1. Biên chế là gì?
Biên chế là chỉ những vị trí làm việc lâu dài trong các cơ quan nhà nước được Quốc hội, Chính Phủ và Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt, quyết định thông qua thi tuyển và được quy hoạch trong bộ máy công chức, viên chức, hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước.
Những người thuộc biên chế cơ quan nhà nước sẽ làm việc ở các cơ quan hành chính (Uỷ ban nhân dân các cấp), cơ quan Đảng, các đơn vị sự nghiệp công lập…
Biên chế là mong muốn của rất nhiều người bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng ổn định, thời gian làm việc lâu dài và đảm bảo thời hạn làm việc.
Phần lớn những người đã vượt qua thi tuyển vào biên chế nhà nước sẽ làm việc, cống hiến cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên hiện nay, nhà nước đang dần tiến tới tinh giảm biên chế và như vậy số lượng người lao động trong cơ quan nhà nước thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
2. Biên chế áp dụng với đối tượng nào?
khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP có quy định biên chế trong tinh giản biên chế được sử dụng tại Nghị định này được hiểu gồm:
“Biên chế” sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Từ quy định này, các đối tượng hiện nay áp dụng biên chế gồm biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Trong đó:
Cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ trong cơ quan Nhà nước… trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan Nhà nước, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức 2019).
Nhưng thông thường, viên chức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn sẽ được coi là biên chế. Theo đó, hiện nay, chỉ có ba trường hợp viên chức sau đây được hưởng biên chế:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nếu đáp ứng điều kiện;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, có thể hiểu biên chế là số lượng người làm việc trong cơ quan Nhà nước, mang tính chất ổn định, lâu dài, vô thời hạn và được duy trì công việc, chế độ lương, phụ cấp đến khi nghỉ hưu và áp dụng với cán bộ, công chức cùng 03 đối tượng viên chức nêu trên.
3. Ưu điểm của biên chế [Cập nhật chi tiết 2023]
Chế độ quyền lợi của công chức, viên chức
Khi làm việc theo biên chế, công chức, viên chức có những quyền sau đây:
3.1 Quyền của công chức theo quy định
Thứ nhất, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ như:
(i) Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
(ii) Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.
(iii) Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
(iv) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
(v) Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
Thứ hai, công chức được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Thứ tư, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3.2 Quy định của pháp luật về quyền của viên chức
Thứ nhất, viên chức được pháp luật bảo đảm quyền khi hoạt động nghề nghiệp, cụ thể:
(i) Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.
(ii) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
(iii) Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.
(iv) Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
(v) Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
(vi) Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.
(vii) Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, viên chức được đảm bảo về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:
(i) Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
(ii) Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
(iii) Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, viên chức được đảm bảo về quyền nghỉ ngơi, theo đó:
(i) Viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
(ii) Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
(iii) Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
(iv) Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tư, viên chức được đảm bảo các quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định như:
(i) Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(ii) Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
(iii) Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Thứ năm, ngoài những quyền được nêu ở trên, viên chức còn được đảm bảo những quyền khác khi làm việc trong biên chế như quyền được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
4. Quy định về biên chế đối với công chức, viên chức
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 35 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định 24/2010/NĐ-CP việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế:
Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức.
Hàng năm, cơ quan sử dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, báo cáo cơ quan quản lý công chức để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng theo quy định.
Thứ hai, đối với viên chức, theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nội dung bài viết:
Bình luận