Nhiều doanh nghiệp hiện nay đăng ký Vốn điều lệ lớn để thực hiện các mục đích kêu gọi đầu tư hoặc thể hiện năng lực tài chính với đối tác, nhưng vốn thực góp lại thấp hơn rất nhiều vốn điều lệ đã đăng ký (thường gọi là: vốn điều lệ "ảo") . Vậy phải xử lý thế nào đối với các trường hợp này?
Doanh nghiệp đăng kí vốn điều lệ "ảo", Xử lí như thế nào?
1. Vốn điều lệ là gì?
Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 đã giải thích cụ thể về khái niệm vốn điều lệ là gì như sau:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
2. Những trường hợp đăng kí vốn điều lệ cao hơn nhiều so với số vốn góp thực tế tạo ra rủi ro gì?
Đối với các trường hợp góp vốn “ảo”, vốn điều lệ trên giấy đăng ký kinh doanh cao hơn so với vốn góp thực tế thì rủi ro đầu tiên thuộc về chính công ty đó. Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký là một trong các hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt theo Nghị định số 50/2016/NĐ – CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Về nguyên tắc, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không kiểm tra xem liệu số vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký có đúng là số vốn góp trên thực tế hay không nhưng trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hay nộp hồ sơ vay vốn ngân hàng thì việc góp vốn “ảo” sớm muộn sẽ bị phát hiện và xử phạt.
Bên cạnh đó, các cổ đông hay thành viên góp vốn vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Nếu các cổ đông, thành viên đăng ký góp vốn điều lệ cao hơn so với thực tế thì trách nhiệm bằng tài sản mà họ phải chịu cũng cao hơn. Các tranh chấp liên quan đến phân chia lợi nhuận, trách nhiệm,… trong nội bộ doanh nghiệp cũng bắt đầu từ đây.
Rủi ro cũng có thể phát sinh với đối tác của những doanh nghiệp này. Nhiều người nghĩ rằng vốn điều lệ cao có thể coi như một bản lý lịch đẹp của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp đó. Do vậy, thường có tâm lý chủ quan trong giai đoạn tìm hiểu đối tác, để đến khi ký kết hợp đồng rồi mới nhận ra đối tác của mình không “mạnh” đến thế.
3. Cách thức xử lý trường hợp kê khai vốn điều lệ "ảo"
- Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thời gian để thành viên góp vốn đủ cho công ty là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Sau thời gian này mà công ty có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.
- Căn cứ theo khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 thì hành vi đăng kí vốn ảo bị pháp luật nghiêm cấm, theo đó hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức và từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và phần góp bằng số vốn thực đã góp trên thực tế. Như vậy, hành vi thực hiện đăng ký vốn ảo đã có cơ chế xử phạt hợp lý.
Hiện nay, đối với việc quản lý đăng kí kinh doanh, Nhà nước áp dụng phương thức “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm”. Ở thời điểm doanh nghiệp đăng ký, Nhà nước không có trách nhiệm phải xác nhận tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký mà đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp, nếu trong quá trình hoạt động cơ quan nhà nước phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tinh thần cởi mở này giúp đảm bảo, tạo điều kiện về khía cạnh linh hoạt và kịp thời cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, cũng phù hợp với lĩnh vực hoạt động kinh doanh cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh từ việc cơ quan nhà nước không kiểm tra tính chính xác và trung thực trong thông tin đăng ký kinh doanh ở thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký, là do cơ chế “hậu kiểm” còn chưa được quy định chặt chẽ: về quy trình, thủ tục cụ thể; về thời điểm, thời hạn kiểm tra với doanh nghiệp … đều chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định về cơ chế “hậu kiểm” chi tiết, cụ thể hơn.
Trên đây là Doanh nghiệp đăng kí vốn điều lệ "ảo", Xử lí như thế nào? được cung cấp đến bạn đọc. Trong quá trình nghiên cứu nếu như còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ ACC để được tư vấn cụ thể.
4. Câu hỏi thường gặp
1. Thời hạn góp vốn là gì?
Thời hạn góp vốn là thời hạn mà các thành viên công ty phải góp đủ vốn điều lệ. Thời hạn góp vốn được quy định trong Điều lệ công ty.
2. Giấy chứng nhận góp vốn là gì?
Giấy chứng nhận góp vốn là giấy tờ do công ty cấp cho các thành viên công ty để xác nhận việc góp vốn của các thành viên. Giấy chứng nhận góp vốn được sử dụng để xác định quyền và nghĩa vụ của các thành viên công ty đối với công ty.
3. Vốn điều lệ của doanh nghiệp có ảnh hưởng gì đến việc vay vốn của doanh nghiệp?
Vốn điều lệ của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để các tổ chức tín dụng xem xét khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn sẽ được các tổ chức tín dụng đánh giá cao về khả năng tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn sẽ có nhiều cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi và điều kiện thuận lợi hơn.
Nội dung bài viết:
Bình luận