Giao dịch bảo đảm là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự. Trên thực tế, khi giao kết những hợp đồng có giá trị lớn, biện pháp bảo đảm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi cho các bên. Sau đây, Luật ACC xin hướng dẫn về đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:
1. Giao dịch bảo đảm là gì?
Giao dịch bảo đảm là sự thỏa thuận của các bên về việc lựa chọn một trong các biện pháp đã được pháp luật quy định để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với tính chất tác động dự phòng để ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Đăng ký giao dịch bảo đảm là gì?
Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.
3. Tại sao phải đăng ký giao dịch bảo đảm?
Đăng ký biện pháp bảo đảm là thủ tục pháp lý có ý nghĩa quan trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các chủ thể:
- Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực trong những trường hợp pháp luật quy định. Tức là việc thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, tàu biển có hiệu lực từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền ghi vào sổ đăng ký.
- Đăng ký biện pháp bảo đảm có giá trị pháp lý đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
- Đăng ký biện pháp bảo đảm là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.
4. Tra cứu thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm
Nếu bạn muốn tìm kiếm thông tin về một giao dịch theo tên bên bảo đảm, hoặc theo số khung phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoặc số đơn đăng ký, bạn có thể chọn mục Tìm kiếm thông tin từ trang web mà không cần đăng nhập hoặc từ trang chủ sau khi đã đăng nhập. Tuy nhiên, nếu muốn Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản xác nhận kết quả tìm kiếm thông tin, bạn phải đăng nhập và sẽ phải trả phí cho mỗi kết quả tìm kiếm thông tin được chứng nhận. Sau khi chọn mục Tìm kiếm thông tin, màn hình Tìm kiếm thông tin sẽ hiện ra.
Dù bạn đã đăng nhập hay chưa, màn hình tìm kiếm thông tin sẽ có các tiêu chí tìm kiếm khác nhau cho mỗi mục tìm kiếm thông tin bạn chọn lựa.
- Nếu bạn biết số đơn ban đăng ký ban đầu, hãy chọn thẻ Số đơn đăng ký và cung cấp số đơn vào nơi thích hợp rồi nhấn chuột vào nút Gửi.
- Nếu bạn muốn tìm kiếm thông tin theo tên của bên bảo đảm (bên mua, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ, người phải thi hành án), hãy chọn thẻ Bên bảo đảm. Trong thẻ này, chọn loại bên bảo đảm bạn muốn tìm kiếm, cung cấp thông tin cần thiết rồi nhấn chuột vào nút Gửi.
- Nếu bạn muốn tìm kiếm thông tin theo số khung phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, hãy chọn thẻ Số khung. Sau đó cung cấp số khung bạn muốn tìm kiếm và nhấn chuột vào nút Gửi.
Sau khi đã gửi lệnh tìm kiếm thông tin, hệ thống sẽ tìm những giao dịch thỏa mãn các tiêu chí tìm kiếm và hiển thị tất cả các thông tin về giao dịch đó theo thứ tự số đơn đăng ký, với tất cả các thay đổi từ đơn đăng ký ban đầu và các đơn khác liên quan.
Nếu bạn đã đăng nhập, màn hình tìm kiếm thông tin sẽ cho phép bạn yêu cầu xác nhận kết quả tìm kiếm thông tin. Nếu bạn yêu cầu xác nhận, kết quả tìm kiếm thông tin sẽ hiển thị nội dung xác nhận và bản sao chữ ký của Giám đốc Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Mỗi Báo cáo kết quả tìm kiếm thông tin sẽ có một mã số và bạn có thể dùng mã số đó để tìm lại báo cáo này từ cơ sở dữ liệu khi cần thiết. Một báo cáo kết quả tìm kiếm thông tin được xác nhận là một báo cáo chính thức từ cơ sở dữ liệu và bạn có thể in báo cáo này để làm chứng cho tình trạng thông tin vào ngày ra báo cáo. Khi cần, bạn có thể yêu cầu cung cấp một bản xác nhận bằng giấy về kết quả tìm kiếm thông tin với đầy đủ chữ ký và con dấu của Giám đốc Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm bằng cách cung cấp mã số báo cáo xác nhận kết quả tìm kiếm thông tin mà hệ thống đã cấp cho Trung tâm Đăng ký.
5. Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm
5.1 Hồ sơ yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm
Đầu tiên, người đăng ký phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm tại trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cục đăng ký giao dịch bảo đảm.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 102/2017 thì:
“Hồ sơ đăng ký hợp lệ là hồ sơ có đủ phiếu yêu cầu đăng ký và các giấy tờ hợp lệ khác hoặc có phiếu yêu cầu đăng ký hợp lệ trong trường hợp pháp luật quy định hồ sơ đăng ký chỉ cần có phiếu yêu cầu đăng ký;”
Như vậy, hồ sơ đăng ký thông thường sẽ bao gồm:
- Đơn yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm
- Hợp đồng bảo đảm trong trường hợp đơn yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm;
Ngoài ra, đối với tài sản đảm bảo là động sản, việc đăng ký sẽ được thực hiện trên cơ sở nội dung tự kê khai trên phiếu yêu cầu đăng ký.
Và đối với việc đăng ký biện pháp bảo đảm, người yêu cầu đăng ký phải kê khai đầy đủ, chính xác, đúng sự thật, phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết và chịu trách nhiệm về thông tin đã kê khai, cung cấp.
Trong trường hợp gây thiệt hại, người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
5.2 Hình thức nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký
Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp theo một trong các phương thức sau đây:
“1. Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;
2. Nộp trực tiếp;
3. Qua đường bưu điện;
4. Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.”
Người yêu cầu đăng ký có thể dễ dàng nộp hồ sơ bằng nhiều phương thức khác nhau. Quy định này tạo sự thuận tiện cho người đăng ký .
5.3 Quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm, người tiếp nhận vào Sổ tiếp nhận, cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu hẹn trả kết quả.
Trường hợp hồ sơ đăng ký không hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn để người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo.
Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cũng không được quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký được tính từ ngày Văn phòng đăng ký đất đai nhận hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc do Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa chuyển đến.
Nội dung bài viết:
Bình luận