Tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người thấp. Mời quý độc giả cùng ACC tìm hiểu xử lý vi phạm hành chính trong tham nhũng thông qua bài viết dưới đây.
1. Các quy định về việc xử lý người có hành vi tham nhũng
Đối với xử lý vi phạm hành chính những người có hành vi tham nhũng, khoản 2, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định: “Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tuy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Từ quy định này có thể nhận thấy những người có một trong 12 hành vi tham nhũng bất kể là người giữ chức vụ gì, vị trí công tác nào đều phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ tương ứng. Đây là điều khoản duy nhất trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đề cập đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng là điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc xác định mức độ xử phạt hành chính chưa được quy định cụ thể gây ra những lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật này trên thực tế. Đối với loại vi phạm cá nhân này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng không có hướng dẫn cụ thể. Duy nhất chỉ có một quy định[1] về xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Như vậy, trong trường hợp cá nhân có vi phạm quy định về tặng và nhận quà tặng thì bên cạnh việc bồi hoàn giá trị quà tặng còn phải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm.
Từ quy định này viện dẫn đến quy định tương ứng tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Các hình thức xử phạt hành chính bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Mức hình phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là 50.000.000 đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân có thể (i) bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính; (ii) bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: (a) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản; (b) buộc nộp lại số tiền do thực hiện hành vi hành chính gây ra; (c) Buộc hoàn trả lại tài sản, trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả tiền bằng trả bằng tài sản khác có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu; (d) buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (đ) buộc huỷ các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định trong việc đăng nhập, sử dụng số liệu về tài sản công; (e) buộc điều chỉnh, bổ sung về tài sản công[2]. Tuy nhiên có thể nhận thấy hai điểm hạn chế trong quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân có hành vi tham nhũng đó là:
Thứ nhất, rất khó để xác định tính chất và mức độ vị phạm của cá nhân khi thực hiện các hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Hiện nay, không có một công cụ xác định hoặc quy định cụ thể phân tách các tính chất và mức độ vi phạm hành chính của cá nhân có hành vi tham nhũng. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất, lúng túng trong việc áp dụng của cơ quan xử lý vi phạm trên thực tiễn.
Thứ hai, những quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xem xét như những quy định gốc để đối chiếu, so sánh với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về vấn đề xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay mới chỉ quy định rất chung chung về việc xử phạt vi phạm hành chính như đã phân tích ở trên. Ngoài xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thì các hành vi tham nhũng khác của cá nhân sẽ được xử lý như thế nào. Rõ ràng, đây là một thiếu sót lớn của pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Thứ ba, đối với trường hợp xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách[3]. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay chỉ quy định về xử lý kỷ luật đối với đối tượng này. Hình thức xử lý này vẫn được xem là quá nhẹ nhàng trong trường hợp này.
Như vậy có thể thấy các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân có hành vi tham nhũng chưa được Luật Phòng, chống tham nhũng thể hiện rõ ràng và đầy đủ. Quy định còn mang tính hình thức như một hình thức xử lý vi phạm khác bên cạnh xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Sự viện dẫn đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vẫn còn mờ nhạt và thiếu sự gắn kết, dẫn đến những mơ hồ, lúng túng khi áp dụng quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân có hành vi tham nhũng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ như đối với cá nhân lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào? Hơn thế nữa, các quy định dẫn chiếu trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 cũng chỉ là các quy định chung thay vì cụ thể chia thành từng mức vi phạm như trường hợp vi phạm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Và có nên xem xét hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách hay không?
2. Các quy định về việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước
Nội dung quy định về xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước được quy định cụ thể hơn so với những vi phạm là hành vi tham nhũng do cá nhân thực hiện. Trước hết, cần xác định các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng bao gồm những vi phạm gì? Đó là những hành vi không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bao gồm 08 loại hành vi khác nhau. Cụ thể trong Khoản 1, Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là những vi phạm quy định về “a) công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (b) định mức, tiêu chuẩn, chế độ; (c) quy tắc ứng xử; (d) xung đột lợi ích; (đ) quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; (e) nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; (g) nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; (h) thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập”. Tuy nhiên, chỉ có 7 hành vi bao gồm a, b, c, d, đ, e và h thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối chiếu chéo với các quy định về “xử lý vi phạm” tại Điều 19 “Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ”; Điều 31 “Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập”; Điều 64 “xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” thì hình thức xử lý vi phạm hành chính không được quy định ở các quy định riêng biệt này trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Bên cạnh đó, các quy định chi tiết liên quan đến quy tắc ứng xử, xung đột lợi ích, chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn không được đề cập hay dẫn chiếu đến quy định về xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, có thể nói quy định về vấn đề này trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chưa rõ ràng và còn vướng mắc.
Tuy nhiên, tại Mục 2 Chương X Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã phần nào tháo gỡ vướng mắc đó trong quy định pháp luật tương ứng tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, các quy định từ Điều 81 đến Điều 85 đã đề cập đến 05 vấn đề đã được nêu ra tại Khoản 1, Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Cụ thể là việc xử lý vi phạm (1) quy định trong việc thực hiện công khai, minh bạch; (2) quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn; (3) quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) quy định về xung đột lợi ích; (5) quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định này chỉ đề cập đến hình thức xử lý kỷ luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là kỷ luật và việc áp dụng hình thức kỷ luật cụ thể nào tuỳ thuộc vào đối tượng vi phạm thuộc sự quản lý của cơ quan tổ chức nào. Bên cạnh đó, quy định về xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn và thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập lại không được đề cập. Điều này dẫn đến, các quy định về xử lý vi pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng nói chung và quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước trở nên khó theo dõi và chưa đầy đủ.
Điều 87 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP có quy định riêng về vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Sự xuất hiện của quy định này dẫn đến suy luận rằng những quy định phía trên từ Điều 81 đến Điều 86 của Nghị định này chỉ có mục đích đề cập đến xử lý kỷ luật đối với hành vi khác vi phạm về phòng, chống tham nhũng. Theo quy định tại Điều 87, trong các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức, đơn vị do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật khác có liên quan. Cụ thể là 07 hành vi vi phạm khác đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại Chương II “Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công”, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP gồm 24 điều. Trong đó, có phân chia thành các loại hành vi vi phạm cụ thể và các mức phạt hành chính đối với từng mức độ vi phạm. Tuy nhiên, loại hình vi phạm và mức độ vi phạm này khó để xác định, đối chiếu trong trường hợp các hành vi vi phạm là các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Hơn nữa, việc áp dụng các quy định pháp luật có liên quan để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước là quy định nào. Rất khó trong việc xác định những quy định đó trong một khuôn khổ pháp luật về vấn đề này còn chưa có sự thống nhất và quyết liệt.
Như vậy, có thể nhận thấy, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước gần như chỉ mang tính chất phòng ngừa vi phạm và hình thức bởi các quy định về vấn đề này trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019, Nghị định 63/2019 còn rời rạc. Các hành vi vi phạm được liệt kê nhưng không có hình thức xử lý vi phạm hành chính tương ứng, việc xác định tính chất và mức độ vi phạm đối với 07 nhóm hành vi này thực sự là một trở ngại khi triển khai trên thực tiễn.
Trên đây là bài viết cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính trong tham nhũng mà ACC muốn gửi gắm tới các bạn. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý khách hàng còn thắc mắc hay quan tâm và có nhu cầu được tư vấn về vấn đề trên, vui lòng liên hệ với ACC nhé!
Nội dung bài viết:
Bình luận