Ngày nay, khi mà mạng Internet ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho cuộc sống con người, cũng không thể phủ nhận những hậu quả tiêu cực nặng nề mà mạng xã hội đem đến. Trong đó, bạo lực mạng thường xuyên xuất hiện, trở thành một vấn nạn không hồi kết với những hệ lụy vô cùng lớn.
Bạo lực mạng
I. Bạo lực mạng là gì?
Bạo lực mạng là việc sử dụng công nghệ thông tin và internet để gây hại, đe dọa, hoặc xâm phạm đến quyền riêng tư, danh dự, và an ninh của người khác thông qua các hành vi online như quấy rối, đe dọa, xâm phạm quyền riêng tư, hoặc tạo ra nội dung xúc phạm.
>> Nếu các bạn muốn hiểu thêm về Các hành vi bạo lực mạng hiện nay hãy đọc bài viết để biết thêm thông tin chi tiết: Các hành vi bạo lực mạng hiện nay
II. Tác hại của bạo lực mạng
Nhiều người nghĩ mạng là thế giới ảo làm sao ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế được, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Bạo lực mạng diễn ra trực tuyến, nhưng nó ảnh hưởng đến những người ngoại tuyến và có tác động đến thế giới thực, khiến nạn nhân có thể bị sợ hãi, lo lắng hoặc đáng sợ hơn là kẻ xấu chi phối hành động ngoài đời thật của nạn nhân.
Từ đó có thể thấy, tác hại của bạo lực mạng là vô cùng lớn. Đặc biệt là khi câu chuyện gắn với những người nổi tiếng, có tên tuổi và sức ảnh hưởng. Khi đó, bạo lực mạng diễn ra càng đem lại hậu quả to lớn gấp nhiều lần.
Bởi khi những hot Facebooker, hot TikToker đã có lượng fan theo dõi, ủng hộ riêng, thì họ luôn được những người yêu mến bênh vực, bảo vệ, đôi khi là bất chấp lý lẽ, đúng sai. Để rồi người chịu thiệt thòi nhất chính là người “bị tấn công”. Nếu những người bình thường khi gặp bạo lực mạng bị ảnh hưởng 01 lần, thì có lẽ khi bị người đã có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội “tấn công” sẽ phải chịu ảnh hưởng gấp 10 lần, 100 lần.
Cho đến nay, khi giới trẻ ngày càng phát triển nhanh và tiếp cận sớm với mạng xã hội, những câu chuyện bạo lực mạng không còn xa lạ, đôi khi là diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Không chỉ nhắm đến những người bình thường, bạo lực mạng còn có thể xảy ra với những công ty kinh doanh. Điển hình như những ngày gần đây, cộng động mạng có dịp xôn xao khi xuất hiện sự việc một công ty kinh doanh trong mảng thương mại điện tử bị “tấn công”. Ban đầu chỉ là những lời nói vô căn cứ về vị CEO của công ty này, nhưng qua những trao đổi, lời nói qua lại của cộng đồng cư dân mạng mà công ty của CEO này cũng bị kéo vào, không chỉ gây ảnh hưởng tới danh dự con người mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín công ty cũng như tâm lý những khách hàng đang tin tưởng công ty này.
Bạo lực mạng
Bạo lực mạng ở đây là những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu người khác trên mạng xã hội. Chúng ta vẫn nghĩ đó là những câu chuyện hết sức bình thường, nhưng hậu quả nó mang đến lại vô cùng to lớn.
Những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bằng quyền lực của mình, dùng lời lẽ “tấn công” người khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tâm lý, đôi khi là sức khỏe, tinh thần.
Đặc biệt nguy hiểm khi những lời tấn công đó được ủng hộ, bênh vực từ những người yêu mến không phân biệt rõ lý lẽ, đúng sai.
Kinh khủng hơn, khi bạo lực mạng không chỉ diễn ra một mình, mà còn là nhiều người cùng rủ nhau bạo lực mạng hội đồng.
