Tại Nhật Bản, tử hình được xem là án tù cao nhất được luật pháp chấp nhận. Án phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với những người bị buộc tội danh giết người. Phán quyết tử hình cũng được áp dụng đối với những người bị kết án với tội giết nhiều người. Hy hữu một số vụ án giết một mạng người cũng được các công tố viên đề nghị mức án cao nhất bởi vì hành vi phạm tội vô cùng dã man và tàn bạo.
Theo tờ Washington Post, các công tố viên Nhật Bản hiếm khi đề nghị mức án tử hình nếu bị cáo không thú tội và họ thường đề nghị hình phạt đó đối với các vụ án hình sự có liên quan đến cái chết của nhiều phụ nữ hoặc tội giết người cộng với tội cưỡng hiếp hoặc bắt cóc.
Theo hệ thống luật pháp Nhật Bản, toà án phải căn cứ trên 9 tiêu chí chặt chẽ để đưa ra quyết định liệu bị cáo có phải chịu mức hình phạt cao nhất – mức án tử hình hay không. 9 tiêu chí được đưa ra xét đối với một vụ án gồm mức độ nghiêm trọng; tội danh; cách thức nạn nhân bị giết hại, hậu quả phạm tội, cụ thể là số lượng nạn nhân; nhận thức của các thành viên gia đình nạn nhân, mức độ ảnh hưởng đối với xã hội Nhật Bản; độ tuổi của bị cáo (trên 20); lịch sử phạm tội của bị cáo và mức độ ăn năn hối cải của bị cáo.

tử hình ở nhật bản
Trong những tiêu chí nêu trên, số lượng nạn nhân bị giết hại là tiêu chí quan trọng nhất để toà đưa ra mức án tử hình.
Theo một báo cáo của viện nghiên cứu thuộc Toà án Tối cao Nhật Bản điều tra về việc thi hành án tử hình từ năm 1980 đến năm 2009 và năm 2012, trong khi các công tố viên rất hiếm khi yêu cầu bản án tử hình đối với những vụ sát hại một người (32%) thì trong vụ án giết người hàng loạt, các công tố viên gần như luôn luôn yêu cầu mức án tử hình (79%).
Với quy định của luật pháp Nhật Bản, sau khi một đối tượng bị bắt, trong vòng 23 ngày, các nhà điều tra phải vào cuộc nhằm xem xét liệu đối tượng ấy có bị đem ra xét xử tội phạm hay không. Trong quá trình xét xử, các thẩm phán rất coi trọng "lời thú tội" của nghi phạm, điều được xem là có giá trị hơn nhiều bằng chứng khác.
Một khi nghi phạm thú nhận tội và ký vào bản khai nhận viết tay, sau này nếu họ có phản biện cho rằng lời thú nhận đó chưa phải là sự thực, thì trên tòa án, lý do đó khó được chấp thuận.
Điều này dẫn đến việc mục đích cuối cùng của các cuộc điều tra là có được sự “thú tội” của nghi phạm trong vòng 23 ngày. Các nghi phạm sẽ bị tạm giam riêng biệt trong các trung tâm giam giữ và chỉ được tiếp xúc với luật sư.
Cho đến khi các phiên xét xử được diễn ra, những lời khai trong quá trình điều tra cũng được coi là quan trọng hơn bằng chứng đưa ra trước tòa. Chính vì vậy, thông thường, phe bị cáo không dám có tuyên bố mâu thuẫn với những căn cứ thực tế, mà thay vào đó tìm cách làm giảm nhẹ tội. Trong khá nhiều trường hợp, tòa án phải mất một năm để đưa ra phán quyết án tử hình cho các bị cáo.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản, án tử hình được gia hạn triển khai trong vòng 6 tháng kể từ khi có phán quyết chính thức. Tại Nhật Bản, phương thức hành hình duy nhất là treo cổ. Một tù nhân nhận án tử hình sẽ không biết chính xác ngày hành quyết của mình mà chỉ biết trước khi việc đó diễn ra vài phút. Bộ trưởng Tư pháp sẽ là người đưa ra lệnh hành quyết, tuy nhiên kẻ tử tù không biết trước về lịch trình. Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc này sẽ tránh xảy ra tình trạng tử tù biết được thời gian hành quyết và ra tay trước – tự tử.
Phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ mức án tử hình. Trong một báo cáo khảo sát của chính phủ năm 2010, 86% người tham gia chọn mức án tử hình cho những tội danh nặng nhất, trong khi chỉ có 5,7% người tham gia cho rằng nên xóa bỏ việc hành quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận