Ví dụ về rủi ro trong thanh toán quốc tế

Ví dụ về rủi ro trong thanh toán quốc tế 

I. Rủi ro trong thanh toán quốc tế là gì?

Rủi ro trong thanh toán quốc tế là những rủi ro về kinh tế phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế, nó do các nguyên nhân phát sinh từ quan hệ giữa các bên tham gia TTQT (nhà xuất khẩu, nhập khẩu, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân và các tác nhân trung gian…) hoặc những nhân tố khách quan khác gây nên như thiên tai, chiến tranh, chính trị...

Rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế liên quan đến các giao dịch thương mại quốc tế.

Nó cũng giống như rủi ro trong giao dịch thương mại trong nước, nhưng phức tạp hơn do khoảng cách về địa lý, những khác biệt về văn hóa, luật pháp…

II.Một số rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế

Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá và phân loại rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế. Nếu theo nguyên nhân phát sinh ta có thể phân thành rủi ro tín dụng, rủi ro đạo đức, rủi ro quốc gia, rủi ro ngoại hối, rủi ro về tác nghiệp; còn ứng với những phương thức thanh toán khác nhau ta lại có thể phân chia ra các rủi ro đối với các bên tham gia.

1. Phân loại theo nguyên nhân phát sinh rủi ro thanh toán quốc tế

a.Rủi ro tín dụng:

Đây là rủi ro mất khả năng thanh toán của một trong các bên tham gia vào thanh toán đặc biệt trong phương thức tín dụng chứng từ. Nguyên nhân của loại rủi ro này:

Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, chịu sự chi phối lớn của các quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh… nên phải thường xuyên đối mặt với rủi ro từ mọi phía gây phản ứng dây chuyền khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh, thậm chí thua lỗ, vỡ nợ phá sản nên mất khả năng thanh toán.

Thứ hai, do thông tin tín dụng không đầy đủ, nếu một bên không nắm vững tình hình tài chính, uy tín khả năng thanh toán của đối tác, không am hiểu, không kiểm tra được các thông số kỹ thuật và hiệu quả của dự án mà mình tài trợ thì rủi ro tín dụng là điều khó tránh khỏi. Đây chính là thông tin không cân xứng.

Ví dụ: NHQĐ mở L/C với tổng trị giá: 699.556 USD nhập dầu DOP của công ty ELOPI cho Công ty VIMEXCO, Vũng tàu. Đến hạn Công ty VIMEXCO không tiêu thụ hết hàng và không có đủ tiền để thanh toán.

Cuối cùng NHQĐ đã phải trả thay và yêu cầu Công ty VIMEXCO nhận nợ vay bắt buộc. Vì vậy, lựa chọn khách hàng và ngân hàng nước ngoài có quan hệ tín dụng tốt là điều vô cùng quan trọng trong thanh toán quốc tế.

b. Rủi ro tỷ giá

+ Đối với nhà xuất khẩu, tỷ giá biến động sẽ phá vỡ kế hoạch tính toán của nhà xuất khẩu. Biến động tỷ giá hối đoái giảm còn ảnh hưởng khi nhà xuất khẩu nhận tài trợ xuất khẩu từ ngân hàng bằng nội tệ để phục vụ sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.

+ Đối với nhà nhập khẩu, việc lựa chọn đồng tiền thanh toán và đồng tiền tính toán trong một thương vụ khác nhau cũng gây nên rủi ro cho nhà nhập khẩu khi có biến động tỷ giá. Khi tỷ giá hối đoái biến động tăng sẽ bất lợi cho nhà nhập khẩu vì họ mua ngoại tệ thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu với giá cao nhưng giá cả tiêu thụ hoặc nguyên vật liệu còn phụ thuộc cung cầu thị trường không thể bù đắp nổi với biến động thay đổi tỷ giá.

