Hợp đồng lao động là một văn bản quan trọng, ghi nhận thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về các quyền và nghĩa vụ của hai bên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hợp đồng lao động có thể bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm pháp luật hoặc do các yếu tố khác. Vậy ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu? Đây là một vấn đề pháp lý quan trọng cần được làm rõ để đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
1. Các trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu
Căn cứ theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Hợp đồng lao động vô hiệu thì những trường hợp ký kết sau sẽ bị coi là vô hiệu:
- Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
- Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
- Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
- Căn cứ tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
- Căn cứ tại Điểm v Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;
Đối chiếu điều đó với căn cứ theo Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 thì Toà án nhân dân sẽ là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
3. Ai có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
Căn cứ Điều 401 BLTTDS 2015 quy định về Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì:
- Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động.
- Đơn yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này.
Như vậy, Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều có thể yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu thấy hợp đồng có điều khoản trái với quy định pháp luật.
4. Quy định về yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Theo Điều 402 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc Xem xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
- Thời hạn chuẩn bị xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, Tòa án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn hoặc văn bản yêu cầu, nếu người yêu cầu rút yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn, văn bản yêu cầu.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
- Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
- Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu phải gửi đến người có đơn hoặc văn bản yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cùng cấp trong trường hợp có liên quan đến doanh nghiệp không có trụ sở chính tại Việt Nam.
5. Hợp đồng lao động vô hiệu được xử lý như thế nào?

Hợp đồng lao động vô hiệu được xử lý như thế nào?
Dựa trên Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 về quy định Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu thì
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.
Thêm vào đó Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động về Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
- Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
- Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều này;
- Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;
- Thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc xử lý vô hiệu toàn bộ
- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
- Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
- Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
- Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
- Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
- Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
- Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
6. Câu hỏi thường gặp
6.1 Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
Có, cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nếu hợp đồng đó vi phạm pháp luật lao động.
6.2 Người lao động có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
Có, người lao động có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nếu hợp đồng đó vi phạm quyền lợi của họ.
6.3 Hợp đồng lao động không có các nội dung bắt buộc có thể bị tuyên bố vô hiệu?
Có, hợp đồng lao động không có các nội dung bắt buộc theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 có thể bị tuyên bố vô hiệu.
Hy vọng qua bài viết, Công ty Luật ACC đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Công ty Luật ACC nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Nội dung bài viết:
Bình luận