TTO - UBND TP.HCM vừa có quyết định qui định giá tính thuế tài nguyên nước trên địa bàn TP (có hiệu lực từ ngày 1-6-2007). Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC (ảnh), phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, cho biết:
- Theo nghị định 68 của Chính phủ về qui định chi tiết thi hành pháp lệnh thu thuế tài nguyên, các đơn vị khai thác tài nguyên nước (bao gồm cả nước mặt, nước ngầm) để sản xuất phải chịu một mức thuế suất nhất định. Mức giá 2.000 đồng - 4.000 đồng/m3 mà UBND TP đưa ra trong quyết định nói trên là để căn cứ đánh thuế chứ không phải là giá trị để thu thuế.
Nghĩa là, tùy theo mục đích của đơn vị khai thác nước sản xuất, mức thuế sẽ được tính phần trăm dựa trên mức giá này. Ví dụ, đơn vị khai thác nước ngầm để sản xuất nước đóng chai sẽ chịu mức thuế suất 10% của mức giá 4.000 đồng/m3 (tức 400 đồng). Nếu khai thác nước mặt, hình thức tính thuế cũng tương tự.
* Vậy những đối tượng nào sẽ phải đóng thuế khi khai thác tài nguyên nước, thưa ông?
- Tất cả các đơn vị, cá nhân khai thác tài nguyên nước phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đều phải đóng thuế. Tùy theo hình thức kinh doanh sẽ có một mức thuế tương ứng từ 0-10%. Các trường hợp không phải đóng thuế là: khai thác nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt bình thường, dùng cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp.
Như vậy trong tổng số hơn 100.000 giếng khoan trên địa bàn TP có khoảng 2.300 giếng khoan phải chịu mức thuế này. Còn việc khai thác nước mặt thì không đáng kể, chỉ một vài đơn vị. Riêng trường hợp khai thác nước mặt của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phục vụ nhu cầu cấp nước sạch của TP nên không phải chịu thuế.
* Làm sao xác định lượng nước người dân khai thác làm cơ sở đánh thuế?
- Trước mắt, việc xác định lượng nước khai thác dựa vào giấy phép của Sở Tài nguyên - môi trường cấp cho các đơn vị (trong giấy phép có ghi số lượng nước khai thác trung bình một ngày) cộng với kiểm tra thực tế. Mặc dù đã có một số đơn vị được gắn đồng hồ đo đếm nhưng hầu hết các đồng hồ này đều không có niêm chì nên dễ bị tác động, khó kiểm soát nên tạm thời chưa căn cứ vào đó để tính thuế được.
Tuy nhiên chúng tôi từng bước phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu gắn đồng hồ đo đếm đúng qui định để xác định chính xác lượng nước thực tế mà người dân khai thác để tính thuế, hạn chế tình trạng người xài ít phải trả tiền nhiều và ngược lại.
Số lượng các giếng khai thác nước ngầm lớn hơn so với số liệu điều tra thực tế, trong đó cũng không ít trường hợp khai thác lén lút, trái phép. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với các quận huyện tiến hành điều tra để yêu cầu những đơn vị này phải làm các thủ tục theo đúng qui định hiện hành, nếu không sẽ đình chỉ khai thác. Còn hình thức thu như thế nào, lực lượng ra sao sẽ do ngành thuế chủ trì, Sở Tài nguyên - môi trường chỉ là đơn vị phối hợp.
Nội dung bài viết:
Bình luận