Trong quy định của Bộ luật dân sự 2015, mọi cá nhân đều có quyền như nhau trong việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi người chết không có di chúc, thì theo pháp luật, những người được hưởng di sản đầu tiên là cha, mẹ, vợ, chồng và các con của họ. Đối với cháu hoặc chắt (nội, ngoại) sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế được ưu tiên hàng thứ 2 và thứ 3 khi những người nêu trên không còn ai. Tuy nhiên, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 619, 652 Bộ luật dân sự 2015. Vậy thừa kế thế vị và hàng thừa kế thứ 2 theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 được hiểu như thế nào? ACC xin giải đáp thắc mắc về vấn đề này dưới đây:

1. Hàng thừa kế thứ hai gồm những ai?
Tại quy định ở Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định gồm có ba hàng thừa kế theo pháp luật như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Để xác định hàng thừa kế thứ hai cần làm rõ các khái niệm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và anh chị em ruột.
Cụ thể ông nội, bà nội là người đã sinh ra cha của một người; ông ngoại, bà ngoại là người đã sinh ra mẹ của người đó. Anh, chị, em ruột là những người có cùng ít nhất cha hoặc mẹ. Quan hệ này chỉ được xác định trên quan hệ huyết thống.
2. Thừa kế thế vị là gì?
Thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt của chế định thừa kế, được quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
"Điều 652. Thừa kế thế vị Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Ngay từ tên của quy định này – thừa kế thế vị thì chúng ta cũng có thể hiểu đơn giản đây là việc một người thay thế vị trí của một người khác để được nhận thừa kế của người đó. Cụ thể theo quy định trên thì thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ).
Ví dụ: Gia đình ông A có 3 người con: B, C. B có con là D. B chết trước A. Vậy khi ông A chết thì D sẽ được thừa kế thế vị từ ông A (cháu được thay vào vị trí của con). Trường hợp nếu D chết trước ông A và có người con là E thì E sẽ được thừa kế thế vị từ ông A (chắt được thay vào vị trí của ông). Thừa kế thế vị áp dụng khi nào? Để áp dụng thừa kế thế vị thì cần thỏa mãn các điều kiện sau: Người thế vị phải là người ở đời sau. Con cái, cháu được thế vị bố mẹ, ông bà mà không có trường hợp ngược lại. Ngoài ra các mối quan hệ khác không được xem là thừa kế thế vị.
Chỉ áp dụng cơ chế thừa kế thế vị trong trường hợp con/cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, nếu con/cháu của người để lại di sản chưa chết mà chỉ từ bỏ quyền nhận di sản hay vì bất cứ lý do khác thì cơ chế thế vị sẽ không được áp dụng Người thừa kế thế vị phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Ví dụ: Ông A có con là B. Tuy nhiên không may A và B bị tai nạn xe bị mất, lúc này vợ B đang mang thai con của B, thì đứa bé sẽ được thừa kế thế vị từ A.
Lưu ý:
Người còn sống để hưởng di sản thừa kế được xác định:
– Còn sống tại thời điểm người đó chết
– Người thành thai trước khi người đó chết, sau khi sinh ra còn sống.
Như vậy, theo quy định này, có thể xác định người thừa kế của người chết nếu chết trước hoặc cùng lúc với người đó thì về nguyên tắc sẽ mất quyền hưởng di sản, vì họ không còn là “người còn sống”.
Tuy nhiên, nếu như người này là con của người để lại di sản thừa kế thì quyền của họ vẫn sẽ được duy trì nếu như vào thời điểm người này chết, họ đang có con hoặc cháu nội, ngoại (nếu con cũng đã chết) bởi lúc này những người con hoặc cháu nội, ngoại đó của họ sẽ thế vị để hưởng phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng nếu còn sống (Theo Điều 619 Bộ luật dân sự 2015).
Từ đó, có thể hiểu, thừa kế thế vị chính là việc phần di sản mà người con chết trước hoặc cùng lúc với bố hoặc mẹ sẽ được hưởng nếu còn sống được chuyển giao cho các con hoặc cháu nội, ngoại (nếu như không có con còn sống) của người con đã chết đó.
3. Phân biệt thừa kế thế vị và hàng thừa kế thứ 2
Quy định về hàng thừa kế thứ hai trên chỉ áp dụng khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất (quy định này trong Bộ luật dân sự 2015 không có gì khác so với Bộ luật dân sự 2005 trước đó). Do đó, ví dụ trong hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn người thừa kế thì sẽ không phát sinh quyền thừa kế đối với những người trong hàng thừa kế thứ hai. Cụ thể, khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định
“3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Tuy nhiên, đối với thừa kế thế vị thì cho dù phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật đối với những người trong hàng thừa kế thứ nhất đi chăng nữa mà đủ điều kiện theo luật định thì người cháu đó vẫn sẽ được quyền thừa kế theo quy định tại thừa kế thế vị. Cụ thể, Điều 652 của Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Ví dụ: Ông nội chết để lại di sản là 1 tỷ đồng mà không có di chúc. Theo đó những người trong hàng thừa kế thứ nhất như bà nội, các người con của ông nội vẫn còn sống vào thời điểm ông nội chết. Nếu trong các con của người ông nội đó có người chết trước hoặc cùng thời điểm với ông nội thì những người cháu sẽ có quyên đối với phần di sản mà lẽ ra nếu con sống thì người cha của những đứa cháu đó sẽ nhận được.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề Phân biệt thừa kế thế vị và hàng thừa kế thứ 2 mà ACC gửi đến quý bạn đọc.
Nội dung bài viết:
Bình luận