Giấy phép kinh doanh là văn bản pháp luật bắt buộc mà nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân phải đăng ký. Hơn thế nữa việc đăng ký Giấy phép kinh doanh sẽ giúp bạn hoạt động 1 cách an toàn, hợp pháp, và được pháp luật bảo vệ. Bài viết dưới đây ACC sẽ cung cấp cho quý bạn đọc thông tin về Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh photocopy.
1. Giấy phép kinh doanh là gì?
– Giấy phép kinh doanh là điều kiện cần và đủ để cho cá nhân/tổ chức hoạt động trong một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhất định được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Giấy phép kinh doanh là chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở kinh doanh đó và là cơ sở giúp cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý trật tự xã hội về điều kiện kinh doanh được dễ dàng hơn. Có nhiều tên gọi và nhiều người không thể phân biệt được giấy phép kinh doanh là gì ? và giấy phép kinh doanh để làm gì trong các trường hợp khác nhau.
– Chỉ có 1 số ít loại giấy phép với tên gọi đúng của nó là giấy phép kinh doanh. Ví dụ: Giấy phép kinh doanh hóa chất, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, Giấy phép kinh doanh nhập khẩu.
– Trên thực tế thuật ngữ giấy phép kinh doanh là một thuật ngữ thông dụng nên dễ được đánh đồng làm tên gọi chung cho nhiều loại giấy chứng nhận, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Mọi người tuy hiểu kinh doanh là phải cần giấy phép nhưng không thể biết chính xác tên gọi chuyên ngành của từng loại giấy đối với các trường hợp cụ thể. Do vậy, trong nhiều trường hợp ngay cả những cơ sở kinh doanh có nhu cầu thực xin: “Giấy phép kinh doanh” cũng không thể mô tả chính xác tên gọi của loại giấy chứng nhận. Chính vì thế nên dễ gây nhầm lẫn trong công việc cũng như trong kinh doanh.
2. Đối tượng không phải đăng ký kinh doanh theo điều 2 nghị định 39/2007/NĐ-CP
Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
3. Loại hình tổ chức tiệm photocopy
Về loại hình tổ chức tiệm photocopy, Nghị định 60/2014/NĐ-CP có quy định: “Cơ sở dịch vụ photocopy là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp cung cấp dịch vụ photocopy”. Theo quy định trên, cơ sở dịch vụ photocopy có thể được tổ chức dưới một trong ba hình thức là: doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh hoặc đơn vị sử nghiệp công lập.
Như vậy, nếu bạn chỉ mở tiệm photocopy do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một hộ gia đình làm chủ; đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động thì bạn nên mở tiệm photocopy dưới hình thức hộ kinh doanh. Hình thức hộ kinh doanh là lựa chọn thông minh và tối ưu nhất do thủ tục thành lập, chế độ chứng từ sổ sách kế toán khá đơn giản; quy mô gọn nhẹ, phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ và không phải kê khai thuế hàng tháng, áp dụng chế độ thuế khoán.
4. Thủ tục mở tiệm photocopy
Bước 1: Khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy
Điều 25 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTTTT quy định:
1. Chậm nhất 10 ngày trước khi hoạt động, cơ sở dịch vụ photocopy phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Việc khai báo hoạt động của cơ sở dịch vụ photocopy thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cơ sở dịch vụ photocopy gửi tờ khai qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Tờ khai được lập thành 02 (hai) bản theo mẫu quy định.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có một trong các thay đổi về thông tin đã khai báo, cơ sở dịch vụ photocopy phải gửi tờ khai thay đổi thông tin theo mẫu quy định…
Như vậy, để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh đối với cơ sở photocopy, trước hết cần thực hiện hoạt động khai báo tại UBND cấp huyện theo mẫu số 13 (tờ khai hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy) và khi có thay đổi về thông tin khai báo thì cần khai báo theo mẫu số 14 (tờ khai thay đổi thông tin cơ sở dịch vụ photocopy) thuộc phụ lục của Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2014/NĐ-CP.
