Hợp đồng và luật hợp đồng là chế định cốt lõi của luật tư nói riêng và của toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung. Do đó, việc xây dựng một cách khoa học khái niệm hợp đồng cũng như các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh nó có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Vậy khái niệm hợp đồng được Bộ luật dân sự 2015 quy định như thế nào? Mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây với nội dung phân tích Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 nhé!
Điều 385 Bộ luật dân sự 2015
1. Khái niệm Hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2015
Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
2. Phân tích Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 về khái niệm Hợp đồng
Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là nguyên tắc tự do thoả thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, có thể là sự giao kết giữa hai bên hoặc giữa nhiều bên với nhau, cùng có sự thống nhất về ý chí, tự nguyện và phù hợp với ý chí của Nhà nước.
Từ khái niệm được quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 ta thấy được một số khía cạnh:
+ Hợp đồng là một sự kiện pháp lý làm phát sinh các hậu quả pháp lý, đó là: xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự của bên chủ thể trong thực hiện giao kết hợp đồng.
+ Nội dung giao kết của hợp đồng là các quyền và nghĩa vụ mà các bên chủ thể trong hợp đồng thỏa thuận và cùng cam kết thực hiện.
+ Mục đích của hợp đồng khi ký kết hợp đồng là phải đảm bảo các lợi ích hợp pháp của các bên, không được trái với đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Chỉ khi đáp ứng được các mục đích đó thì hợp đồng mà các bên giao kết mới được thừa nhận là hợp pháp và có giá trị pháp lý.
Định nghĩa cũng cho thấy, để tồn tại một hợp đồng thì phải có sự thỏa thuận giữa các bên. Sự thỏa thuận đó được hình thành từ hai phía, theo đó một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và một bên đưa ra chấp nhận đề nghị giao kết đó. Đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghị giao kết được coi là điều kiện cần và đủ để hình thành nên một hợp đồng.
Hợp đồng = Thỏa thuận = Đề nghị giao kết hợp đồng + Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Ngoài ra, có thể thấy nhà làm luật nhìn nhận về sự ràng buộc của hợp đồng nghiêng về mặt chủ quan của sự thỏa thuận ý chí hơn là mặt khách quan/kết quả của sự thỏa thuận đó. Người ta quan tâm đến việc các bên có ý chí tạo lập hệ quả pháp lý ràng buộc mình hay không hơn là việc hệ quả pháp lý ràng buộc các bên xuất phát từ sự thỏa thuận hay xuất phát từ quy chế pháp lý được định sẵn bởi pháp luật.
3. Ý nghĩa của Điều 385 Bộ luật dân sự 2015
Hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh là nội dung quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại kinh tế thị trường. Hiện nay, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm....,Trong đó, Bộ luật Dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm.
Có thể thấy, khái niệm hợp đồng trong pháp luật Việt Nam được hoàn thiện dần theo thời gian. So với định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự 2005 có thể nhận thấy định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015 có một sự tiến bộ đáng kể: Nếu Điều 394 Bộ luật dân sự 2005 sử dụng thuật ngữ “Khái niệm hợp đồng dân sự” thì Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ đi cụm từ “dân sự” và chỉ để “Khái niệm hợp đồng”. Quy định mới về khái niệm hợp đồng tại Điều 385 của BLDS năm 2015 là điểm mới quan trọng, đáng chú ý không những về mặt kỹ thuật lập pháp và còn làm tăng tính khả thi, minh bạch trong thực tiễn áp dụng, mở rộng phạm vi điều chỉnh. Định nghĩa này thể hiện sự tiến bộ và hợp lý bởi lẽ khái niệm hợp đồng vừa thể hiện sự ngắn gọn, súc tích vừa mang tính khái quát cao được hiểu là bao gồm tất cả các loại hợp đồng theo nghĩa rộng (hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ…) chứ không chỉ là các hợp đồng dân sự theo nghĩa hẹp đơn thuần. Sự sửa đổi này nhằm loại bỏ mọi cách hiểu không chính xác cả về mặt khoa học và trong thực tiễn về phạm vi điều chỉnh của chế định hợp đồng trong BLDS, để chế định hợp đồng này là nền tảng của mọi quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực tư.
4. Các vấn đề cơ bản khác của hợp đồng
Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau mà hợp đồng được phân thành nhiều loại, trong đó theo quy định tại Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có 06 loại hợp đồng chủ yếu, như sau:
(1) Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
(2) Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
(3) Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
(4) Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
(5) Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về một số loại hợp đồng thông dụng là căn cứ quan trọng giúp các bên có căn cứ để áp dụng trên thực tế như: Điều 430. Hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430); Hợp đồng trao đổi tài sản (Điều 455); Hợp đồng tặng cho tài sản (Điều 457); Hợp đồng vay tài sản (Điều 463); Hợp đồng thuê tài sản (Điều 472);......
Về Hình thức của hợp đồng
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện sự thỏa thuận của các bên. Hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Có một số hợp đồng bắt buộc phải công chứng như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất… còn lại thì không yêu cầu bắt buộc công chứng.
Về Nội dung của hợp đồng
– Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
– Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
+ Đối tượng của hợp đồng;
+ Số lượng, chất lượng;
+ Giá, phương thức thanh toán;
+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
+ Phương thức giải quyết tranh chấp.
Về Hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung phân tích của chúng tôi về Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 về Khái niệm hợp đồng. Với những kiến thức chọn lọc, phân tích và đánh giá ở trên chúng tôi hy vọng quý bạn đọc đã hiểu được thêm về khái niệm hợp đồng cũng như những vấn đề pháp lý xoay quanh khái niệm hợp đồng để từ đó các bạn có thể áp dụng và giải quyết có hiệu quả hơn những vướng mắc trong đời sống của mình. Nếu còn bất kì vướng mắc gì về nội dung này hoặc các vấn đề pháp lý khác bạn có thể phản hồi với Luật ACC chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn kịp thời.
Bình luận