Con sinh ra trước hoặc sau hôn nhân có gọi là con chung không?
Khái niệm “con chung” là một khái niệm rộng, có thể hiểu con chung của vợ chồng hoặc con chung của hai người không phải là vợ chồng.Tuy nhiên, điều kiện để xem 2 người là vợ chồng thì giữa họ phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp tức là có giấy đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy khi Con sinh ra trước hoặc sau hôn nhân có gọi là con chung không?
Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc xác định cha mẹ cho con dựa trên những nguyên tắc sau:
– Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Như vậy, theo quy định trên, con sinh ra trước khi cha mẹ đăng ký kết hôn và được cả cha và mẹ thừa nhận thì là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì được xem là con chung do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Sinh con trước khi đăng ký kết hôn khi làm giấy khai sinh cần mang theo những giấy tờ gì?
Ngày nay, với xu hướng “sống thử trước hôn nhân” không thể phủ nhận những lợi ích mà lối sống này mang lại, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những hạn chế và việc có thai trước khi kết hôn cũng không phải hiếm gặp. Để bảo đảm những quyền lợi cho trẻ trong trường hợp này, cha mẹ vẫn muốn được tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Vậy khi sinh con trước khi đăng ký kết hôn khi làm giấy khai sinh cần mang theo những giấy tờ gì? Pháp luật có quy định về vấn đề này, cụ thể như sau:
Tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.”
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.”
Và khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; đăng ký khai tử phải nộp bản chính Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này; đăng ký kết hôn phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Mục 3 Chương III của Nghị định này.
3. Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
4. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới với Việt Nam (sau đây gọi là nước láng giềng) lập, cấp, xác nhận sử dụng để đăng ký hộ tịch theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 của Luật Hộ tịch được miễn hợp pháp hóa lãnh sự; dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung.
5. Bản sao giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ tịch là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc chứng thực từ bản chính theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu nộp bản sao không được chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.”

Con sinh ra trước khi kết hôn nếu khi đăng ký khai sinh cho con có văn bản xác nhận là con chung thì có cần phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con không?
Trong xã hội hiện đại như hiện nay, cơ sở để xây dựng hôn nhân đó là tình yêu chân chính giữa nam và nữa và đó là yếu tố cơ bản để duy trì các mối quan hệ gia đình. Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được cho nên hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu nam và nữ, bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó, việc xác định con chung của vợ chồng sẽ đảm bảo tuyệt đối về mặt huyết thống. Vậy khi con sinh trước thời kỳ hôn nhân nhưng cha mẹ thừa nhận đó là con chung của mình thì có cần thực hiện nhận cha, con khi đăng ký khai sinh cho con hay không? Chi tiết quy định này được chúng tôi nghiên cứu như sau:
Căn cứ Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
“1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
4. Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.
Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.”
Theo đó, trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Mọi người cũng hỏi
Câu hỏi 1: Văn bản thừa nhận con chung là gì?
Câu trả lời: Văn bản thừa nhận con chung là một tài liệu pháp lý mà hai người (thường là bố mẹ) thừa nhận chung quyền cha mẹ đối với một đứa trẻ, bất kể con được sinh ra trong tình cảnh hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân.
Câu hỏi 2: Ai có thể thực hiện việc lập văn bản thừa nhận con chung?
Câu trả lời: Việc lập văn bản thừa nhận con chung thường do bố mẹ của đứa trẻ thực hiện. Cả bố và mẹ đều cần có sự đồng ý và cùng tham gia vào việc thừa nhận quyền cha mẹ của con chung.
Câu hỏi 3: Quyền và trách nhiệm của người thừa nhận con chung là gì?
Câu trả lời: Người thừa nhận con chung có quyền và trách nhiệm chung nhau đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Họ cũng có quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến sự phát triển và trưởng thành của con, bao gồm quyết định về sức khỏe, giáo dục và các quyết định quan trọng khác.
Câu hỏi 4: Văn bản thừa nhận con chung có hiệu lực pháp lý như thế nào?
Câu trả lời: Văn bản thừa nhận con chung có hiệu lực pháp lý khi nó được lập viết đúng quy trình và ký tên bởi cả hai bên (bố và mẹ). Để có hiệu lực, văn bản này cần được công chứng hoặc chấp nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo luật pháp của từng quốc gia. Sau khi được chấp nhận, văn bản thừa nhận con chung sẽ có giá trị pháp lý và tạo ra quan hệ pháp lý giữa con và cha mẹ chung.
Nội dung bài viết:
Bình luận