Thỏa thuận nhận tội, hay còn được gọi là Mặc cả nhận tội, theo Từ điển Black’s Law thì đây là “một quá trình trong đó bị can và công tố viên trong một vụ án hình sự cùng nhau giải quyết vụ án một cách thỏa đáng dưới sự chứng nhận của Tòa án, thường liên quan đến việc bị cáo thừa nhận một tội danh nhẹ hơn. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.

Pham Nhieu Toi
Thỏa thuận nhận tội là gì? [Chi tiết 2023]

1. Thỏa thuận nhận tội là gì?

Chế định thỏa thuận nhận tội có thể hiểu là một quá trình mà trong đó bị can và công tố viên (gần tương tự như kiểm sát viên trong chế định viện kiểm sát) trong một vụ án hình sự cùng nhau giải quyết vụ án một cách thỏa đáng dưới sự chứng nhận của tòa án, thường liên quan đến việc bị can thừa nhận một tội danh nhẹ hơn. Khi đó, người phạm tội sẽ phải chịu một mức án nhẹ hơn và không phải thông qua quy trình xét xử của tòa án.

2. Các kiểu thỏa thuận nhận tội trên thế giới

Trên thế giới, một số nước đang áp dụng chế định thỏa thuận nhận tội có thể kể đến như Mỹ, Anh, Pháp, Canada…

Theo trang bách khoa toàn thư Britannica, nhìn chung ở các nước, có ba kiểu thỏa thuận nhận tội. Một là bị can đồng ý nhận tội để được giảm nhẹ tội danh, ví dụ nhận tội để chuyển từ tội cố ý giết người vốn rất nghiêm trọng thành tội hành hung. Hai là nhận tội để đổi lấy bản án nhẹ hơn hoặc án thay thế, như nhận tội giết người để tránh án tử hình. Và ba là khi bị can bị buộc nhiều tội, nếu đồng ý nhận tội thì có thể thỏa thuận nhận ít tội danh hơn.

Ở Mỹ, một số thỏa thuận nhận tội yêu cầu các bị can làm nhiều việc hơn chứ không đơn thuần chỉ là nhận tội. Đơn cử, các công tố viên thường đưa ra các thỏa thuận nhận tội có lợi cho các bị can đồng ý làm chứng để chống lại hoặc buộc tội các bị can khác.

Cũng tại Mỹ, theo trang Legal Information Institute của ĐH Luật Cornell (Mỹ), trong một số vụ án, công tố viên và bị can có thể làm việc với thẩm phán để xác định trước mức án mà người phạm tội sẽ nhận nếu chấp nhận thỏa thuận nhận tội. Tuy nhiên, ở hầu hết vụ án, vai trò của thẩm phán trong quá trình thương lượng nhận tội bị hạn chế. Đơn cử, các thẩm phán liên bang có thể không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán nhận tội.

Theo website của Công ty luật Greenspun Shapiro PC (Mỹ), một thỏa thuận nhận tội sẽ kết thúc vụ án và không có phiên tòa xét xử nào được mở, ngoài việc có một phiên tòa tuyên án riêng biệt. Cụ thể, khi công tố viên và bị can ký thỏa thuận nhận tội, trước tiên thẩm phán phải phê chuẩn thỏa thuận đó. Sẽ có một phiên tòa để các bên trình bày các điều khoản của thỏa thuận nhận tội cho thẩm phán nghe. Sau đó, thẩm phán sẽ đặt câu hỏi cho bị can để chắc chắn rằng họ hiểu đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận và tự nguyện đồng ý. Thẩm phán sẽ là người quyết định có chấp thuận thỏa thuận nhận tội hay không.

Mặc dù thương lượng nhận tội tiết kiệm nguồn lực, bao gồm việc cho phép công tố viên tập trung thời gian và nguồn lực vào các vụ án khác, giảm số phiên tòa mà các thẩm phán cần phải giám sát nhưng theo trang Legal Information Institute của ĐH Luật Cornell (Mỹ), quy định này vẫn gây nên những tranh cãi. Bởi việc thương lượng nhận tội cho phép bị can hưởng các bản án khoan hồng. Từ đó dấy lên các lo ngại sẽ làm suy yếu hiệu quả răn đe của các hình phạt hình sự và tạo ra tâm lý rằng những người phạm tội có thể trốn tránh pháp luật, miễn là sẵn sàng thương lượng. Mối quan ngại sâu sắc nữa là khả năng một người thực sự vô tội sẽ bị thúc giục để nhận tội.

3. Ưu điểm và hạn chế của mặc cả nhận tội

Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra những lợi ích và mặt trái của chế định mặc cả nhận tội, cụ thể như sau:[36]

3.1. Ưu điểm

Thứ nhất, giúp các công tố viên và luật sư công giải quyết một khối lượng lớn các vụ án hình sự. Những luật sư ở cấp quận thường có giới hạn về nguồn lực nên không thể buộc tội đối với tất cả vụ án thuộc thẩm quyền. Vì thế, họ chỉ chọn những trường hợp có yếu tố công cộng và hoặc có khả năng kết tội cao. Ngược lại, những trường hợp cho thấy việc kết tội khó thành công sẽ được ưu tiên giải quyết bằng thủ tục mặc cả nhận tội.

Tương tự, những luật sư công làm nhiệm vụ bào chữa cũng gặp khó khăn về nhân lực và như vậy mặc cả nhận tội sẽ giúp họ giải quyết vụ án nhanh hơn để có thời gian tập trung vào những vụ án khác mà họ nhận thấy cần thiết phải đưa ra xét xử. Mặc cả nhận tội cũng đem lại lợi ích cho những luật sư tư nhân vì giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết vụ án. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm thù lao nhưng bỏ công sức ít hơn.

