Vốn lưu động là một thuật ngữ khá quen thuộc trong lĩnh vực tài chính – kế toán. Trong quá trình kinh doanh, vốn lưu động không ngừng luân chuyển nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Để đo lường tốc độ luân chuyển vốn lưu động, doanh nghiệp thường sử dụng chỉ tiêu vòng quay vốn lưu động. Vậy vòng quay vốn lưu động là gì? được xác định như thế nào? và làm thế nào để tăng vòng quay vốn lưu động cũng như quản lý hiệu quả vốn lưu động? Các nội dung này sẽ được trình bày trong bài việt dưới đây.
1. Vòng quay vốn lưu động là gì?
Trước khi đến với khái niệm vòng quay vốn lưu động, ta cần hiểu được vốn lưu động là gì. Vốn lưu động (working capital) là một khái niệm trong tài chính – kế toán để chỉ khoản chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn không bao gồm nợ vay.
Trong đó, tài sản ngắn hạn là các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền trong thời gian ngắn (thường gắn với chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp). Tài sản ngắn hạn thường bao gồm các khoản tiền và tương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, và các tài sản ngắn hạn khác…. Giá trị tài sản ngắn hạn được thể hiện trên khoản mục tài sản ngắn hạn – mã số 100 trên Bảng Cân đối kế toán.
Nợ phải trả ngắn hạn là các khoản nợ mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán trong khoảng thời gian ngắn (thường là dưới một năm) Nợ phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp bao gồm: các khoản phải trả người bán ngắn hạn, các khoản phải trả nhân viên, các khoản phải trả về thuế, chi phí trích trước ngắn hạn, …. và là chỉ tiêu số 310 trên Bảng Cân đối kế toán.
Vốn lưu động là chỉ tiêu cho biết khả năng thanh toán và sức khỏe tài chính trong ngắn hạn của doanh nghiệp.
Vốn lưu động dương thể hiện doanh nghiệp đang có tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, sau khi thanh toán hết các khoản nợ ngắn hạn, công ty vẫn có nguồn để duy trì các hoạt động hiện tại cũng như đầu tư cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Ngược lại, vốn lưu động âm, nghĩa là nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, tài sản ngắn hạn không đủ để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn khi đến hạn. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến doanh nghiệp phụ thuộc tài chính, tăng rủi ro doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến nguy cơ bị các chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu quá hạn các khoản nợ từ 03 tháng trở lên.
Tuy nhiên, vốn lưu động quá cao cũng không hoàn toàn tốt. Khi vốn lưu động quá cao, doanh nghiệp đang có quá nhiều hàng tồn kho, quá nhiều khoản phải thu hay chưa tận dụng đầu tư tiền dư thừa, chưa tận dụng triệt để nguồn vốn sẵn có hay đang đối diện với nguy cơ hàng tồn kho ứ đọng nhiều, các khoản công nợ khó có khả năng thu hồi.
Vậy vòng quay vốn lưu động là gì? Vòng quay vốn lưu động (working capital turnover) là chỉ tiêu đo lường tốc độ luân chuyển vốn phản ánh mức độ hiệu quả trong việc sử dụng vốn lưu động để hỗ trợ tăng trưởng doanh thu và doanh số. Từ kết quả của chỉ tiêu này, ta sẽ biết được một đồng vốn lưu động bỏ ra sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu.
Vòng quay vốn lưu động cho thấy mối quan hệ giữa số vốn lưu động bỏ ra với doanh thu của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp ứng tiền để đầu tư vốn lưu động vào đầu chu kỳ sản xuất và thu tiền thông qua việc bán hàng và cung ứng các sản phẩm hàng hoá dịch vụ. doanh nghiệp thu được giá trị tăng thêm hay chính là lợi nhuận sau một chu kỳ luân chuyển vốn. Vì vậy, tính trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm) nếu số vòng quay vốn lưu động đạt được càng nhiều, lợi nhuận doanh nghiệp thu được càng lớn.
2. Cách tính vòng quay vốn lưu động
2.1. Cách tính vòng quay vốn lưu động
Vòng quay vốn lưu động được tính toán theo công thức sau:
Vòng quay vốn lưu động | = | Doanh thu thuần |
Vốn lưu động bình quân |
Trong đó:
– Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu. Giá trị này được lấy từ chỉ tiêu mã số 10 trên Báo cáo Kết quả kinh doanh.