Có thể thấy, bạo lực mạng tưởng không nguy hiểm mà lại nguy hiểm không tưởng. Đã có không ít những hậu quả đáng buồn xảy ra, nhẹ thì bị ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm, nặng hơn nữa đôi khi là những hành động nghĩ quẩn, mất đi sự sống. Và ngay cả khi những người bị bạo lực mạng có mạnh mẽ vượt qua những giây phút này, thì đằng sau đó, hệ quả để lại không hề bị mất đi. Những lời nói xuyên tạc, bôi nhọ đã xuất hiện ảnh hưởng đến danh dự cá nhân ai sẽ là người giải quyết? Những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần ai sẽ là người chữa lành? Nặng nề hơn, những bệnh tật hay mất mát xảy ra, ai sẽ là nguời chịu trách nhiệm?
Rõ ràng, bạo lực mạng chính là một vấn nạn không hồi kết và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Cho dù đã có những luật định riêng về an ninh mạng, thế nhưng có lẽ vẫn chưa đủ răn đe với những trường hợp coi thường pháp luật.
Cho dù công dân có quyền tự do ngôn luận qua các việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Là một người sử dụng mạng xã hội văn minh, nói không với bạo lực mạng, người dân cần nhận thức hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.
Đồng thời, khi muốn tố cáo một ai đó, cần có bằng chứng cụ thể và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật chứ không nên dựa vào sức ảnh hưởng của mình mà đưa ra lời vu khống vô căn cứ hay đơn giản chỉ là truyền miệng không rõ mục đích. Qua đây, người dân cũng nên kiểm chứng thông tin trên mạng có chọn lọc để tránh bị cuốn vào những hậu quả không đáng có.
Hãy là một người sử dụng mạng xã hội văn minh, cùng góp phần đẩy lùi bạo lực mạng, giúp cho mạng xã hội trong sạch hơn!
III. Tác động của bạo lực mạng với sức khỏe tinh thần
Một nghiên cứu Sức khỏe trẻ em (Kidshealth) thực hiện năm 2012 cho thấy tác động tiêu cực của bạo lực mạng lên sức khỏe tinh thần của những người trẻ, kể cả trẻ em, là không hề nhỏ. Nạn nhân phải hứng chịu sự phủ nhận của một nhóm người trong thời gian dài, kéo theo đó là cảm giác cô độc, tách biệt xã hội, tự tôn sụt giảm và trầm cảm. Những hệ quả của bạo lực mạng gồm có:
+ Rối loạn liên quan căng thẳng: Những người là nạn nhân của bạo lực mạng dễ cảm thấy bất an, suy sụp hơn. Những đối tượng này dễ lạc lõng và phiền muộn vì họ cảm thấy cuộc sống xung quanh như sụp đổ. Nạn nhân của những trò bắt nạt này có nguy cơ cao sẽ mắc chứng trầm cảm hay các triệu chứng căng thẳng thần kinh khác như đau đầu, đau bụng, mất ngủ...
+ Vấn đề cảm xúc: Một trong những điều mà người bị bạo lực mạng chịu đựng chính là khuyết thiếu cảm giác an toàn và họ gần như luôn trong tình trạng sợ hãi. Máy tính, điện thoại hay một thư mới trong hộp thư cũng sẽ khiến nạn nhân nảy sinh sợ hãi.
+ Tự tử: Sau vô vàn chịu đựng đè nén, hệ quả cuối cùng và cũng nghiêm trọng nhất của bạo lực mạng chính là những cái chết trẻ. Những nạn nhân của sự bắt nạt này thường nghĩ đến cái chết từ 2 - 9 lần so với người khác.