+ Đối với các ngân hàng thương mại: Trong quá trình thực hiện thanh toán cho khách hàng, vấn đề quản lý nguồn ngoại tệ và hoạt động kinh doanh ngoại tệ để đảm bảo nhu cầu thanh toán trên cơ sở cân đối tài sản có bằng ngoại tệ là vô cùng quan trọng, nhằm tránh những rủi ro do biến động tỷ giá gây nên.

Ví dụ: Tổng Công ty May 10 ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 500.000USD ngày 08/05/2007, hợp đồng được thanh toán sau 6 tháng kể từ ngày ký - 08/11/2007. Tại thời điểm ký kết tỷ giá USD/VND = 16.200. Vào ngày thanh toán tỷ giá USD/VND = 16.000, như vậy cứ mỗi USD xuất khẩu công ty bị thiệt 200VND. Toàn bộ hợp đồng trị giá 500.000USD, công ty bị mất 100 triệu VND. Giải pháp:

- Sử dụng các phương pháp dự báo tỷ giá

- Lựa chọn ngoại tệ thanh toán

 - Sử dụng hợp đồng xuất nhập khẩu song hành

c. Rủi ro quốc gia:

Đây là những rủi ro liên quan đến sự thay đổi chính trị, kinh tế, về chính sách quản lý ngoại hối - ngoại thương của một quốc gia khiến cho nhà xuất khẩu không nhận được tiền hàng, nhà nhập khẩu không nhận được hàng hoá.

+ Rủi ro đối với nước NK xảy ra do những biến động hoặc biến cố bất thường trong quốc gia nhập khẩu khiến cho chính phủ của nước nhập khẩu cấm các công ty của nước mình thanh toán ngoại tệ ra nước ngoài, hoặc hàng hóa nhập khẩu thuộc diện cấm nhập khẩu nên không được làm thủ tục thông quan.

+ Rủi ro đối với nước XK xuất hiện khi có sự thay đổi về chính sách ngoại thương, thuế quan của quốc gia đó gây khó khăn cho việc cấp hàng và nhận tiền hàng của người XK

+ Rủi ro quốc gia cũng có thể xảy ra đồng thời với nhà XK và NK nếu sau khi ký kết hợp đồng ngoại thương chính phủ nước NK và XK đều không cho phép nhập và xuất mặt hàng đó nữa.

Ví dụ: Theo lệnh cấm vận của Mỹ, mọi khoản thanh toán bằng đồng USD qua hệ thống thanh toán bù trừ tại Mỹ cho những người hưởng có tên nằm trong danh sách cấm vận đều bị phong tỏa tại Mỹ. BIDV khi thực hiện lệnh thanh toán số tiền 13,000 USD theo đề nghị của khách hàng trong nước cho 13 người du lịch thăm dò thị trường Cuba đã gặp sơ suất khi nêu tên Cuba trong lệnh thanh toán.

Giao dịch trên khi được thực hiện bù trừ tại Mỹ thông qua ngân hàng đại lý American Express Bank, New York đã bị phong toả vì hệ thống điện tử phát hiện ra từ “Cuba”, là một nước bị Mỹ cấm vận. Mặc dù BIDV đã rất cố gắng liên hệ với các đối tác để tìm cách giải phóng số tiền bị phong toả, nhưng đều bị từ chối. Số tiền trên sẽ chỉ được trả lại cho BIDV khi Cuba không còn bị lệnh trừng phạt cấm vận của Mỹ.

d. Rủi ro đạo đức

Là những rủi ro xảy ra khi một bên tham gia cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình gây thiệt hại tới quyền lợi của người khác. Đạo đức ở đây chính là sự tín nhiệm, uy tín trong kinh doanh. Đây là vấn đề quan trọng trong thương mại và thanh toán quốc tế, vì các bên đối tác thường ở cách nhau rất xa, thậm chí không hề gặp nhau trong quá trình thực hiện đàm phán. Gồm rủi ro nhà nhập khẩu, rủi ro nhà xuất khẩu, rủi ro nhà chuyên chở, rủi ro ngân hàng…