– Vốn lưu động bình quân tham khảo tại bài viết Vốn lưu động là gì? Ý nghĩa, cách tính và vấn đề quản lý vốn lưu động
Chỉ tiêu vòng quay vốn lưu động thường được sử dụng đồng thời với chỉ tiêu kỳ luân chuyển vốn lưu động hay còn gọi là số ngày một vòng quay vốn lưu động
Kỳ luân chuyển vốn lưu động | = | Số ngày trong kỳ |
Số vòng quay vốn lưu động |
Chỉ tiêu kỳ luân chuyển vốn lưu động cho biết khoảng thời gian cần thiết để vốn lưu động hoàn thành một vòng quay. Kỳ luân chuyển vốn lưu động càng ngắn, tốc độ quay vòng vốn lưu động càng cao và ngược lại.
Số liệu để tính toán vòng quay vốn lưu động được lấy từ Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Người đọc Báo cáo tài chính cần lưu ý: trong khi hầu hết các nghiệp vụ ghi nhận trên sổ sách kế toán đều có thể xác định một cách chắc chắn giá trị từ chứng từ thực tế phát sinh, có một số khoản mục khó có thể đo lường một cách chính xác mà chỉ có thể ước tính (gọi là các ước tính kế toán). Ví dụ như dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định…
Các ước tính này được xác định từ đánh giá chủ quan của doanh nghiệp với độ tin cậy hợp lý, phù hợp với chuẩn mực kế toán, các quy định kế toán hiện hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn làm tăng nguy cơ doanh nghiệp sử dụng các ước tính kế toán mang nặng tính chủ quan để điều chỉnh lợi nhuận, làm sai lệch thông tin tài chính của doanh nghiệp. Do đó, các ước tính kế toán có thể là yếu tố được doanh nghiệp sử dụng nhằm bóp méo bức tranh tài chính theo mong muốn chủ quan, ảnh hưởng tới tính toán vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp.
2.2. Ý nghĩa của vòng quay vốn lưu động
Vòng quay vốn lưu động cho biết có bao nhiêu đồng doanh thu được tạo ra từ một đồng vốn lưu động tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, vì vậy, không ngạc nhiên khi tỷ lệ này càng cao sẽ càng tốt hơn. Càng nhiều doanh thu được tạo ra từ một đồng vốn lưu động đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp càng có lợi. Một ví dụ đơn giản, giả sử hai doanh nghiệp cùng tạo ra 100 đồng doanh thu, tuy nhiên doanh nghiệp A chỉ sử dụng 50 đồng vốn lưu động, trong khi doanh nghiệp B lại phải sử dụng 70 đồng vốn. Từ đó, có thể thấy vốn lưu động của doanh nghiệp A đang làm việc hiệu quả hơn vốn của doanh nghiệp B.
Vòng quay vốn lưu động cao đem lại điều gì cho doanh nghiệp?
Tỷ lệ quay vòng vốn lưu động cao có thể mang lại cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh trong ngành. Bởi vì tỷ lệ quay vòng vốn lưu động cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn lưu động nhiều lần hơn mỗi năm, tiền chảy vào và ra khỏi doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong chi tiêu, giúp tránh được những rắc rối hay ứ đọng về tài chính. VD: Nếu doanh nghiệp nhận thấy trong tương lai gần, nhu cầu thị trường với sản phẩm của doanh nghiệp tăng cao, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc đặt mua hàng hóa, giảm thiểu rủi ro thiếu hàng tồn kho đôi khi xảy ra khi doanh số bán hàng tăng cao.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ quay vòng vốn quá cao, cũng chưa chắc đã là điều tốt. Thoạt nhìn chỉ số cao có thể đánh giá doanh nghiệp đang hoạt động với hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, sự thật có thể là vốn lưu động của doanh nghiệp đang thấp một cách đang nguy hiểm, thậm chí tài sản ngắn hạn chỉ xấp xỉ nợ ngắn hạn. Điều này có có thể dẫn tới rủi ro mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn, và xa hơn là mất khả năng thanh toán trong dài hạn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển trong tương lai.
Nội dung bài viết:
Bình luận