Thứ hai, mang lại lợi ích cho bị cáo thông qua việc đề xuất một sự buộc tội nhẹ hơn hoặc bản án có lợi. Thông thường những bị cáo nhận tội thông qua thủ tục mặc cả sẽ được hưởng sự giảm nhẹ về hậu quả pháp lý hơn so với khi xét xử tại tòa. Bởi vì khi nhận tội, bị cáo đã thể hiện thái độ thành khẩn, hợp tác và ý thức trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của mình. Hơn nữa bên buộc tội cũng thường đưa ra những lời đề nghị nhân nhượng hơn nhằm giúp duy trì thủ tục mặc cả nhận tội.

Thứ ba, tiết kiệm các nguồn lực tư pháp bằng cách tránh được chi phí cho việc xét xử. Thẩm phán Burger trong vụ án hình sự Santobello và New York cho rằng mặc cả nhận tội nên được khuyến khích bởi vì “nếu mọi trường hợp buộc tội đều được đưa ra xét xử tại tòa thì các tiểu bang và chính quyền liên bang sẽ cần bổ sung thêm rất nhiều thẩm phán và cơ sở vật chất cho Tòa án”. Ngay từ năm 1970 gần 90% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ đã được giải quyết thông qua thủ tục mặc cả nhận tội bất kể những cảnh báo và án lệ trước đó. Thậm chí chỉ xét xử 10% các vụ án còn lại cũng khá căng thẳng và do đó dễ dàng nhận ra rằng nếu ngăn cấm mặc cả nhận tội sẽ rất có thể làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự. Hiện nay, thống kê cho thấy có đến 97% các vụ án hình sự cấp liên bang được giải quyết bằng hình thức thỏa thuận “ngoài tòa” và hoàn toàn không thông qua việc xét xử.

Thứ tư, đem lại sự hài lòng cho bị hại thông qua việc giải quyết nhanh chóng vụ án, đặc biệt đối với những người không muốn khai báo tại phiên tòa. Thông qua mặc cả nhận tội, bị hại nhanh chóng biết được kết quả giải quyết vụ án, giúp giảm bớt sự chờ đợi, lo lắng về tính không chắc chắn của việc buộc tội khi xét xử tại tòa.

Thứ năm, tạo sự gắn kết giữa các nhóm làm việc trong Tòa án. Mặc cả nhận tội mang lại lợi ích này bởi vì nó giúp hạn chế những mâu thuẫn, giảm sự không chắc chắn và duy trì mối quan hệ mật thiết giữa tất cả thành viên của các nhóm làm việc tại tòa bao gồm thẩm phán, công tố viên và người bào chữa.

3.2. Hạn chế

Thứ nhất, buộc công tố viên phải có nhiệm vụ đưa ra một mức độ buộc tội cao nhất khi bắt đầu mặc cả. Điều này đem đến một sự lo lắng rằng bị can có thể bị nhận một tội nghiêm trọng hơn tội anh ta sẽ bị kết án thông qua việc xét xử tại tòa.

Thứ hai, phá hủy tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp. Đây là một điểm bị phê phán rất nhiều của mặc cả nhận tội. Chế định này đã phá vỡ “những tiêu chuẩn chặt chẽ của tố tụng công bằng và hoạt động chứng minh trong các phiên tòa xét xử” được đặt ra bởi Tòa án và Hiến pháp”.

Thứ ba, quyết định tội trạng của bị cáo không thông qua xét xử. Điều này đồng nghĩa người bị buộc tội không thể thực hiện quyền bào chữa và được bảo đảm rằng việc có tội của họ phải được chứng minh trước Bồi thẩm đoàn một cách chắc chắn, không còn nghi ngờ (beyond resonable doubt) – một nguyên tắc tốt nhất để chống lại việc kết tội oan. Họ cũng mất đi cơ hội có thể được tuyên vô tội (mặc dù Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng lợi ích của việc giúp tránh đi sự lo lắng và không chắc chắn của phiên tòa xét xử có giá trị hơn những nhược điểm trên của mặc cả nhận tội).

Thứ tư, cho phép người phạm tội được nhận các bản án nhẹ hơn. Điều này làm giảm hiệu quả phòng ngừa tội phạm của các hình phạt nặng, tạo cho người phạm tội suy nghĩ rằng họ có thể thỏa thuận về cách thức giúp thoát khỏi sự trừng phạt một cách thích đáng đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Thứ năm, có thể người vô tội bị ép buộc phải nhận tội. Nghiên cứu cho thấy trong những trường hợp sau người vô tội thường nhận tội: (a) đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, khi mà một lời nhận tội nhanh chóng sẽ giúp thoát khỏi tình trạng bị giam giữ; (b) những vụ án mà bị cáo bị kết tội sai (phát hiện ở cấp phúc thẩm), mặc cả nhận tội trong trường hợp này sẽ đảm bảo việc trả tự do ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn nhất; (c) bị cáo bị đe dọa sẽ gánh chịu các hình phạt nặng hơn nếu không nhận tội.[45] Lời phát biểu của một bị cáo trong vụ án North Carolina với Alford đã phản ánh áp lực phải nhận tội của một người vô tội: “Tôi nhận tội giết người cấp độ hai bởi vì họ nói rằng có rất nhiều chứng cứ, nhưng tôi không bắn ai cả, tôi nhận lỗi lầm thay cho một người khác. Chúng ta chưa bao giờ có được một lý lẽ trong cuộc đời và tôi chỉ nhận tội bởi vì họ nói rằng nếu tôi không làm như thế họ cũng sẽ kết tội tôi, và đó là tất cả”.

4. Thỏa thuận nhận tội ở Việt Nam