IV. Liệu có thể xoa dịu bạo lực mạng?
Thật ra cho đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp cụ thể hay rõ ràng nào. Đa số lời khuyên cho rằng, với đối tượng trẻ vị thành niên thì sự quan tâm, kiểm soát của phụ huynh vô cùng quan trọng trong việc giúp con cái tránh khỏi bạo lực mạng. Phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn, hướng dẫn con trẻ sử dụng mạng đúng cách hoặc có thể áp dụng các biện pháp nhưng ngăn chặn một số trang web, diễn đàn không lành mạnh. Mặt khác, dành thời gian quan tâm và chia sẻ cùng con là cách để các phụ huynh nhanh chóng phát hiện ra vấn đề và kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, đối với các nạn nhân ở độ tuổi nổi loạn hoặc lớn hơn, họ có xu hướng không chia sẻ với phụ huynh mà học cách tự giải quyết hay chịu đựng một mình, chủ yếu vì hai nguyên nhân chính: 1 là sợ cha mẹ sẽ can thiệp vào quyền lợi của họ (tịch thu điện thoại, không cho truy cập mạng…), 2 là sợ cha mẹ chỉ đơn giản nói với họ: “kệ đi”.
V. Câu hỏi thường gặp
1. Bạo lực mạng là gì?
Bạo lực mạng là hành vi sử dụng mạng internet và các nền tảng trực tuyến để tạo ra, chia sẻ hoặc lan truyền nội dung bạo lực, đe dọa, xúc phạm hoặc gây hại đến người khác. Điều này có thể bao gồm việc tung ảnh, video, thông điệp bạo lực, hay những hành động trực tuyến nhằm gây hại tâm lý hoặc vật lý.
2. Bạo lực mạng có thể có hình thức như thế nào?
Bạo lực mạng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm hình ảnh bạo lực, đe dọa qua tin nhắn, phản đối hoặc quấy rối trực tuyến, hoặc thậm chí tạo ra các nội dung để khêu gợi tội phạm.
3. Tại sao bạo lực mạng là mối đe dọa?
Bạo lực mạng có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến tâm lý và tinh thần của những người bị tác động. Nó cũng có thể tạo ra môi trường không an toàn trên mạng, ảnh hưởng đến sự tự do ngôn luận và tạo ra những tác động xã hội tiêu cực.
4. Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng?
Để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng, hãy duy trì tư duy an toàn trực tuyến. Đừng tiếp xúc với nội dung độc hại, báo cáo những hành vi bạo lực mạng, và bảo vệ thông tin cá nhân của bạn để tránh rơi vào tầm ngắm của những kẻ xấu.
5. Hành vi bạo lực mạng có hậu quả pháp lý không?
Nhiều quốc gia đã thiết lập các quy định pháp lý để kiểm soát và trừng phạt hành vi bạo lực mạng. Những hành vi này có thể bị xem xét là vi phạm pháp luật và chịu hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vi phạm.
Bạo lực mạng không chỉ là một hiện tượng mà còn là một thách thức nghiêm trọng mà xã hội đang phải đối diện trong thời đại số hóa ngày nay. Việc hiểu rõ về bạo lực mạng là bước đầu tiên để chúng ta có thể xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn và tôn trọng, nơi mà mọi người có thể thể hiện ý kiến và chia sẻ thông tin mà không cần phải sợ hãi.
Chúng ta cần nhận thức rõ ràng về tác động của bạo lực mạng đối với tâm lý và tâm hồn của con người, đặc biệt là các thế hệ trẻ đang tiếp xúc với môi trường trực tuyến từ sớm. Chúng ta cũng cần hợp tác, tạo ra các chính sách và quy định để kiểm soát và giảm thiểu bạo lực mạng.
Hãy chung tay xây dựng một không gian trực tuyến lành mạnh, nơi mà sự tôn trọng và sự an toàn được đặt lên hàng đầu. Chúng ta có thể thay đổi tương lai của môi trường trực tuyến bằng việc hiểu rõ về bạo lực mạng và thực hiện những hành động tích cực để giải quyết vấn đề này.
Nội dung bài viết:
Bình luận