Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi ngân hàng

Lãi từ tiền gửi ngân hàng là một trong những thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi được quy định như thế nào? Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ thông tin chi tiết ở bài viết dưới đây.

Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Từ Lãi Tiền Gửi

1. Có tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi không?

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung) thì thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

Trong đó: Thu nhập khác bao gồm:

  • thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
  • thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
  • thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
  • thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
  • thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ;
  • khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;
  • khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
  • khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót;
  • các khoản thu nhập khác.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung) quy định về lãi tiền gửi thuộc các khoản thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.

– Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

– Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi ngân hàng.

2. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ tiền gửi

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung) thì người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
  • Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung):

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN

Trong đó:

  • Thu nhập tính thuế được xác định là:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
  • Thuế suất:
    • Hiện nay, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.
    • Đối với doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam thì tùy vào từng dự án, từng cơ sở kinh doanh mà mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xác định từ 32% đến 50%.
    • Đối với một số ngành nghề ưu đãi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề đó thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể là 10%.

Lãi tiền gửi mà doanh nghiệp thu được sẽ được đưa vào thu nhập khác trong thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung) thì thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Trong đó:

Doanh thu là toàn bộ số tiền có được từ việc bán hàng hóa, gia công, cung cấp dịch vụ kể cả các khoản trợ giá, phụ thu mà doanh nghiệp thuộc diện hưởng lợi không phân biệt thu được tiền hay chưa.

Chi phí được trừ là những khoản thực chi có đủ các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
  • Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải lưu các khoản chi không được trừ tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung). 

Trên đây là những thông tin chi tiết về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi mà Công ty Luật ACC muốn giới thiệu đến bạn đọc. Nếu bạn đọc cần sự hỗ trợ tư vấn các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cần một dịch vụ kế toán - kiểm toán - thuế hỗ trợ bạn trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, hãy liên hệ ACC để được chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ kịp thời và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo