1. Thương mại điện tử là gì? Thương mại điện tử tiếng anh là gì?
1.1 Thương mại điện tử là gì?
Theo giải thích của WHO về thương mại điện tử là gì như sau:
Thương mại điện tử (hay thương mại trực tuyến) bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet
Thương mại điện tử là gì? Có tác động thế nào đến thị trường?
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Như vậy, TMĐT bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.
1.2 Thương mại điện tử tiếng Anh là gì?
Bên cạnh định nghĩa thương mại điện tử là gì, để hoà nhập với thế giới, bài viết cũng đưa ra định nghĩa thương mại điện tử bằng tiếng Anh. Theo đó, thương mại điện tử trong tiếng Anh được hiểu là Electronic Commerce, viết tắt là Ecommerce, E-comm hay EC.
2. Lợi ích của thương mại điện tử
Hiện nay, thương mại điện tử đang ngày một phát triển bởi nhiều lợi ích mà nó mang đến. Vậy cụ thể, lợi ích của thương mại điện tử là gì? Nó tác động thế nào đến người bán và người mua?
2.1 Đối với người bán
Với người bán, thương mại điện tử tạo nên những lợi ích có thể thấy rõ ràng như:
- Giúp giảm chi phí vận hành: Thay vì việc phải thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, nhân viên giám sát, có kho hàng lớn thì một trang thương mại điện tử đã giúp người bán tiết kiệm được hầu hết các chi phí này.
- Tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn: Nhờ có thương mại điện tử, thay vì người tiêu dùng phải đến trực tiếp cửa hàng để xem xét sản phẩm, dịch vụ thì hoàn toàn có thể tiếp cận sản phẩm, hàng hoá trên các trang thương mại điện tử.
2.2 Đối với người mua
Song song với những lợi ích dành cho người bán thì thương mại điện tử cũng mang đến nhiều lợi ích cho người mua. Có thể kể đến:
- Đặt mua sản phẩm dễ dàng hơn: Người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn và mua hàng ở bất cứ đâu chỉ cần có internet, thông qua máy tính, điện thoại… Đồng thời, người mua cũng có thể phân loại, so sánh, sắp xếp hàng hoá theo giá tiền, tính năng… và đặt mua chỉ bằng một cú click chuột.
- Giảm chi phí đi lại, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.
- Với việc show trực tiếp giá cả, thành phần… của hàng hoá, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử, người mua có nhiều lựa chọn hơn trong việc quyết định mua hay không mua loại hàng hoá, dịch vụ mà mình có nhu cầu.
3. Top loại hình thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam
Căn cứ Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, hoạt động thương mại điện tử gồm các hình thức cơ bản sau đây:
- Website thương mại điện tử.
- Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác.
Trong đó, tại Việt Nam, hai hình thức phổ biến là website thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử. Vậy cụ thể, đặc điểm của hai hình thức thương mại điện tử là gì?
3.1 Trang web thương mại điện tử là gì?
Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP giải thích:
Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Theo đó, có thể thấy, website thương mại điện tử có thể bao gồm: Website khuyến mại trực tuyến, đấu giá trực tuyến. Và chức năng được cài đặt trên website này là chức năng đặt hàng trực tuyến, cho phép khách hàng có thể ký hợp đồng theo các điều khoản đã công bố trên website đó.
3.2 Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
Sàn giao dịch TMĐT là một trong những hình thức hoạt động thương mại phổ biến hiện nay. Theo Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch TMĐT là website TMĐT cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT là thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Việc tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT được diễn ra dưới các hình thức:
- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
- Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
- Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Hiện nay, hình thức tạo lập website cho phép phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ đang rất phổ biến. Người tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hoá có thể phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định.
Tại Việt Nam, một số website về sàn giao dịch thương mại điện tử lớn là: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo...
4. Thương mại điện tử tác động thế nào đến thị trường?
4.1 Tác động tích cực
Như phân tích ở trên, thương mại điện tử tác động rất nhiều theo hương tích cực đến người bán và người mua. Ngoài ra, với các khía cạnh khác, thương mại điện tử cũng có nhiều tác động tích cực như:
- Với xã hội: Tạo ra môi trường làm việc, mua sắm từ xa, nâng cao mức sống do hàng hoá nhiều, giá mua bán cũng giảm vì giảm thiếu nhiều chi phí…
- Với các dịch vụ công: Việc thực hiện các dịch vụ công như y tế, giáo dục, chính phủ điện tử… được thực hiện qua môi trường mạng giúp giảm thời gian giải quyết, yêu cầu chi phí thấp… qua đó khiến các dịch vụ này diễn ra một cách thuận tiện, tiếp cận gần hơn với người dân.