Ví dụ: Khi mới thành lập, NHQĐ chi nhánh Hồ Chí Minh tiếp nhận một hồ sơ xin mở L/C yêu cầu mức ký quỹ thấp (10%). Khi xem xét hợp đồng thì nhân viên ngân hàng nhận thấy chữ ký của người XK đã được cắt dán và photocopy. Người NK giải thích đó là chữ ký qua fax. Thấy nghi ngờ, NHQĐ chi nhánh Hồ Chí Minh tiến hành điều tra thì thấy đây là một công ty ma, số điện thoại và số fax trên hợp đồng không có thực. NHQĐ đã từ chối mở L/C. NHQĐ cũng như các ngân hàng khác phải hết sức cảnh giác để tránh mở L/C cho các công ty ma. Giải pháp: tìm hiểu thông tin chính xác về khả năng tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh cũng như uy tín, tính trung thực của đối tác.

>>Tìm hiểu thêm: Khoá học xuất nhập khẩu online 

e. Rủi ro pháp lý

Xảy ra trong trường hợp có tranh chấp hay khiếu kiện giữa các bên có tham gia thanh toán. Vì môi trường pháp lý và luật pháp của các bên khác nhau nên rủi ro pháp lý là không thể tránh khỏi.

Ví dụ: Theo quy định của UCP 500, nếu L/C không quy định là hủy ngang hay không hủy ngang thì được coi là L/C không hủy ngang (Irrevocable).

Tuy nhiên, theo bộ luật dân sự của Nga (Civil Code), nếu L/C không quy định cụ thể là hủy ngang hay không hủy ngang thì được hiểu là L/C hủy ngang. Khi L/C nhận được một thư tín dụng phát hành từ một ngân hàng của Nga, không ghi rõ là có hủy ngang hay không hủy ngang, cán bộ của BIDV đã sơ suất không đề nghị ngân hàng phát hành sửa đổi và đã thông báo cho khách hàng. 1 tháng sau, ngân hàng phát hành của Nga thông báo cho BIDV là L/C nói trên đã bị hủy mà không cần có sự đồng ý của người thụ hưởng L/C, bởi vì theo họ đây là L/C hủy ngang. Rất may mắn là người thụ hưởng của L/C mới chỉ đang chuẩn bị hàng hóa để giao nên không bị mất hàng. Tuy nhiên, đây là một rủi ro rất nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhà xuất khẩu và BIDV.

Giải pháp: cần tìm hiểu kỹ càng pháp lý, pháp luật của đất nước đối tác kinh doanh để có thể phòng ngừa tốt loại rủi ro này

f. Rủi ro trong quá trình hoạt động, tác nghiệp

Đây là những rủi ro sai sót kỹ thuật do chính các bên tham gia gây ra. Rủi ro này thường được thể hiện trong việc lập hồ sơ chứng từ không hoàn hảo, không đáp ứng đầy đủ các điều khoản và điều kiện của L/C hoặc hành động không đúng theo UCP – 500 và các thông lệ, tập quán quốc tế khác.

Cụ thể các bên gặp rủi ro như sau:

+ Ngân hàng chuyển tiền: Do nhận chuyển tiền cho những hợp đồng thanh toán vi phạm chế độ quản lý hạn ngạch nhập khẩu, chế độ quản lý ngoại hối, những hợp đồng thanh toán ma được lập để lợi dụng hoạt động phi pháp..

+ Ngân hàng uỷ nhiệm và nhận nhờ thu: Do giao bộ chứng từ nhận hàng cho khách hàng trước khi nhận được thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán hối phiếu, nhận và gửi chỉ thị thanh toán không rõ ràng.

+ Các ngân hàng có liên quan trong phương thức tín dụng chứng từ…

Giải pháp: đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao nghiệp vụ trong thanh toán quốc tế.

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo