sự có mặt của chồng, đặc biệt trong các trường hợp đặc biệt như mất tích, đang thi hành án phạt tù hoặc không thể tham dự vì lý do khác.
Tuy nhiên,về mặt thực tiễn thì Tòa án vẫn sẽ cố gắng triệu tập chồng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên được thực hiện đầy đủ, ngoại trừ trường hợp người chồng cố tình vắng mặt mà không có lý do chính đáng.
3. Chồng không đồng ý ly hôn thì làm sao?
Trong trường hợp này, người vợ có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu ly hôn đơn phương theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và tiến hành thủ tục khởi kiện ly hôn đơn phương theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Cụ thể căn cứ theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì vợ là người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có một trong những lý do chính đáng được pháp luật công nhận về quyền đơn phương ly hôn. Lúc này, Tòa án sẽ xem xét lý do yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương mà không cần sự đồng ý hay ký tên của người chồng.
Tòa án sẽ dựa trên những chứng cứ mà vợ cung cấp để xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng. Trường hợp chồng không có mặt trong phiên tòa dù đã được triệu tập hợp lệ, tòa án có quyền tiến hành xử lý vắng mặt và ra quyết định ly hôn nếu thấy đủ căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
4. Một số câu hỏi liên quan thường gặp
Ly hôn đơn phương mất bao lâu?
Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc và quá trình thu thập chứng cứ.
Ly hôn đơn phương có cần hòa giải không?
Trước khi đưa vụ việc ra tòa, cơ quan chức năng sẽ tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành, tòa án mới tiếp tục xử lý.
Tài sản chung sẽ được chia như thế nào?
Tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia theo nguyên tắc công bằng, có tính đến các yếu tố như công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình và bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng và con cái.
Có thể hủy quyết định ly hôn được không?
Được. Sau khi tòa án đã ra quyết định ly hôn và quyết định này đã có hiệu lực pháp luật, việc hủy quyết định ly hôn chỉ có thể được thực hiện theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) hoặc thủ tục tái thẩm (Điều 351 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Xét về bản chất thì hôn nhân là để hướng tới hạnh phúc, nhưng đôi khi hạnh phúc không còn bởi nhiều lẽ khác nhau một bên vợ hoặc chồng vẫn muốn giữ lại cuộc hôn nhân. Nhằm đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả hai phía, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của các bên trong vấn đề này. Chính vì thế, việc hiểu rõ và tuân thủ quy trình pháp lý sẽ giúp bạn bảo vệ được quyền lợi của mình và con cái một cách tốt nhất khi rơi vào trường hợp không may này.
Nội dung bài viết:
Bình luận