4.2 Tác động tiêu cực
Bên cạnh tác động tiêu cực thì thương mại điện tử cũng không thiếu tác động tiêu cực. Trong đó có thể kể đến hạn chế về kỹ thuật, đường truyền mạng kém kéo theo đó sẽ dẫn đến tốc độ mua hàng và các hoạt động khác trên mạng không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, không gian mạng cũng là môi trường khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… bởi chưa có tiêu chuẩn quốc về chất lượng, độ tin cậy cũng như chưa có nhiều chế tài cụ thể về các hành vi vi phạm trên môi trường mạng.
Do đó, thực tế tại Việt Nam cho thấy, có rất nhiều đối tượng lợi dụng các sàn giao dịch thương mại cũng như website thương mại điện tử để lừa đảo, mạo danh lừa đảo, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Ngoài ra, đối với các đơn hàng được thực hiện thông qua thương mại điện tử, việc giao tiếp giữa các bên (bên bán, bên mua, bên giao hàng) trong nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ. Do đó, nhiều đối tượng lợi dụng lỗ hổng này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mình.
4.3 Đặc trưng của thương mại điện tử
Từ định nghĩa thương mại điện tử là gì, có thể đưa ra một số đặc trưng của hình thức này gồm:
- Không giao dịch trực tiếp: Tất cả đều thông qua mạng lướt internet, không phải tiếp xúc trực tiếp và có thể ký hợp đồng, giao dịch bằng chữ ký số, thực hiện trên môi trường mạng.
- Không bị giới hạn về địa lý: Do giao dịch được thực hiện thông qua môi trường mạng nên khác với các giao dịch truyền thống, thì thương mại điện tử được thực hiện mà không bị giới hạn về địa lý, có thể thực hiện thống nhất toàn cầu.
- Ít nhất 03 bên tham gia giao dịch thương mại điện tử: Bên bán, bên mua và bên thứ ba (bên cung cấp dịch vụ mạng…).
5. Điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh thương mại điện tử
5.1 Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
- Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
- Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
- Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam.
Sau đó, cá nhân, tổ chức cần thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định tại Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP.
5.2 Hồ sơ đăng ký đăng ký kinh doanh thương mại điện tử
- Đơn đăng ký mẫu TMĐT-1.
- Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/chứng nhận đầu tư (thương nhân) - Bản sao từ sổ gốc/bản sao chứng thực/bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Đề án cung cấp dịch vụ về mô hình tổ chức hoạt động (cung cấp, xúc tiến, tiếp thị dịch vụ, dịch vụ logistics với hàng hoá)…
- Quy chế quản lý hoạt động của website gồm các nội dung: Quy chế hoạt động, cơ chế và thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về việc kinh doanh trái luật.
- Mẫu hợp đồng dịch vụ/thoả thuận hợp tác giữa các bên.
- Điều kiện giao dịch chung.
(Căn cứ Điều 14 Thông tư 47/2014/TT-BCT)
5.3 Cơ quan có thẩm quyền cấp phép
- Thực hiện online tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
- Nộp hồ sơ giấy về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
5.4 Thời gian thực hiện
Quy trình đăng ký được thực hiện theo Điều 15 Thông tư 47/2014/TT-BCT theo các bước sau đây:
Bước 1: Đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử với các thông tin: Tên, số đăng ký kinh doanh, số quyết định thành lập, lĩnh vực kinh doanh/hoạt động, địa chỉ trụ sở, thông tin liên hệ.
Bước 2: Nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ email đã đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc.
- Cấp tài khoản đăng nhập.
- Đăng ký lại/bổ sung thông tin nếu bị từ chối/yêu cầu bổ sung thông tin.
Bước 3: Đăng nhập, chọn chức năng đăng ký website, khai báo thông tin và đính kèm hồ sơ như trên.
Bước 4: Nhận phản hồi của Bộ Công Thương trong 07 ngày làm việc về việc có tiếp nhận hay từ chối yêu cầu thì phải khai báo lại/bổ sung thông tin.
Bước 5: Gửi hồ sơ giấy về Bộ Công Thương.
Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục này theo quy định sẽ là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, thực tế thời gian này có thể sẽ lâu hơn bởi thời gian nộp, nhận, gửi hồ sơ là những khoản thời gian không thể tính được cụ thể.