Bước 2: Đăng ký kinh doanh tiệm photocopy
Theo quy định tại điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Bước 2.1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện) nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 2.2. Chờ kết quả và nhận kết quả
- Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thực hiện việc xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và trao Giấy biên nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Chủ hộ kinh doanh thực hiện việc nhận giấy đăng ký hộ kinh doanh theo giấy hẹn tại bộ phận một cửa của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Bước 2.3. Thủ tục sau thành lập
Sau khi nhận kết quả hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân nộp giấy phép đăng ký kinh doanh tại chi cục thuế cấp huyện để nhận mã số thuế.
Như vậy, để đăng ký kinh doanh tiệm photocopy bạn cần gửi hồ sơ đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện) và thời hạn là 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu
Ngoài ra, nếu tiệm photocopy của bạn có sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu thì bạn phải thực hiện đăng ký trước khi sử dụng theo quy định tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2014/NĐ-CP:
- Phương thức đăng ký: Tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ đăng ký máy qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký sử dụng máy theo mẫu quy định; bản sao có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực nếu gửi bằng đường bưu chính, chuyển phát giấy phép nhập khẩu máy; hợp đồng và hóa đơn mua máy hoặc chứng từ thuê mua máy; Đơn đề nghị chuyển nhượng (đối với máy đã đăng ký sử dụng) có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã xác nhận đăng ký máy.
- Thời hạn nhận kết quả đăng ký: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức, cá nhân đăng ký được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xác nhận đăng ký bằng văn bản; trường hợp không được xác nhận đăng ký xác nhận tổ chức, cá nhân nhận được văn bản trả lời nêu rõ lý do.
5. Các câu hỏi thường gặp
5.1. Hồ sơ cần nộp để được kinh doanh photocopy là gì?
Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung gồm có: Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); ngành, nghề kinh doanh; số vốn kinh doanh; số lao động; họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
5.2. Trách nhiệm và quyền lợi của hộ kinh doanh in, photocopy:
– Phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản và các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động xuất bản.
– Lập sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in (Theo mẫu số 11 quy định tại Thông tư số 22/2010/TT–BTTTT ngày 6/10/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
– Không được nhận in, photocopy xuất bản phẩm được quy định tại điều 4 Luật xuất bản.
– Không được nhận in, photocopy tài liệu không kinh doanh theo quy định tại Thông tư 29/2010/TT-BTTTT ngày 30/12/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là không được nhận in, photocopy sách, băng, đĩa, tranh, ảnh, áp phích, tờ rời, tờ gấp, bản đồ có nội dung tuyên truyền về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, an ninh quốc phòng.
– Không được nhận in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm gồm: Báo, tạp chí, tem chống giả, chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, sổ tiết kiệm, hóa đơn giá trị gia tăng, vàng mã.
– Phải kiểm tra nội dung của ấn phẩm đặt in và phải lập hợp đồng kinh tế đối với tất cả các loại sản phẩm nhận in. Đồng thời, hộ kinh doanh in, photocopy phải lưu sản phẩm đặt in, hợp đồng in để xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
5.3. Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm?
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ hộ gia đình kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận này); Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (đối với chi nhánh doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với các tổ chức sự nghiệp có thu);
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
- Bản khai lý lịch của những người quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp). Nếu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản khai nhân sự, bản photocopy hộ chiếu, bản photocopy thẻ cư trú (xuất trình bản chính để kiểm tra).
5.4. Nộp hồ sơ xin phép kinh doanh photocopy ở đâu?
Chủ kinh doanh đem đầy đủ hồ sơ nộp lên cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Cụ thể là phòng đăng ký kinh doanh tại UBND cấp huyện. Thời gian xử lý hồ sơ xin phép kinh doanh là 3 ngày sau khi nhận đầy đủ giấy tờ.
Trên đây là nội dung Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh photocopy. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp cho quý độc giả những thông tin hữu ích về nội dung này. Nếu có thắc mắc hay cần tư vấn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với công ty luật ACC để chúng tôi có thể giải đáp và tư vấn cho quý bạn đọc một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận