
Môi trường văn hóa công sở là môi trường văn hóa đặc thù trong cơ quan công quyền do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thực hiện và tạo nên dựa trên những chuẩn mực, đạo đức xã hội và hệ thống chính sách, pháp luật; được biểu hiện qua mối quan hệ, giao tiếp ứng xử, bầu không khí làm việc khoa học, nhân văn, tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc, củng cố, lan tỏa hình ảnh, uy tín của đơn vị, tạo sự thân thiện, gần gũi với các đối tác và Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan hành chính cả nước đã quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về văn hóa công sở và kỷ luật, kỷ cương hành chính; hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo gắn với đạo đức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ CBCCVC; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng đồng bộ, đầy đủ; ứng dụng có hiệu quả thành tựu của công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; hình thành các bộ quy tắc về giao tiếp, ứng xử văn hóa cũng như không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng cảnh quan, không gian công sở ngày càng xanh, sạch, đẹp, thân thiện, tạo được niềm tin trong Nhân dân.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, khả quan nêu trên, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy việc xây dựng môi trường văn hóa trong một số cơ quan hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cũng như sự kỳ vọng, mong đợi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lợi ích vật chất; sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, một số CBCCVC có những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", sa vào chủ nghĩa cá nhân, đề cao lợi ích nhóm… đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bộ máy hành chính nhà nước. Nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền bị phát hiện, khởi tố, trong đó có những cá nhân từng giữ những vị trí, chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang... đã gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn đó không chỉ gây tổn hại về vật chất mà cả về tinh thần cho xã hội, cho cơ quan, đơn vị; ảnh hưởng không tốt đến môi trường làm việc của cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính; ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, tác động xấu đến hình ảnh, uy tín của cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã có những chuyển biến tích cực, đã giảm bớt một số đầu mối, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; từng bước tinh giản biên chế; cải cách tiền lương, tạo cơ chế, môi trường làm việc minh bạch, liêm chính, khách quan, công bằng, phát huy được năng lực, sở trường của những cán bộ tài năng, tâm huyết. Tuy nhiên, số lượng CBCCVC dôi dư sau giải thể, sáp nhập các đơn vị vẫn còn lớn, việc xác định vị trí việc làm còn bất cập, công tác đánh giá cán bộ còn hạn chế.v.v. những vấn đề đó cũng ảnh hưởng đến môi trường văn hóa công sở.
Môi trường văn hóa công sở thể hiện qua tinh thần, thái độ làm việc; qua chuẩn mực, đạo đức, lối sống; qua phương thức ứng xử, giao tiếp của đội ngũ CBCCVC; song việc một số CBCCVC nhận thức phiến diện về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, chỉ vun vén cho lợi ích và sở thích cá nhân gây ảnh hưởng không tốt đến việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp trong cơ quan, đơn vị. Môi trường văn hóa công sở chỉ thực sự lành mạnh, trong sạch khi có sự đồng thuận, trên dưới của mọi cán bộ, công chức với những chuẩn mực, quy tắc được thực thi, thể hiện qua tác phong chuẩn mực khi giao tiếp, ứng xử với nhân dân, đồng nghiệp. Hành vi lệch chuẩn sẽ tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa công sở, uy tín, hình ảnh của tổ chức công, cản trở việc thực thi nhiệm vụ của tổ chức. Phải nhận diện rõ những hạn chế này để có giải pháp khắc phục, nhất là khi cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai thực hiệnChương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 nói chung; cải cách hệ thống công vụ, công chức nói riêng.
Nội dung bài viết:
Bình luận