6. So sánh thương mại điện tử và thương mại truyền thống
Điểm khác nhau giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử là gì sẽ được thể hiện cụ thể tại bảng dưới đây:
Tiêu chí |
Thương mại truyền thống |
Thương mại điện tử |
Khả năng tiếp cận khách hàng |
Bị giới hạn. Chủ yếu theo các hình thức quảng cáo thông thường như: quảng cáo trên báo, truyền hình, treo băng rôn, khẩu hiệu. |
Hình thức quảng cáo đa dạng. Do các sàn giao dịch TMĐT có nguồn vốn dồi dào nên việc đầu tư quảng cáo được đẩy mạnh. |
Thời gian giao dịch |
Khách hàng cần phải tới địa điểm cụ thể mua hàng, tuy nhiên sẽ mua được hàng hoá ngay. |
Thời gian phân phối và giao hàng hoá đến khách hàng mất thời gian do quá trình đóng gói, vận chuyển. |
Chất lượng sản phẩm |
Chất lượng sản phẩm tốt, do khách hàng sẽ được lựa chọn trực tiếp và kiểm tra sản phẩm trước khi mua hàng. |
Khách hàng không được trực tiếp lựa chọn sản phẩm. Việc kiểm tra hàng hoá cũng tuỳ thuộc vào chính sách của đơn vị sàn. |
Tính đa dạng của hàng hoá, sản phẩm |
Bị giới hạn do mỗi nhà sản xuất, mỗi đại lý sẽ phân phối và mua bán những loại hàng hoá khác nhau. |
Đa dạng do có tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trưng bày, phân phối đủ các loại hàng hoá. |
Như vậy, thương mại điện tử là hình thức giao dịch hàng hoá trên nền tảng internet. Tất cả các cá nhân, tổ chức có thể trưng bày, giới thiệu và cung cấp hàng hoá đến người tiêu dùng khi tham gia vào website thương mại điện tử.
Mọi người cùng hỏi:
Câu hỏi 1: Thương mại điện tử là gì?
Trả lời 1: Thương mại điện tử (e-commerce) là quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua mạng Internet. Nó bao gồm mọi hoạt động liên quan đến việc trao đổi tiền hoặc giá trị qua mạng để mua bán sản phẩm hoặc dịch vụ.
Câu hỏi 2: Thương mại điện tử bao gồm những loại gì?
Trả lời 2: Thương mại điện tử bao gồm nhiều loại hình, bao gồm:
- Thương mại điện tử người tiêu dùng (B2C): Khi người tiêu dùng mua hàng trực tiếp từ các trang web của doanh nghiệp.
- Thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B): Khi các doanh nghiệp mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho nhau thông qua mạng.
- Thương mại điện tử người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C): Khi người dùng cá nhân bán hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ với nhau qua các sàn giao dịch trực tuyến.
- Thương mại điện tử chính phủ với công dân (G2C): Khi chính phủ cung cấp các dịch vụ công cộng như thanh toán thuế, cấp giấy phép qua các kênh trực tuyến.
Câu hỏi 3: Lợi ích của thương mại điện tử là gì?
Trả lời 3: Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:
- Tiện lợi: Người mua có thể mua hàng và dịch vụ từ bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.
- Lựa chọn đa dạng: Khả năng so sánh và chọn lựa sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí: Không cần di chuyển tới cửa hàng truyền thống và có thể so sánh giá một cách dễ dàng.
- Thao tác đơn giản: Quá trình mua hàng và thanh toán trực tuyến thường rất dễ dàng và nhanh chóng.
Câu hỏi 4: Thương mại điện tử có rủi ro gì?
Trả lời 4: Mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có những rủi ro như:
- Rủi ro bảo mật: Thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng có thể bị đánh cắp hoặc lộ ra ngoài nếu hệ thống bảo mật không đủ tốt.
- Rủi ro gian lận: Có thể xảy ra gian lận trong việc thanh toán trực tuyến hoặc sản phẩm được giao không đúng như hình ảnh mô tả.
- Rủi ro pháp lý: Các vấn đề liên quan đến bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ và các quy định về giao dịch trực tuyến có thể tạo ra rủi ro pháp lý.
- Rủi ro về dịch vụ: Không có sự tương tác trực tiếp với sản phẩm hoặc nhân viên khi mua sắm trực tuyến, gây ra rủi ro không hài lòng về sản phẩm hoặc dịch vụ.
Nội dung bài viết:
Bình luận